Từ thuở “lều chõng” đến nay, cuộc chạy đua bằng cấp dường như chưa bao giờ hạ nhiệt. Sức mạnh của những tấm bằng đã khiến con người ta bất chấp mọi giá để đánh đổi và được chạm tay vào ánh hào quang mà học thức đem lại. Tuy nhiên, không phải ai cũng “may mắn” có cơ hội để theo đuổi nghiệp chữ nghĩa một cách hợp pháp. Và để khỏa lấp những lỗ hổng, những nét đứt trên con đường tri thức của mình, nhiều người đã lựa chọn sai phạm: Mượn bằng, mượn học bạ hoặc dùng bằng giả.
Những năm trở lại đây, cứ trung bình một vài tháng, chúng ta lại phát hiện ít nhất một vụ cán bộ gian dối trong việc sử dụng bằng cấp. Tuy nhiên, điều đó lại không gây bất ngờ, bức xúc và phẫn nộ bằng những hình thức kỉ luật sau đó. Đơn cử như vụ việc mới được phát hiện gần đây: Ông Lê Sơn Lâm - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai sử dụng bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông giả.
Với sai phạm đó, đáng lẽ ông Lâm phải bị cách chức nhưng qua xem xét nhiều mặt, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đồng Nai lại quyết định kỷ luật ông Lâm bằng hình thức cảnh cáo. Không chỉ riêng tỉnh Đồng Nai áp dụng hình thức kỷ luật này mà các tỉnh khác như Gia Lai, Hậu Giang, Hà Tĩnh, Cà Mau… cũng đã “giơ cao đánh khẽ”, nhắc nhở rất nhiều cán bộ mượn học bạ, mượn bằng của bạn, sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả.
Thiết nghĩ, mức độ nghiêm trọng của những câu chuyện gian dối bằng cấp như trên không chỉ dừng lại ở việc gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tư cách Đảng viên của cá nhân hay đơn vị. Mà nó còn ảnh hưởng đến tư tưởng của một thế hệ sùng bái thành tích, hư danh. Chắc chắn rằng với hình thức kỷ luật chỉ mang tính cảnh cáo như trên thì số lượng “ứng cử viên” cho giải “chạy đua tri thức”, “chạy đua danh vọng” sẽ ngày một tăng. Đồng thời, những “ứng viên” đó sẽ tận dụng triệt để cơ hội sử dụng chiêu trò, mánh khóe để đi đường tắt tới cái đích danh vọng của mình.
Chúng ta luôn miệng nhắc nhở các em học sinh không được gian lận trong thi cử, chúng ta xây dựng những kỳ thi với quy chế chặt chẽ để tránh sự bất công và tạo tư duy trung thực, thật thà cho giới trẻ. Chỉ cần mắc một sai phạm nhỏ trong những kỳ thi quốc gia, nhiều sĩ tử phải đánh đổi cả sự cố gắng mười mấy năm đèn sách của mình. Vậy mà trên “quan trường”, sự gian dối trắng trợn của nhiều cán bộ lại chỉ có giá trị bằng một lời cảnh cáo. Phải chăng những những cơ quan có thẩm quyền đang tiếp tay, tạo "cơ hội" cho tư tưởng gian dối ở giới trẻ?
Sợ lắm cái ngày mà giới trí thức trẻ ngầm quy ước với nhau rằng: “Cứ gian dối đi, cùng lắm chỉ bị cảnh cáo mà thôi!”
Và nếu cứ xử lý những sai phạm bằng hình thức nhẹ tay, “có cũng như không” thì ngày đó… chắc sẽ không xa đâu.
Bảo Trang
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả