Thuật ngữ mới, chiến lược mới
Theo AP, Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á bằng việc chấm dứt các bản thỏa thuận thương mại và sử dụng cách tiếp cận cứng rắn với Triều Tiên, chính quyền của ông còn sử dụng thuật ngữ khác: Ấn Độ-Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
Trong nhiều thập kỷ, vùng địa lý rộng lớn bao gồm vùng đại dương và lục địa kéo dài từ Australia đến Ấn Độ được Washington gọi với cái tên “châu Á-Thái Bình Dương” - một khu vực mà Mỹ cho rằng, sự hiện diện của mình ở đây sẽ có sự ổn định và lành tính.
Nhưng ngay trước chuyến công du châu Á dài ngày trong năm nay, các quan chức Nhà Trắng và thậm chí chính Tổng thống Trump đã mang đến ý tưởng mới bằng thuật ngữ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” để thay thế.
Thay vì tập trung hợp tác đa dạng đối với toàn bộ châu Á cũng như Trung Quốc trong nhiều năm trước, ngay trong tên gọi của thuật ngữ này, tâm điểm đối tác của Mỹ sẽ là Ấn Độ bên cạnh một số quốc gia khác.
Cố vấn an ninh quốc gia HR McMaster sử dụng định danh này nhiều lần, khi ông nói trước báo giới hôm 2/11. Ông cũng cho biết, Tổng thống Trump đã lặp lại đến 43 lần thuật ngữ mới kể từ khi nhậm chức cho đến nay.
Mới đây nhất, ông Trump cũng nói về “Ấn Độ-Thái Bình Dương” trong bài phát biểu công khai tại một cuộc họp nội các hôm 1/11.
Có ý kiến nhận định, cách thể hiện cho thấy chính quyền Trump muốn tách biệt khỏi di sản xoay trục châu Á của người tiền nhiệm Barack Obama.
Ngoài ra, Mỹ muốn truyền tải một thông điệp trực tiếp với đối thủ chính trong khu vực là Trung Quốc
Bằng cách sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ-Thái Bình Dương”, Washington ám chỉ đây là một khu vực trải dài không bao gồm Trung Quốc hay sân sau của quốc gia này.
Nhấn mạnh vào Nhật Bản, Australia và Ấn Độ
Ngoại trưởng Rex Tillerson cách đây hai tuần đã nói về tầm quan trọng trong việc mở rộng quan hệ chiến lược với Ấn Độ bằng thuật ngữ Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong đó chia sẻ mối quan tâm của Mỹ về sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ông cũng nói đến sự tăng cường hợp tác với Australia và Nhật Bản như một thế đối lập trước Bắc Kinh.
Khái niệm này được xây dựng trên “chiến lược kim cương” của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trong đó kết nối 4 cường quốc lớn trên biển trong khu vực.
Thậm chí nó còn được lấy ý tưởng từ trục Anh-Mỹ-Nhật-Đức trong thế kỷ 19 với mục đích bảo vệ trước việc các đối thủ tiềm năng muốn trở thành bá chủ lục địa.
Lần này, Đức được thay thế bởi Ấn Độ và Anh sẽ đổi chỗ cho Australia.
Khác với cách tiếp cận đối ngoại của Mỹ dưới các đời Tổng thống trước đó, điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy mối quan hệ cá nhân mạnh mẽ giữa ông Trump với Thủ tướng Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Michael J Green, chuyên gia về châu Á và Nhật Bản tại trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho rằng, trục mới Mỹ-Nhật Bản-Australia-Ấn Độ sẽ là đối trọng cân sức với chiến lược tham vọng Vành đai Con đường của Trung Quốc.
Tiến thoái lưỡng nan
Tuy nhiên, nếu muốn định hình ý tưởng Ấn Độ-Thái Bình Dương, Tổng thống Trump sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi có những mâu thuẫn lợi ích trong khuôn khổ này.
Câu hỏi lớn nhất là làm thế nào Mỹ có thể thúc đẩy một khu vực tự do mới khi nhà lãnh đạo nước này vừa rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và luôn sẵn sàng rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do (KORUS) với Hàn Quốc bất cứ lúc nào.
Nếu Thủ tướng Turnbull và Abe nghĩ xa hơn, họ sẽ muốn Mỹ phải mang đến khuôn khổ Ấn Độ-Thái Bình Dương một món quà nào đó tương tự như TPP, một điều sẽ khiến Tổng thống Trump sẽ phải đắn đo suy nghĩ. Lúc này các cuộc đối thoại sẽ trở nên khó khăn hơn.
Ngoài ra, một khu vực khác nằm trong Indo-Pacific là Đông Nam Á cũng là vấn đề lớn trong cách tiếp cận của Mỹ.
Mặc dù Tổng thống Trump sẽ có chuyến thăm tới Việt Nam và Philippines cũng như từng gặp gỡ một loạt các nhà lãnh đạo Đông Nam Á ở Washington, ông vẫn không tham gia Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, một động thái mà khiến giới quan sát thắc mắc về lập trường với ASEAN rốt cuộc là xa hay gần.
Câu trả lời này có thể sẽ chỉ được giải đáp trong những ngày tới khi Tổng thống Trump chính thức có mặt tại châu Á.
Theo chuyên gia Michael J Green, Tổng thống Trump có lẽ hiểu rằng bất cứ sự lơ là nào từ phía Mỹ có thể tạo điều kiện cho Trung Quốc tăng cường tầm ảnh hưởng và lôi kéo thêm nhiều đối tác trong khu vực.
Điều này sẽ khiến nhà lãnh đạo Mỹ suy nghĩ và cân nhắc kỹ càng nếu ông không muốn từ bỏ châu Á.