Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gần đây nói rằng sẽ không cho phép Trung Quốc bước lên các đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng trái phép ở Biển Đông đã làm nóng lại mối quan tâm quốc tế về vấn đề tranh chấp chủ quyền trong vùng biển quan trọng này.
Nhưng rất ít người nghiêm túc nghĩ rằng Mỹ sẽ tìm cách phong tỏa các đảo để ngăn cản Trung Quốc bởi đây còn là một tuyên bố còn mơ hồ, chưa có kế hoạch cụ thể.
Bình luận trên tờ Asia Times, chuyên gia từ diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, Grant Newsham, cho rằng với tiềm năng quân sự như hiện tại, Bắc Kinh không dễ dàng thu quân và từ bỏ các đảo chiếm đóng trái phép mà nước này coi là vị trí quan trọng tầm chiến lược. Nhưng nếu nhún nhường trước Mỹ, Trung Quốc coi đó là một sự mất thể diện không thể chấp nhận.
Ngay cả khi Mỹ thực sự có một vài cách thức đủ gây áp lực quân sự trực tiếp vào các căn cứ trên đảo do Trung Quốc kiểm soát, phát biểu của ông Tillerson và từ các quan chức của chính quyền Trump vẫn tạo ra sự hoài nghi rằng Washington đang có sự chuyển hướng về chính sách truyền thống trong giải quyết các vấn đề với Trung Quốc.
Trong khi Mỹ đang loay hoay giữa việc gia tăng hay giảm bớt tầm ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương, Trung Quốc đã đến gần với việc kiểm soát thực tế và mở rộng đáng kể vị thế của mình trong phạm vi chuỗi đảo thứ nhất - cửa ngõ giúp Bắc Kinh tăng cường sức mạnh quân sự ra Thái Bình Dương.
Chuyên gia Grant Newsham nhận định, tiềm năng quân sự của Trung Quốc có thể gây trở ngại rất lớn cho bất kỳ đối thủ nào muốn triển khai sức mạnh ở nơi đây. Điều này sẽ còn trở nên khó khăn hơn khi sức mạnh của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục được gia tăng thêm trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Mỹ có khả năng sẽ sớm xuất hiện để bảo vệ lợi ích của mình trong trường hợp Trung Quốc muốn xuyên phá chuỗi đảo thứ nhất với mục tiêu tăng cường hoạt động quân sự ra đại dương.
Vị trí địa lý đang là điều khiến Bắc Kinh gặp bất lợi trong trường hợp này. Nếu cần thiết, Mỹ và các đồng minh có thể tiến hành vây hãm, khiến Trung Quốc phải vùng vẫy một cách khó khăn không thể thoát ra phạm vi chuỗi đảo thứ nhất.
Rào cản về mặt địa lý từ chuỗi đảo khiến cho Trung Quốc có rất ít lối đi ra đại dương ngoài việc phải thông qua các cửa ngõ phía bắc ở biển Hoa Đông sát Nhật Bản, eo biển Đài Loan, Philippines, Indonesia, hay qua eo biển Malacca ở phía nam.
Các điểm truy cập có thể dễ dàng được Mỹ và đồng minh chặn lại bằng các tổ hợp phòng thủ mặt đất cũng như trên biển bằng các hệ thống vũ khí tinh vi như tên lửa chống tàu, pháo tầm xa, thủy lôi, hệ thống phòng không, vũ khí chống ngầm v.v...
Hầu hết các loại vũ khí nói trên đều có tầm hoạt động bao quát bên trong chuỗi đảo chuỗi đảo thứ nhất. Nhật Bản cũng đã bắt đầu lắp đặt một mạng lưới phòng thủ như vậy bên trong quần đảo Ryukyu. Trong trường hợp cần thiết, lực lượng của Tokyo sẽ được kết hợp cùng hạm đội tàu chiến, tầu ngầm, không quân, hải quân dưới sự giám sát của Mỹ.
Grant Newsham đánh giá với một "xương sống" là Mỹ kết hợp với Nhật Bản cùng nguồn lực quân sự từ các quốc gia khác trong khu vực, các nước có lợi ích ở Biển Đông có thể cảm thấy tự tin hơn về việc khẳng định chủ quyền riêng.
Theo chuyên gia này, chiến lược quốc phòng tập trung vào bảo vệ từ chuỗi đảo thứ nhất bên cạnh gây áp lực về kinh tế từng được đưa ra bởi cựu đại tá hải quân Mỹ Thomas Hammes với tên gọi "kiểm soát tầm xa" đang được chính quyền Donald Trump xem xét.
Tính toán sai lầm của Trung Quốc?
Theo chuyên gia Grant Newsham, Trung Quốc đã trở mặt quá sớm vào năm 2009 khi kết thúc chiến lược "tấn công quyến rũ" vốn đã lấy lòng được nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (thậm chí với cả Mỹ), để đổi lại bằng một thái độ hung hăng trong các tranh chấp trên biển.Từ trước đến nay, giới lãnh đạo Trung Quốc đã không quan tâm nhiều đến những rào cản địa lý mà nước này đang bị kìm kẹp trong tham vọng bành trướng trên đại dương.
Với tiềm lực lớn về kinh tế, có không ít các quốc gia ở châu Á vẫn phải chịu sự ảnh hưởng lớn từ Bắc Kinh, cũng như hy vọng sẽ được chung sống hòa bình với cường quốc này. Tuy nhiên Trung Quốc giờ đây trở nên xấu xí hơn khi mang hình ảnh "nước lớn bắt nạt nước nhỏ".
Trung Quốc sau khi giành trọn chuỗi đảo thứ nhất sẽ tìm cách mở rộng kiểm soát ở chuỗi đảo thứ hai. Chuyên gia Newsham nhận định, khi Trung Quốc đã chuyển hướng sang dùng sức mạnh, sẽ khó có thế lực nào có thể chống chọi. Điều này sẽ khiến Mỹ cần sớm có một chính sách cụ thể hơn để bảo vệ các đối tác của mình ở nơi đây.
Phản ứng không dứt khoát của Mỹ trong tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Manila và Bắc Kinh đang trở thành cơ hội cho Trung Quốc quân sự hóa ở khu vực này trong tương lai. Cùng với đó, Đài Loan cũng trở thành một mắt xích yếu giúp cho Trung Quốc đại lục dễ phá vỡ phòng tuyến chuỗi đảo để có quyền ra vào không giới hạn ở Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, chuyên gia Newsham nêu quan điểm, Trung Quốc có thể mở rộng tầm ảnh hưởng ở Đông Á một cách dễ dàng nếu từ bỏ việc kiểm soát trong khu vực chuỗi đảo thứ nhất. Còn ngược lại, một cuộc đối đầu vật lý là không thể tránh khỏi khi Mỹ sẵn sàng bảo vệ đối tác của mình đến cùng.
Bắc Kinh đang tin rằng Mỹ sẽ không dám làm bất cứ điều gì ở Biển Đông sau khi để nước này chiếm giữ bãi cạn Scarborough vào năm 2012 từ tay Philippines. Thêm vào đó sự ủng hộ của Mỹ dành cho Manila sau phán quyết của Tòa Trọng tài hồi năm 2016 cũng đã giảm đi. Do vậy chính sách của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các động thái tiếp theo của Bắc Kinh.
Quốc Vinh