Những tháng ngày hạnh phúc
Căn nhà của cha con vận động viên điền kinh Lê Tú Chinh (SN 1997, TP.HCM) nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Chiêu (quận 8, TP.HCM). Thật không khó để tôi tìm ra địa chỉ nhà của cô vận động viên điền kinh nổi tiếng này. Bởi, khi đến con đường này, hỏi thăm Tú Chinh, hầu như ai cũng biết và chỉ cho tôi nhà của cô một cách tận tình, vui vẻ. Tại đây, những người xung quanh tự hào gọi Tú Chinh với cái tên thân mật là “Tia chớp”.
Được sự hướng dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ đã ngả màu của gia đình “Tia chớp”. Chào đón PV bằng nụ cười thật tươi, ông Lê Tiết Nhân (cha của Tú Chinh) bắt đầu câu chuyện cuộc đời mình.
Dù sinh ra ở TP.HCM nhưng ông Nhân không được đi học như các bạn cùng xóm. Bởi khi đó gia đình nghèo quá, đến cơm còn không đủ ăn nên ông phải bươn chải từ khi còn nhỏ để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Đến tuổi thành gia lập thất, trong một lần đi làm, tình cờ, ông gặp được mẹ Tú Chinh. Cùng hoàn cảnh, 2 người đồng cảm rồi đem lòng thương yêu nhau và nên nghĩa vợ chồng.
Ông nhớ lại: “Ngày xưa, tôi cùng anh rể làm mì để bán cho các quán ăn. Trong một lần đi bỏ hàng cho tiệm mì, tôi bị thu hút bởi một cô gái đang tất bật phụ đem đồ ăn ra cho khách, hỏi ra mới hay cô ấy chạy bàn cho quán ăn. Ngay từ lần đầu gặp, tôi đã biết cô ấy là người cả đời tôi đang tìm. Vì thế, những ngày sau đó, tôi chủ động bắt chuyện với cô ấy, dần dà, chúng tôi yêu nhau lúc nào không hay biết. Khi tình yêu đủ lớn, chúng tôi quyết định về chung một nhà”.
Sau hôn nhân, cuộc sống muôn phần vất vả, nhưng đôi vợ chồng nghèo luôn thương yêu nhau hết mực, họ cùng động viên nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống. 2 năm sau ngày cưới họ hạnh phúc chào đón con gái đầu lòng. Sau đó vài năm, thêm 2 người con gái ra đời. Nhà đông con, tiếng cười tiếng nói luôn lảnh lót, nhưng nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền... cũng vì thế mà thêm phần nặng hơn khiến vợ chồng ông Nhân bao phen lao đao vì túng quẫn.
Không giấu nổi sự xót xa, ông Nhân kể lại: “Cuộc sống ngày đó vất vả lắm, lo chạy ăn từng bữa. Vợ tôi vừa bán hàng, vừa chăm con. Còn tôi, do nghề làm mì “lao dốc” nên phải rẽ ngang tìm việc khác để kiếm tiền. Hễ rảnh, ai kêu gì tôi làm nấy, tối tối lại tranh thủ chạy xe ôm...”.
Cũng theo ông Nhân, ngày các con còn bé, ông ít có thời gian quan tâm, dạy dỗ con, bởi vì quá bận rộn. Mọi việc trong gia đình đều do vợ ông cáng đáng. “Mỗi lần đi làm về khuya, nhìn thấy các con ngủ ngoan bên vợ, tôi hạnh phúc lắm. Dù cực khổ đến đâu tôi cũng chịu được miễn gia đình được đầy đủ và êm ấm”, ông cho biết thêm.
Sóng gió ập đến
Ông Nhân và vợ đã cùng nhau vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống, cùng nuôi các con khôn lớn, trưởng thành. Nhưng bỗng một ngày, vợ ông ngã bệnh, không lâu sau đó bà qua đời, ông Nhân suy sụp, khóc cạn nước mắt vì thương nhớ người vợ đã bên mình bao năm qua.
Ông Nhân nhớ lại: “Vào năm 2000, vợ tôi phát hiện bị bệnh bướu độc. Lúc đầu, bà ấy kêu đau nhưng đi khám lại không ra bệnh. Sau đó, người ta chỉ tôi nên đưa vợ vào khoa Xét nghiệm của bệnh viện Chợ Rẫy khám. Khám xong, tôi hồi hộp chờ đợi kết quả, mong vợ sẽ không mắc bệnh gì quá nặng. Nhưng khi cầm tờ giấy xét nghiệm trên tay, tôi chết lặng. Kết quả ghi vợ tôi mắc ung thư.
Tôi và gia đình cố gắng hết sức để chạy chữa nhưng bệnh tình của bà ấy không thuyên giảm. Khi còn hơn 1 tháng nữa là qua năm 2003, vợ tôi qua đời. Dù biết sẽ đến ngày này, nhưng tôi không nghĩ là nó đến nhanh như vậy. Lúc này, Tú Chinh còn bé, chưa vào lớp 1”.
Từ ngày vợ mất, cảnh “gà trống nuôi con” của ông Nhân muôn vàn khó khăn. Một lúc chăm sóc 3 đứa con thơ, mỗi bé lại ở những độ tuổi khác nhau khiến ông vô cùng bỡ ngỡ.
Ông nhớ lại: “Một mình chăm sóc con là điều vô cùng khó khăn đối với tôi. Đến giờ, khi nhớ lại tôi chỉ muốn diễn tả qua một từ là “cực”. Tôi hết bỡ ngỡ lại chuyển sang bực mình khi các con khóc mà tôi dỗ mãi cũng không nín. Nhiều lúc, tôi khóc theo con”.
Ông cho biết, những năm tháng ấy là thời gian ông vất vả nhất. Sau một ngày làm việc căng thẳng, ông lại lao vào chăm con đến mệt nhoài. Đêm nằm, ông lại nhớ đến vợ. Đôi lúc, ông dường như muốn buông bỏ tất cả. Nhưng nghĩ đến 3 đứa con thơ, ông mạnh mẽ vươn lên. Thời gian trôi qua giúp ông quen dần với khổ cực. Ông bắt đầu thành thạo trên cả 2 vai trò vừa làm cha vừa làm mẹ của các con. Từ việc nấu cơm, cho các con ăn, giặt đồ... tất cả mọi thứ ông đều làm một cách rất nhanh chóng, thành thạo.
Bà Hạnh, hàng xóm của gia đình ông Nhân chia sẻ: “Nhìn thấy anh Nhân ngồi co ro một góc, gương mặt như không có sức sống, trắng bệch ra. Ba đứa con còn quá nhỏ của anh ngơ ngác không biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi là người ngoài, nhìn vào thấy vậy mà không cầm được nước mắt. Xót xa lắm”.
Còn chị Lê Tú Châu, con gái cả của ông Nhân nhớ lại: “Lúc đó, tôi còn nhỏ không giúp được ba. Thấy ba một mình thui thủi, làm hết mọi việc trong nhà, tôi thương ba lắm. Tôi cùng bà nội phụ ba trông các em. Tôi còn nhớ, lúc đó cầm vào tay ba, bàn tay ông thô ráp và chai sần hết cả”.
Cảm ơn ba đã đến bên con Vận động viên điền kinh Lê Tú Chinh cho biết: “Từ nhỏ đến lớn, ba là người luôn ở bên cạnh, che chở và dạy cho tôi rất nhiều điều về cuộc sống. Một mình ba quần quật lo cho 3 chị em tôi ăn học. Tôi thương ba lắm. Mặc dù thiếu tình yêu thương của mẹ, nhưng bù lại, vì là con út nên tôi nhận được rất nhiều tình yêu thương của ba và các chị. Tôi thấy mình vô cùng may mắn khi có một người ba như vậy”. |