Khả năng tiềm ẩn leo thang xung đột giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong khu vực Thái Bình Dương là nguy hiểm hơn nhiều so với những gì đang xảy ra giữa Nga và NATO. Đó là nhận xét của quan sát viên Theo Sommer từ Die Zeit.
"Có vẻ như thế giới đang chuẩn bị tới chiến tranh", ông Sommer cho biết trong bài viết mới đăng tải kêu gọi các Tổng thống Mỹ và Nga từ bỏ con đường quân sự hoá.
Chuyên gia Sommer đồng ý rằng "cuộc chạy đua" giữa Nga và NATO là nguyên cớ để lo ngại. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông, ở châu Âu không hiện hữu mối đe dọa xung đột quân sự tổng lực.
"Học thuyết cơ bản của Chiến tranh Lạnh không bị lãng quên cả ở Moscow và Washington. Một số sự cố là có thể, nhưng không ai muốn chiến tranh tổng lực, cả Vladimir Putin cũng như Donald Trump, do tính chất khó lường của nó", tác giả giải thích.
"Về mối đe dọa chiến tranh, tôi nhìn thấy rõ hơn ở phía bên kia địa cầu: ở khu vực Thái Bình Dương, nơi có cuộc đối đầu giữa Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh như một cường quốc thế giới và nước Mỹ gần đây vẫn là thống soái đang đấu tranh vì vị thế uy quyền tối thượng", ông Theo Sommer viết tiếp.
Cùng quan điểm, một chỉ huy quân đội Trung Quốc mới đây đã đưa ra dự đoán rằng một cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc dưới chính quyền Donald Trump đã trở thành gần như "không thể tránh khỏi".
Tờ Focus dẫn thông tin từ tờ South China Morning Post cho hay, một quan chức quân sự thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc nêu quan điểm cho rằng với việc ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ có thể làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột quân sự giữa hai nước.
"Chiến tranh trong nhiệm kỳ của Tổng thống (Mỹ) hiện nay... gần như là một thực tế", South China Morning Post dẫn tuyên bố được đăng tải trên trang web của quân đội Trung Quốc cho biết.
Tướng Trung Quốc khuyên giới quân sự nước này "gửi quân tới Biển Đông và biển Hoa Đông" để cân bằng chiến lược xoay trục tới châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ và khuyến cáo Washington "suy nghĩ lại về chiến lược của mình ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương".
Theo tờ Quan điểm của Nga, Bắc Kinh ngày càng lo ngại về những tuyên bố của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với chính sách "một Trung Quốc". Trung Quốc luôn xem đảo Đài Loan là một "tỉnh nổi loạn" chờ được thống nhất, nên thường cắt đứt quan hệ ngoại giao với các nước công nhận Đài Loan độc lập. Tuy nhiên, vào cuối năm ngoái, ông Trump đã phá vỡ ngoại lệ tiếp nhận một cuộc điện đàm riêng với người đứng đầu chính quyền Đài Loan.
Hồi giữa tháng 1, trong chuyến công du châu Âu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh tới ý định "xây dựng một mô hình mới của quan hệ với Mỹ". Trong cuộc họp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos với cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Tập tiếp tục kêu gọi Mỹ hợp tác xây dựng mối quan hệ lâu dài sau khi ứng viên Ngoại trưởng lúc bấy giờ Rex Tillerson lên án các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tuy nhiên, các nhà phê bình trong nước Mỹ lại lên án các chính sách của ông Trump vì cho rằng điều đó là có lợi cho Trung Quốc. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain cho biết tuần trước rằng quyết định rút khỏi TPP của ông Trump sẽ chỉ giúp tăng cường sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.
Bình luận về các động thái trên, chuyên viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ Nga, Vasily Kashin, cho rằng cần xem xét một cách nghiêm túc các đánh giá trên về sự gia tăng mối nguy hiểm trong quan hệ Trung-Mỹ.
Chuyên gia Nga nhắc lại rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã gia tăng căng thẳng trong thời gian gần đây và nguy cơ bùng nổ xung đột quân sự đã được chú ý từ dưới thời Tổng thống vừa mãn nhiệm Barack Obama.
"Trong chính quyền Trump, căng thẳng có thể trở nên vượt tầm kiểm soát và bùng nổ xung đột", ông Kashin nhận định và lưu ý rằng chính quyền trước đây của hai nước dù có sự mất lòng tin lẫn nhau nhưng vẫn tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề quan trọng sau khi đạt được sự đồng thuận trong vấn đề Đài Loan. Nhưng nếu sự đồng thuận này bị phá vỡ, sẽ khó có thể lường trước được hậu quả của nó.
Theo ông Kashin, tân Tổng thống Mỹ đã nhìn ra sự thất bại của chính sách đối ngoại trước đó của Mỹ và bắt đầu đặt câu hỏi về mọi thứ. Ông chủ Nhà Trắng bắt đầu thay đổi các quy tắc, nhưng ông Trump lại "không phải hoàn toàn có đầy đủ kiến thức cần thiết để hiểu được những hậu quả của các hành động đó", ông Kashin nhấn mạnh.
Trong khi đó, Trung Quốc trong những năm gần đây đã đẩy mạnh tinh thần dân tộc chủ nghĩa trong nước. Do đó, các cuộc tẩy chay nước này có thể dẫn tới những phản ứng khó lường hơn trước rất nhiều.
"Sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc càng trầm trọng hơn bởi sự gia tăng khả năng quân sự của Trung Quốc và sự đồng thời tăng cường hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương", chuyên gia Nga cảnh báo thêm.
Nhà khoa học chính trị Mỹ từ Đại học Tennessee, Andrei Korobkov cho rằng Trung Quốc đang chuẩn bị một cách nghiêm túc cho chiến tranh. Họ hiểu rằng chiến lược của Tổng thống Trump thực sự coi Trung Quốc là mối đe dọa chính, và các trung tâm quyền lực toàn cầu đang chuyển từ Đại Tây Dương đến châu Âu và Tây Bắc Thái Bình Dương.
"Quân đội Trung Quốc nhận thức được điều đó và đang chuẩn bị để thích ứng với sự thay đổi này. Căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục phát triển, trên cả khía cạnh kinh tế và quân sự-chiến lược. Nó đã được chứng minh sự thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Nga. Ông Trump đang cố gắng lặp lại các mô hình của cựu Tổng thống Nixon, nhưng theo chiều ngược lại. Nixon đã thành lập một liên minh với Trung Quốc chống lại Liên Xô, và Trump đang cố gắng để cho Nga ít nhất là trung lập trong quan hệ với Trung Quốc, ông Korobkov nói.
Theo dự báo của ông, chiến lược quân sự của Mỹ sẽ được tái định hướng đến một cuộc xung đột tiềm năng với Trung Quốc, tăng hỗ trợ các đối thủ của mình và đồng thời cải thiện quan hệ với Nga. "Khi Obama đẩy Nga ra khỏi châu Âu và tiến về Trung Quốc, Trump tin rằng chiến lược này là một sự thiếu sót", ông cho biết.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á và SCO MGIMO, Alexander Lukin, nhớ lại rằng theo Sách trắng Quốc phòng mới của Trung Quốc, cuộc chiến tranh với Mỹ khó có thể xảy ra. "Đây là quan điểm chính thức. Mặc dù sau đó có các tướng lĩnh nói ra các quan điểm khác nhưng thường đó là những người đã về hưu, không phải là một quan chức cấp cao đương nhiệm", ông Lukin nhấn mạnh.
Tờ Quan điểm của Nga cho rằng việc một quan chức quân sự cấp cao Trung Quốc đưa ra quan điểm bên trên cho thấy sự "lo sợ" của mình cũng như sự không chắc chắn về tân Tổng thống Mỹ Donald Trump, người thường đưa ra các tuyên bố khó đoán.
"Người Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng họ đã sẵn sàng và không sợ ngay cả những diễn biến tiêu cực nhất. Nhưng cũng nên hoài nghi về việc liệu các quan chức trong Quân ủy Trung ương Trung Quốc đang thực sự nghĩ rằng sẽ có chiến tranh với Mỹ. Có lẽ Trung Quốc muốn gây áp lực lên chính quyền mới của Mỹ", ông Lukin lưu ý và nhấn mạnh thêm rằng quan điểm trên có thể chỉ được đưa ra nhằm hài lòng dư luận trong nước bởi Trung Quốc "luôn tăng cường các khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa khác nhau".
Hoàng Hải