Truyền nhân săn voi
Để chuẩn bị cho hành trình săn voi, dũng sĩ (tên gọi những người tham gia săn voi) phải chuẩn bị tư trang cá nhân cũng như dụng cụ săn bắt rất kỹ. Dụng cụ săn voi không ít hơn 13 loại. Tất cả các loại có tác dụng bổ trợ và liên kết theo từng công đoạn trong suốt quá trình săn bắt.
Đó là dây buộc voi bằng da trâu (brăt bung), dùi móc điều khiển voi (kreo), tù và (hnung), còng khóa chân voi (brớt bung), cái thúc voi chạy (kuc), roi đánh voi (mâng rplei), quàng cổ mây (đam), dây xích chân voi (nglêng), dùi xỏ lỗ tai voi (pon toc), bành voi (vơng), lục lạc đeo cổ voi (mang), vỏ cây đập dập để lót lưng voi trước khi đặt bành (dur), sừng min dùng để múc nước (ke kun)... Các dụng cụ đều được phối hợp sử dụng một cách nhịp nhàng, ăn ý, hỗ trợ nhau tạo ra hiệu quả cao cho người thợ săn.
Một đoàn đi săn voi từ 10 đến 20 người. Cứ hai dũng sĩ trên một voi và chỉ được như vậy chứ không được thêm hay bớt. Người ngồi trước giữ vai trò chủ tướng còn người ngồi sau là đầy tớ có trách nhiệm phụ giúp những công việc sinh hoạt cho chủ tướng. Ở đây, có sự phân định ranh giới rõ ràng, đã là đầy tớ ngồi sau thì nhất nhất phải nghe lệnh chủ tướng, bất kể là đi đâu, làm gì. Khi chủ ngủ thì đầy tớ phải nằm dưới chân, hoặc khi chủ đứng thì đầy tớ phải quỳ xuống. Quy luật này là bất di bất dịch không có ép buộc mà hoàn toàn tự nguyện và đã tự nguyện rồi thì phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Người ngồi trước voi tức là chủ tướng thường là những dũng sĩ đã từng chiến đấu nhiều trận sinh tử với voi. Họ có khả năng cũng như kinh nghiệm điều khiển, làm chủ được tình thế và dĩ nhiên họ có một sức khỏe phi thường. Họ sẵn sàng chiến đấu với bất kỳ một con voi rừng hung hãn hay một loài thú dữ nào một khi bị chúng tấn công. Người ngồi sau, tức đầy tớ thường là những người mới lần đầu hoặc trong cuộc đời chưa một lần bắt được voi, kinh nghiệm còn non, sức khỏe còn yếu.
Còn voi cưỡi đi cùng là những voi chiến chuyên nghiệp. Đã nhiều lần ra trận và mang về những chiến thắng oanh liệt. Voi đực có ngà, mạnh và máu chiến nên được chọn làm voi dẫn đầu. Đồ ăn thức uống được chất đầy trên lưng voi cùng với dụng cụ săn bắt. Voi khỏe, chúng có khả năng thồ chở hàng hóa kể cả con người có trọng lượng lên đến hàng tấn. Trong những chuyến đi dài ngày ở rừng, dũng sĩ sử dụng voi để dẫn đường, bảo vệ và làm nhiệm vụ chiến đấu dưới sự chỉ huy của chủ.
Cuộc chiến trong rừng sâu
Mỗi khi voi đực dẫn đầu phát hiện được có dấu vết voi rừng, lập tức đoàn người dừng lại. Mọi tư trang dùng cho sinh hoạt cá nhân phải tháo ra để xuống gốc cây, đánh dấu cho khỏi thất lạc để sau này còn quay lại tìm. Sau những cuộc truy đuổi dù được hay không được đoàn người sẽ quay lại chỗ gốc cây cất đồ để nghỉ ngơi, sinh hoạt lấy lại sức và tiếp tục hành quân.
A Ma Lay đang giới thiệu về những dụng cụ săn bắt voi
Là một trai làng có sức khỏe, đam mê voi, ông Ama Lay tham gia săn voi từ năm 1959. Lúc đó, voi rừng rất nhiều, chúng thường kéo về phá hoa màu, cây cối của người dân, lại thêm chiến tranh khốc liệt nên việc săn voi diễn ra khó khăn và gian khổ rất nhiều. Đoàn săn voi của ông gồm 8 người cưỡi trên 4 voi, 2 đực 2 cái hành quân dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh có khi qua cả đất bạn Campuchia.
Trải qua nhiều cuộc chiến trực tiếp với voi, ông Ama Lay không thể nhớ hết được đã có bao nhiêu con voi khuất phục dưới tay ông. Một trận chiến dai dẳng, gay go vào đầu những năm 70 giữa đoàn săn voi của ông và một chú voi rừng có ngà rất dài mà ông còn nhớ như in. "Từ trước đến giờ, qua bao nhiêu cuộc chiến dây buộc voi không bao giờ đứt dù chỉ một sợi. Vì dây làm bằng da trâu, càng để lâu càng dẻo và dai. Đặc biệt càng kéo căng thì lại càng giãn nở. Vậy mà lần ấy, nó đã kéo đứt được giây, quả là không tưởng được", Ama Lay kể.
Khi kéo đứt dây, voi rừng quay lại tấn công đoàn người và voi chiến. Chủ tướng Ama Lay cùng voi chiến chưa kịp trở tay thì ngay lập tức ông nghe tiếng hục lớn. Nhìn xuống đã thấy con voi chiến và voi rừng đang húc nhau, những tiếng cộp, tiếng thở réo lên inh trời, rợn người. Người đầy tớ nhanh tay lấy tù và ra thổi báo hiệu gặp nguy hiểm cho đồng đội tới hỗ trợ. Nghe tiếng tù và, 3 voi nhanh chóng lao tới yểm trợ. Voi rừng thấy nguy, nó quay ngược đầu lại, rống lên một tiếng rồi chạy vụt vào rừng sâu.
Đó là lần duy nhất Ama Lay cùng đồng đội thất bại trong cuộc chiến. Một phần vì voi to, có ngà lại mang trách nhiệm bảo vệ bầy đàn nên voi rừng trở nên hung hãn. Nếu lần ấy không có đội yểm trợ tới kịp thời thì có lẽ trận chiến sẽ còn khốc liệt hơn nữa. Những lần khác, cuộc bắt voi diễn ra rất nhanh. Voi bị bắt thường là voi con, vừa thôi bú mẹ, sức chạy còn yếu nên khi bị tấn công, voi mẹ bỏ chạy, voi con chạy theo không kịp đàn và sa bẫy. Chỉ cần tiếp cận được mục tiêu, chủ tướng quấn dây thành công, voi con sau một hồi vùng vẫy đuối sức, mệt lả tự động đầu hàng. Đội săn voi chỉ việc kéo về là hoàn thành nhiệm vụ.
Sau lần ấy, ông Ama Lay giã từ sự nghiệp săn voi, ông truyền lại cho con cháu cái nghề cũng như cái nghiệp lẫy lừng một thời của mình. Những người cùng sát cánh săn voi cùng thời với Ama Lay nay không còn nhiều. Gợi lại chuyện săn voi ngày xưa, Ama Lay vẫn còn nguyên sức sống. Đôi mắt ông lão gần 80 tuổi ánh lên một sự hồi sinh rạng rỡ.
Đối với đồng bào êđê thì voi là con vật linh thiêng. Họ coi voi như những người thân trong gia đình. Vì vậy, hoạt động săn bắt voi không có nghĩa là phá hủy, tiêu diệt vì mục đích lợi nhuận cá nhân. Họ săn voi về để thuần hóa, nuôi dưỡng như một biểu tượng quyền lực siêu phàm của loài thú lớn nhất trong các loài thú. Khi voi chết, họ làm ma chay, mổ gà, mổ lợn tiễn đưa voi về với rừng xanh. Vì thế, truyền nhân kể lại có những lời nguyền của thần voi đã trở thành nguyên tắc bất tử với bất cứ một dũng sĩ săn voi nào.
Ama Ai
Kỳ sau: Dũng sĩ săn voi và sự màu nhiệm của lời nguyền