“Thiếu sót nghiêm trọng” nhưng ông Trump vẫn ký
Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã miễn cưỡng ký thông qua lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga hôm 2/8. Động thái này khiến Nga nghĩ đến một cuộc chiến tranh thương mại quy mô lớn, chấm dứt hy vọng cho mối quan hệ tốt hơn giữa Nga - Mỹ dưới thời ông Trump.
Điều đáng nói, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định ký thông qua luật nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, Iran và Triều Tiên trong khi chính ông chỉ trích rằng văn bản này “thiếu sót nghiêm trọng”.
"Hôm nay tôi đã ký luật H.R 3364 - Đạo luật chống lại đối thủ của Mỹ bằng biện pháp trừng phạt. Dù tôi ủng hộ các biện pháp cứng rắn để trừng phạt, ngăn chặn hành vi hung hăng và làm mất ổn định của Iran, Triều Tiên và Nga, luật này vẫn có những thiếu sót đáng kể", Trump nói trong một tuyên bố của Nhà Trắng.
"Vì vội vàng thông qua luật này, Quốc hội đã đưa vào một số điều khoản rõ ràng vi hiến", ông nhận xét.
Ông chỉ trích rằng dự luật này có “những điều khoản vi hiến” khi lấn át quyền lực của nhánh hành pháp trong việc đàm phán chính sách đối ngoại.
“Với việc hạn chế sự linh hoạt của cơ quan hành pháp, đạo luật này khiến nước Mỹ càng khó khăn hơn trong việc đạt được những thỏa thuận tốt cho người dân Mỹ và sẽ đẩy Trung Quốc, Nga, Triều Tiên đến gần nhau hơn”, người đứng đầu Nhà Trắng cho hay.
Lý do ông Trump vẫn ký thông qua luật trừng phạt Nga “vì đoàn kết dân tộc”, theo thông cáo của Nhà Trắng.
"Mặc dù luật có nhiều vấn đề, tôi vẫn ký vì sự đoàn kết của quốc gia", Trump nói. "Chúng tôi hy vọng rằng Nga và Mỹ sẽ hợp tác trong các vấn đề toàn cầu quan trọng để không còn cần đến các biện pháp trừng phạt nữa", ông Trump phát biểu.
Luật trừng phạt Nga nhắm đến những người bị cho là vi phạm nhân quyền, tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như mua bán vũ khí, xuất khẩu năng lượng. Ngoài ra, luật này cũng trừng phạt Iran và Triều Tiên vì chương trình tên lửa và vấn đề nhân quyền.
Nguy cơ khơi mào cuộc chiến thương mại
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ thông qua luật trừng phạt Nga, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev lên tiếng cho rằng, luật này tương tự một cuộc chiến thương mại toàn diện. Trong một bài viết trên Facebook, Thủ tướng Nga nhận định, việc ký luật là sự chứng tỏ chính quyền ông Trump đã “bất lực hoàn toàn”.
"Niềm hy vọng về mối quan hệ cải thiện giữa chúng ta với Mỹ đã tiêu tan", Thủ tướng Nga viết.
Bộ Ngoại giao Nga ngày 2/8 gọi lệnh trừng phạt mới của Mỹ là thiển cận và có nguy cơ làm tổn hại đến sự ổn định toàn cầu. "Đã đến lúc họ nhận ra rằng những mối đe dọa và nỗ lực gây áp lực lên Nga sẽ không làm Nga thay đổi chính sách, hay hy sinh lợi ích quốc gia", tuyên bố có đoạn viết.
Đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia nhấn mạnh, Nga sẽ không nhượng bộ và không có kế hoạch thay đổi chính sách. "Nếu những người nghĩ ra luật này nghĩ họ có thể thay đổi chính sách của chúng tôi thì họ đã nhầm", ông Nebenzia khẳng định.
Kỳ trăng mật Trump – Putin đã hết?
Từ khi ông Trump chạy đua vào Nhà Trắng, những tưởng mối quan hệ Nga-Mỹ sẽ ấm dần lên bởi ông Trump và ông Putin nhiều lần bày tỏ sự thiện chí hợp tác. Thực tế, hai nhà lãnh đạo cũng có nhiều động thái để giúp xích lại mối quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy thiện chí giữa hai bên đã lỏng lẻo, nếu không muốn nói là giảm mạnh.
Quyết định cắt giảm 755 nhà ngoại giao Mỹ và tịch thu các khu bất động sản ngoại giao Mỹ tại Nga hôm 30/7 của ông Putin để đáp trả việc Washington thông qua dự luật trừng phạt Moscow là một minh chứng.
Các chuyên gia nhận định, đây là động thái cho thấy Nga đã không còn tin tưởng vào triển vọng cải thiện quan hệ song phương. Một vòng xoáy mới trong quan hệ hai nước bắt đầu hình thành.
"Người Nga nhận ra màn trình diễn của ông Trump trên chiếc ghế Tổng thống đã gây khó khăn cho ông ấy trong việc mang đến những thay đổi lớn mà họ mong muốn", Andrew Weiss, cựu chuyên gia phụ trách các vấn đề về Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhận xét.
Các cuộc điều tra cáo buộc Moscow can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 khiến mục tiêu cải thiện mối quan hệ với Nga càng trở nên xa vời.
Sau khi ký luật trừng phạt Nga, ông Trump buộc phải áp dụng đường lối cứng rắn đối với Moscow, bởi nếu đi ngược lại, Tổng thống Mỹ sẽ phải đối mặt với cơn thịnh nộ từ các nghị sĩ trong chính đảng Cộng hòa của ông.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, Michael McFaul, Đại sứ Mỹ tại Nga giai đoạn 2012-2014 bình luận, ông không nghĩ Nga hiện muốn leo thang căng thẳng với Mỹ, bởi những lời khẳng định của ông Trump về mong muốn cải thiện quan hệ với Moscow vẫn thúc đẩy ông Putin tìm kiếm một hình thức hòa hoãn nào đó với Mỹ.
Xem thêm >> Chân dung tân Giám đốc FBI Christopher Wray