Chuyển hướng chiến lược?
Sau khi Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền đơn phương ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông, chuyên gia Lyle J.Goldstein của tờ National Interest nhận định, Bắc Kinh có thể đang có tham vọng tiếp tục vươn ra khu vực Đại Tây Dương.
Theo Goldstein, bằng chứng rõ nhất cho thấy tham vọng bành trướng sức mạnh hàng hải của Trung Quốc chính là việc Bắc Kinh vừa bật mí về chiếc tàu sân bay thứ hai của nước này mang tên Sơn Đông nhiều khả năng sẽ được trình làng trong vài tuần tới sau hơn 2 năm 9 tháng đóng.
Nhiều người Trung Quốc theo chủ nghĩa hoài nghi lập luận rằng việc Bắc Kinh tăng cường năng lực hải quân cả về quy mô và chất lượng một cách nhanh chóng sẽ chỉ khiến các cường quốc biển khác giận dữ, và rằng những nguồn lực đầu tư cho hàng hải tốt hơn hết nên dành cho giáo dục hay xóa đói giảm nghèo trong nước…
Trên thực tế, Bắc Kinh đang theo những bước đi gần giống như của Washington: đầu tiên xây dựng các hạm đội và sau đó mới xác định mục đích sử dụng của chúng. Tuy nhiên, khác với Mỹ, Trung Quốc không có ý định mở hàng ngàn căn cứ quân sự trên khắp thế giới và áp dụng chính sách quân sự can thiệp trong đó lực lượng vũ trang chiến đấu ở nhiều quốc gia khác nhau.
Một số chiến lược gia của Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy chiến lược biển Đại Tây Dương của Bắc Kinh dù khái niệm này chưa chính thức được công khai. Thời điểm hiện tại, chiến lược của Trung Quốc ở Đại Tây Dương mới chỉ là những gạch đầu dòng phác thảo và còn trong giai đoạn rất sơ khai.
Đại Tây Dương - mục tiêu mới của Bắc Kinh
Cuối năm 2016, Cục Quản lý Đại dương Quốc gia Trung Quốc đã xuất bản ấn phẩm Quản lý và Phát triển Đại dương. Ấn phẩm này bắt đầu với mệnh đề khá đơn giản rằng vì Trung Quốc có ngày càng có nhiều mối quan tâm và lợi ích trên trường quốc tế nên Bắc Kinh phải tăng cường triển khai sức mạnh và khả năng hàng hải. Vì vậy, ấn phẩm viết, Trung Quốc phải có một “chiến lược hàng hải toàn cầu”, và Đại Tây Dương được mô tả là “đại dương siêu chiến lược” và có “vị trí chiến lược cốt lõi” trên bản đồ thế giới.
Những người biên soạn ấn phẩm này khẳng định, trong quá khứ, Trung Quốc đã không quan tâm đúng mức tới “chiến lược trung tâm thế giới bởi sự tập trung vào Đại Tây Dương là chưa đủ”. Các chuyên gia Trung Quốc cũng nói rằng Bắc Kinh nên “lấn sân” vào Đại Tây Dương để “phá vỡ sự phong tỏa hàng hải của Mỹ đối với khu vực cũng như phát triển tuyến đường hàng hải của Bắc Kinh”.
Nhóm nghiên cứu trên cho rằng Washington tuyên bố chiến lược tái cân bằng khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2010 nhằm bảo toàn vị trí dẫn đầu trong trật tự thế giới và “kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc”.
“Chống lại những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh của Washington, nghiêng mình về phương Tây, mở rộng thị trường ở Đại Tây Dương, tạo mối quan hệ hợp tác với các quốc gia ven biển Đại Tây Dương… là những biện pháp hiệu quả để chống lại chủ nghĩa bá quyền của Mỹ”, ấn phẩm viết.
Bởi phần lớn nửa sau của tài liệu thảo luận về tầm quan trọng của các công cụ phi quân sự và quyền lực mềm mà Bắc Kinh nên tận dụng để tránh làm mất lòng Washington.
Dù khẳng định sự đối đầu trên biển giữa Mỹ và Trung Quốc là “một xu hướng rõ ràng” nhưng các chiến lược gia cũng nhấn mạnh Bắc Kinh “vẫn phải tìm cách duy trì sự ổn định tổng thể trong mối quan hệ với Mỹ”.
Theo các tác giả của ấn phẩm trên, “điểm cuối” trong sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc sẽ “gói gọn ở Đại Tây Dương”, vì vậy một chiến lược hợp lý của Bắc Kinh tại khu vực này sẽ có tác động to lớn với sự phát triển kinh tế trong tương lai.
Theo chiến lược trên, Trung Quốc cần đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Anh, Pháp và Đức. Ngoài ra, chính phủ cũng cần ưu tiên hợp tác thương mại với các cảng biển ở bờ đông Mỹ bởi theo phân tích của các chuyên gia này, quan hệ thương mại Trung-Mỹ ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, và là nhân tố trụ cột hình thành quan hệ giữa hai bên.
Chưa hết, các tác giả cũng nhấn mạnh “tiềm năng rất lớn” trong tăng cường thương mại với những nước châu Phi và Mỹ Latin trong khu vực Đại Tây Dương.
Đáng chú ý, ấn phẩm Quản lý và Phát triển Đại dương còn nhận định Trung Quốc nên tăng cường nỗ lực khoa học ở Đại Tây Dương. Họ cho rằng, sau khi thực hiện hơn 40 chuyến thám hiểm dưới đáy đại dương, Trung Quốc cần tích cực chuẩn bị “khám phá các nguồn tài nguyên ở đáy Đại Tây Dương”. Dù Trung Quốc đã có sự hiện diện khoa học tại Đại Tây Dương nhưng sự hiểu biết của họ về khu vực biển này vẫn còn ít ỏi, các chuyên gia Trung Quốc cho hay.
Như vậy, có thể thấy phần lớn tài liệu trên bàn về việc khám phá khoa học, mở rộng cơ hội hợp tác kinh tế cũng như củng cố “quyền lực mềm hàng hải” của Bắc Kinh ở khu vực Đại Tây Dương. Nhưng theo chuyên gia Goldstein của National Interest, mục tiêu cuối cùng của các nhà nghiên cứu Trung Quốc khi công bố ấn phẩm trên là muốn “gây áp lực với Mỹ”, khiến Washington lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực biển Đại Tây Dương.
Xem thêm: Nữ nghị sĩ Dân chủ đồng loạt mặc đồ trắng khi TT Trump phát biểu
Danh Tuyên