Tự chủ tuyển sinh, phạt nặng khi sai

Tự chủ tuyển sinh, phạt nặng khi sai

Thứ 5, 27/12/2012 23:54

Bộ GD &ĐT vừa công bố phương án tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 với nhiều điểm mới. PV Nguoiduatin.vn đã có cuộc trao đổi với thứ trưởng Bộ GD &ĐT Bùi Văn Ga về những thắc mắc của dư luận xung quanh những sự thay đổi này.

Internet sẽ thay thế sách chỉ dẫn thí sinh

Thưa ông, vì sao năm nay Bộ không in cuốn những điều cần biết?

Cuốn những điều cần biết cần thiết nhưng bộc lộ một số bất cập. Chúng ta có 440 trường ĐH, CĐ và THCN, in lên quyển đó rất dày trong khi các em không cần thiết phải đọc hết quyển này. Vì thế, Bộ đăng những thông tin cơ bản về tuyển sinh trên trang web của Bộ. Các em có thể vào rất nhanh gọn để tìm. Những em quan tâm đến ngành cơ khí, chỉ việc kích chuột vào mục cơ khí thì các trường có ngành đó sẽ hiện ra. Các em có nguyện vọng học tại các trường ở các tỉnh thành như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng... thì cũng có thể tìm rất dễ dàng.

Xã hội - Tự chủ tuyển sinh, phạt nặng khi sai

Nhiều thay đổi sẽ được Bộ GD &ĐT áp dụng trong mùa tuyển sinh năm nay

Không phải học sinh nào cũng có thể tiếp cận với internet một cách dễ dàng, nhất là học sinh vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, thưa ông?

Bộ đã làm việc với Tập đoàn Viettel, họ đã đảm bảo rằng tất cả các trường THPT trên mọi miền của đất nước có nhu cầu internet đều có thể được cung ứng. Nếu các trường vẫn khó khăn có thể gọi điện thoại cho ông Quách Tuấn Ngọc, cục trưởng Cục CNTT của Bộ để giải quyết. Vì thế việc in cuốn Những điều cần biết không còn thực sự cần thiết nữa.

Trong khi nhiều trường nhập học từ đầu tháng 9 vậy mà Bộ quy định đến 31/12 mới hết thời gian tuyển sinh. Liệu thời gian xét tuyển có quá dài và ảnh hưởng đến công tác đào tạo của các trường?

Trong thực tế có 70% thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1, chỉ còn 30% còn lại sẽ tuyển vào đợt sau. Vì số lượng thí sinh tuyển đợt sau không nhiều nên không làm ảnh hưởng hoặc gây lộn xộn đến việc đào tạo của các trường. Bên cạnh đó, hiện nay một số lớn các trường đào tạo theo hình thức tín chỉ, các em có thể học theo các môn học chứ không phải theo thời gian bắt đầu năm học. Vì thế các trường đào tạo theo hình thức tín chỉ có thể kéo dài thời gian tuyển sinh.

Bộ đã tính đến việc kéo dài thời gian tuyển sinh sẽ tăng lượng thí sinh ảo chưa?

Thí sinh ảo cũng không sợ vì nếu thiếu, trường đó có thể tuyển tiếp tới khi đủ thì thôi. Các trường đào tạo tín chỉ thì có thể đào tạo vào bất cứ thời gian nào nên cũng không ngại.

Bộ sẽ xử lý nặng những trường gian lận

Thưa ông, năm đầu tiên thi khối A1 sẽ diễn ra như thế nào?

Khối thi A1 sẽ gồm Toán, Lý và Tiếng Anh. Học sinh thi khối A1 thay vì thi môn Hóa sẽ thi môn Tiếng Anh. Thời gian thi khối A1 song song với khối thi A. Vì thế học sinh phải chọn hoặc khối thi A hoặc khối thi A1.

Những năm qua, vẫn có những trường tuyển quá chỉ tiêu tuyển sinh và không đảm bảo chất lượng. Năm nay Bộ có giải pháp nào để xử lý các trường sai phạm?

Bộ đã ban hành Thông tư 57 xác định chỉ tiêu tuyển sinh, để các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở số lượng sinh viên trên một giảng viên cơ hữu và diện tích mặt bằng xây dựng phục vụ đào tạo. Các trường phải tự xây dựng chỉ tiêu theo điều kiện thực có của mình. Bộ sẽ kiểm tra tất cả các trường, trường nào sai phạm sẽ bị xử lý rất nặng. Không chỉ xử lý sau khi tuyển sinh mà bất cứ lúc nào phát hiện ra sai phạm đều xử lý. Vì nghiêm như vậy nên các trường phải khai thật những điều kiện hiện có của mình để đảm bảo chất lượng.

Thưa ông, theo nghiên cứu có đến 61% sinh viên của Hà Nội và 94% sinh viên của TP. HCM phải đào tạo lại sau khi ra trường. ông có thể lý giải về việc này?

Việc đào tạo đại học hiện nay theo ngành rộng mà không phải chỉ nhắm vào đào tạo một nghề hay một công ty xí nghiệp, để sinh viên khi ra trường có thể làm ở nhiều đơn vị khác nhau. Vì vậy phải có kiến thức rộng, để thích nghi với công việc. Ví dụ, học ngành điện thì có thể làm viễn thông.

Thưa ông, sắp tới sẽ thực hiện phân tầng đại học, theo đó chỉ những trường đại học top trên và đại học nghiên cứu sẽ thi, còn những trường khác sẽ thực hiện xét tuyển. Ông đánh giá gì về lộ trình này?

Sau năm 2020, khi Luật Giáo dục ĐH đi vào cuộc sống, đại học của Việt Nam sẽ đi vào phân tầng, thì việc thi tuyển sẽ chỉ diễn ra ở các trường đại học tinh hoa còn đại học đại trà chỉ xét tuyển. Đây cũng là lộ trình của những nước có nền giáo dục tốt.

Thưa Thứ trưởng, ông đánh giá thế nào khi cho các trường tự quyết định chỉ tiêu tuyển sinh?

Bộ giao cho các trường tự chủ trong việc xét tuyển và không quy định về xét tuyển nguyện vọng 2, 3. Bên cạnh đó Bộ cũng cho phép các trường kéo dài thời gian xét tuyển, không quy định điểm của đợt xét tuyển sau phải cao hơn đợt trước. Bởi lẽ, trước đây có nhiều có nhiều em điểm cao nhưng vẫn không đỗ trong khi đó nhiều trường không tuyển được đủ chỉ tiêu tuyển sinh.

Xin cảm ơn ông!

Thành Huế


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.