Quyết định 04/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định Danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện, có hiệu lực từ ngày 25/4/2017.
Theo đó, nhóm phương tiện giao thông vận tải phải dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu gồm: mô tô, xe gắn máy; ô tô con loại 9 chỗ trở xuống.
Cụ thể, xe ô tô con loại 7 chỗ trở xuống được sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới là nhóm phương tiện giao thông vận tải sẽ bắt buộc phải dán nhãn năng lượng. Việc dán nhãn năng lượng tự nguyện đối với xe ô tô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ được áp dụng đến hết ngày 31/12/2017. Đối với xe mô tô, xe gắn máy, đến hết ngày 31/12/2019.
Từ ngày 1/1/2018, thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đối với xe ô tô con loại trên 7 chỗ đến 9 chỗ và đối với xe mô tô, xe gắn máy từ ngày 1/1/2020.
Liên quan đến việc dán nhãn năng lượng, trước đó, ngày 28/12/2016, Bộ trưởng bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ký ban hành Thông tư 36/2016/TT-BCT thay thế Thông tư 07/2012 về quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện.
Trước đó, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng quy trình cấp chứng nhận và dán nhãn tại Thông tư 07 hơi rườm rà, nhiều thủ tục, tốn kém thời gian, chi phí và gây không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, Thông tư số 07 quy định các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, kể cả sản xuất và nhập khẩu đều phải trải qua quá trình thử nghiệm độc lập để đảm bảo tính minh bạch, chính xác. Tuy nhiên, quy định này sẽ làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất và nhập khẩu.
Nhãn năng lượng của xe là nhãn cung cấp thông tin liên quan đến loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe đã được kiểm tra, chứng nhận hoặc đăng ký tự công bố giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn xe tiết kiệm nhiên liệu. |
Lê Ngà