Tuyên bố trên được Bắc Kinh đưa ra sau khi hãng tin Reuters dẫn nguồn từ chính quyền Nhật Bản khẳng định, Tokyo đang lên kế hoạch triển khai tàu chiến lớn nhất tới khu vực Biển Đông.
Izumo, tàu sân bay trực thăng mới được đưa vào sử dụng từ 2 năm trước, sẽ ghé thăm Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi tham gia cuộc tập trận quân sự Malabar với tàu của hải quân Ấn Độ và Mỹ tại Ấn Độ Dương vào tháng 7 năm sau.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh.
Đây sẽ là lần phô diễn sức mạnh lớn nhất của lực lượng hải quân Nhật Bản ở khu vực kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tuy nhiên, Bắc Kinh lại xem động thái trên của Nhật Bản là một mối đe dọa tới những tham vọng chủ quyền (sai trái) của mình ở Biển Đông và lớn tiếng đưa ra những lời "đe dọa".
"Nếu Nhật Bản cố tình thực hiện các hành động sai lầm, gồm cả việc xem xét can thiệp quân sự gây đe dọa tới an ninh và chủ quyền của Trung Quốc, chúng tôi sẽ tiến hành những biện pháp đáp trả mạnh mẽ", Reuters hôm 16/3 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho hay.
Trước đó, Bắc Kinh đã yêu cầu câu trả lời chính thức của Nhật Bản, giải thích việc Tokyo lên kế hoạch điều tàu sân bay trực thăng Izumo tới Biển Đông với lý do tranh chấp ở Biển Đông không liên quan tới Nhật Bản.
Tuyên bố cho thấy, Trung Quốc dường như coi Biển Đông là "ao nhà" và ngăn cấm các nước có lực lượng hải quân mạnh mẽ hiện diện ở vùng biển này.
Nhật Bản và Trung Quốc không có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, nhưng đều tuyên bố chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại khu vực biển Hoa Đông.
Izumo là tàu chiến lớn nhất được Nhật Bản chế tạo từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. JDS Izumo là chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu sân bay trực thăng Izumo. Đây là tàu chiến đa nhiệm, có thể tiến hành đồng thời nhiều hoạt động như hỗ trợ đổ bộ và kiểm soát không phận, tấn công đất liền. Tàu có thể chở khoảng 400 binh lính và 50 xe tải loại 3,5 tấn hoặc thiết bị tương đương.
Tuy nhiên, nhược điểm của Izumo là vũ khí nghèo nàn, chỉ có khả năng tự vệ nhờ hai hệ thống pháo tầm gần Phalanx và hai bệ tên lửa tầm ngắn SeaRAM, cùng hệ thống tác chiến điện tử, mồi bẫy và phao thủy âm gây nhiễu chống ngư lôi.
Dự kiến, Izumo sẽ được đưa tới khu vực Biển Đông tham gia nhiệm vụ mở rộng trong tháng 5 tới.
Đọc thêm>>> Trung Quốc: 'Không muốn căng thẳng Biển Đông giống Chiến tranh Lạnh'
Quốc Vinh