Trong một tuyên bố hôm 4/3, Bắc Kinh cho biết, tương lai lâu dài của các tranh chấp ở Biển Đông chủ yếu sẽ phụ thuộc vào Washington, và nước này đã sẵn sàng để đối phó với bất cứ thách thức nào mà Tổng thống Mỹ Donald Trump mang đến cho quan hệ giữa hai quốc gia, theo SCMP.
Phát biểu vào đêm trước lễ khai mạc kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, bà Fu Ying - phát ngôn viên của cơ quan lập pháp Trung Quốc, cũng tìm cách gạt bỏ những hoài nghi về việc Trung Quốc đặt mục tiêu thách thức trật tự quốc tế do Mỹ dẫn đầu và thay thế Washington trong vai trò siêu cường.
"Tình hình chung ở Biển Đông đang có những biến chuyển khi những hoạt động của Mỹ ở Biển Đông đang được mở rộng", bà Fu Ying nói.
Đồng thời, người phát ngôn của cơ quan lập pháp Trung Quốc cũng biện minh rằng các hoạt động của Bắc Kinh trên Biển Đông bao gồm việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên các đảo mà nước này chiếm đóng trái phép là "không đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở khu vực".
Phát ngôn của bà Fu Ying đưa ra sau khi giới chức quân đội Mỹ vừa cam kết sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra trên Biển Đông để khẳng định quyền tự do hàng hải trên biển.
Trong vài năm qua, Trung Quốc liên tục có những tuyên bố chủ quyền ngang ngược trên Biển Đông, đồng thời chiếm đóng trái phép và quân sự hóa trên các đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Động thái của Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế lên án là xâm phạm lợi ích quốc gia khác và đi ngược lại luật pháp quốc tế.
Bình luận về phát ngôn này, chuyên gia Wang Wenfeng từ Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh và Washington rõ ràng có những định nghĩa khác nhau về những yếu tố cấu thành quyền tự do hàng hải.
"Trong khi Mỹ khẳng định họ có quyền đưa các tàu chiến tuần tra quanh vùng biển quốc tế ở Biển Đông, Bắc Kinh - ngược lại - đã luôn luôn nhấn mạnh rằng tự do hàng hải không nên bao gồm việc triển khai các tàu quân sự", ông nói.
Trong khi chuyên gia Li Jie, một nhà phân tích quân sự tại Bắc Kinh cho biết, Trung Quốc vẫn hết sức cảnh giác khi cho rằng các tranh chấp hàng hải sẽ càng phức tạp thêm bởi sự can thiệp của Washington.
Đồng thời chuyên gia này dự đoán: "Biển Đông sẽ trở thành khu vực ưu tiên của Mỹ một khi nước này tạm giải quyết được những vấn đề ở Trung Đông".
Mặc dù khác nhau về nhận thức, bà Fu Ying đã đưa ra một đánh giá tích cực về quan hệ Mỹ-Trung khi nói rằng cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng trước đã giúp "thiết lập lại sự đồng điệu trong mối quan hệ".
Bà Fu Ying cũng giảm bớt những lo ngại về chính sách của chính quyền Trump với một số vấn đề liên quan đến Trung Quốc, trong đó bao gồm chính sách "một Trung Quốc".
"Những thay đổi chính sách của Mỹ sẽ có tác động toàn cầu và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng sẽ nhìn thấy những tác động tích cực, nhưng Trung Quốc sẽ vẫn bình tĩnh để đối phó với những thách thức có thể đến", phát ngôn viên Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc (Trung Quốc), nói.
Tao Wenzhao, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho biết, bất chấp sự bảo đảm lặp đi lặp lại của Trung Quốc rằng nước này sẽ không thách thức Mỹ về địa chính trị, sự mất lòng tin chiến lược giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn còn là một trở ngại lớn trong quan hệ song phương.
Đọc thêm>>> Vì sao sân khấu của mọi bí ẩn đều được đưa về Malaysia?
Quốc Vinh