Trung Quốc vừa công bố kế hoạch đầu tư gần 2 tỷ USD vào khu công nghiệp ở Syria. Tuy nhiên, một số nhà quan sát tin rằng, đây không phải là thời gian để Bắc Kinh tập trung vào các dự án sản xuất như vậy. Động thái của Trung Quốc là tín hiệu mạnh mẽ về việc nước này đang tìm kiếm lợi ích địa chính trị của mình tại nơi đây.
Trong khi ở quan điểm ngược lại, học giả Azhdar Kurtov từ viện Nghiên cứu Chiến lược Nga (RISS) đánh giá, việc khôi phục cơ sở hạ tầng của Syria sẽ là ưu tiên hàng đầu.
Ông này phân tích, sự phục hồi và phát triển nền kinh tế của đất nước có tầm quan trọng vô cùng.
"Đối với các khoản đầu tư vào các lĩnh vực như công nghiệp, nông nghiệp, vận tải - việc Chính phủ Syria ưu tiên cho Trung Quốc và một số nước khác tham gia vào các dự án tái thiết là điều rõ ràng", Kurtov nói.
Về phần mình, ông Vladimir Evseev, Vụ trưởng vụ Hợp nhất và Phát triển Á - Âu (SCO) tại viện Các nước CIS cho biết, việc Trung Quốc sẵn sàng đầu tư vào Syria đồng nghĩa với việc ngày chấm dứt xung đột nơi đây không còn xa.
"Trung Quốc thực sự không muốn bị bỏ lại phía sau. Họ muốn đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria”, ông Evseev bình luận.
“Họ đã chờ đợi một thời gian dài. Bắc Kinh không chắc những hành động của Nga sẽ mang về kết quả hoàn hảo. Do đó, việc Trung Quốc tăng cường tham gia vào việc giải quyết vấn đề Syria sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động kinh doanh sau này", chuyên gia Evseev mổ xẻ.
Trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra, Trung Quốc đã kiểm soát phần lớn lượng dầu, khí đốt của Syria. Hàng chục tỷ đô la đã được đầu tư ở quốc gia này.
Chuyên gia dự đoán, Trung Quốc muốn tiếp tục duy trì sự kiểm soát đối với lĩnh vực năng lượng của đất nước Trung Đông.
“Trung Quốc đã đưa ra một quyết định lớn để tham gia vào việc giải quyết khủng hoảng Syria, cả về mặt chính trị và kinh tế. Họ cũng có thể tham gia hạn chế trong lĩnh vực quân sự bằng các hoạt động thử nghiệm vũ khí", Evseev gợi ý.
Trung Quốc đã chính thức tham gia vào chiến trường Syria hồi năm ngoái bằng quyết định cử đặc phái viên đặc biệt tới đây. Bên cạnh các nỗ lực ngoại giao, Bắc Kinh còn tham gia đào tạo quân sự và cung cấp viện trợ nhân đạo.
Syria vẫn chiếm vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự tại Bắc Kinh. Đặc biệt, các nhà quan sát lưu ý đến chi tiết hôm 18/1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần đầu tiên nhấn mạnh sự đóng góp của Bắc Kinh trong việc giải quyết vấn đề Syria.
Đọc thêm>>> Lộ tài liệu mật chỉ rõ lý do Qatar bị các nước vùng Vịnh vây hãm
Quốc Vinh