Xung quanh vụ việc 38 giáo viên Tiếng Anh có nguy cơ mất việc vì chỉ có bằng tại chức, dư luận cũng đặt câu hỏi liệu số phận những giáo viên này sẽ đi đâu, về đâu.
Trao đổi với báo chí, ông Bùi Thanh Khiết, cán bộ tổ chức Phòng GD&ĐT TP Nam Định cho biết thêm về nguyên nhân khiến các giáo viên này có nguy cơ phải nghỉ dạy: “Khi những giáo viên này hợp đồng thì Tiếng Anh vẫn là môn học tự chọn nên chưa có biên chế. Sau này Bộ GD&ĐT có quyết định đưa môn Tiếng Anh vào trong nhà trường, ban đầu thì thí điểm và bây giờ thì mở rộng nên mới có biên chế. Tuy nhiên thời điểm Bộ đưa ra quyết định này thì nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định (Nghị quyết 08 được ký tháng 8/2007 trong đó quy định chỉ tuyển dụng mới những người tốt nghiệp hệ đào tạo chính quy) đã được thông qua. Chính vì thế những giáo viên này không có cơ hội tham gia tuyển dụng”.
Ông Khiết cũng thông tin thêm, trước kia Tiếng Anh là môn tự chọn nên nhà trường thỏa thuận với phụ huynh để trả lương cho giáo viên hợp đồng. Bây giờ đã có biên chế nên vừa qua UBND tỉnh có văn bản yêu cầu không được phép thu tiền của học sinh nữa. Chính vì thế hiện nay các trường không có nguồn thu để trả lương cho giáo viên hợp đồng.
Bảng lương dạy hợp đồng của các giáo viên có người chỉ có 300 nghìn đống/tháng (Ảnh: Phạm Thịnh)
Được biết, sẽ có 2 phương án được đưa ra để giải quyết sự việc này thông qua việc kiểm tra đánh giá. Đối với những giáo viên đạt chuẩn, giáo viên giỏi sẽ được tuyển dụng vào biên chế. Đối với những giáo viên không đạt chuẩn nhưng các giáo viên này vẫn có nguyện vọng tha thiết công tác trong ngành giáo dục thì sẽ được bố trí cho đi học thêm các chuyên ngành khác ví dụ thông tin thư viện để về làm cán bộ thư viện, cán bộ phòng thí nghiệm...
Trả lời câu hỏi của phóng viên “thế nào là chuẩn”?, ông Thắng cho biết “Chuẩn sẽ do Sở GD&ĐT, Sở Nội Vụ đánh giá”. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu “chuẩn” này có cần các tiêu chuẩn về bằng cấp hay không thì ông Thắng khẳng định cần phải có bằng đại học chính quy theo nghị quyết 08 của tỉnh năm 2007.
Giám đốc Sở Nội Vụ cũng khẳng định quan điểm: “Theo tôi được biết vấn đề này bản thân thành UBND TP và Sở GD&ĐT vẫn chưa có một phương án nào báo cáo lên UBND tỉnh. Còn nếu đề xuất thì phải đưa ra phương án nào đó hợp lý thôi chứ giáo viên đã dạy hợp đồng năm thì cần phải tạo điều kiện cho họ. Dù biên chế hay hợp đồng tiếp thì cũng phải có chế độ thỏa đáng cho người ta”.
Như vậy, theo thông tin từ UBND TP Nam Định, sau khoảng 2 tuần nữa lãnh đạo TP Nam Định sẽ có phương án quyết định đối với số phận của 38 giáo viên hợp đồng này.
Sau khi có Nghị quyết 08, tỉnh Nam Định không được phép tuyển công chức vào các ban, ngành nói chung và ngành GD&ĐT nói riêng là những người tốt nghiệp đại học, cao đẳng hệ tại chức... nên không thể vượt rào.
Vị giám đốc Sở Nội Vụ cũng thông tin thêm, hiện nay tại TP Nam Định không còn biên chế cho giáo viên tiếng Anh. Nguồn giáo viên tiếng Anh đã đáp ứng cả yêu cầu về số lượng và chất lượng, do chủ trương ưu tiên tuyển giáo viên tốt nghiệp chính quy.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Thắng - chánh văn phòng UBND TP Nam Định cũng khẳng định đối với 38 giáo viên tốt nghiệp tại chức vẫn còn dạy hợp đồng hiện nay là những giáo viên có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của thành phố Nam Định. “Trải qua nhiều năm, các em cũng có nhiều kinh nghiệm, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục thành phố”.
Ông Thắng cũng chia sẻ, hiện nay lãnh đạo UBND TP Nam Định cũng hết sức quan tâm tới vụ việc và nhấn mạnh tập trung giải quyết để đảm bảo quyền lợi cho các giáo viên này. Tuy nhiên, việc giải quyết như thế nào thì phải căn cứ vào chế độ chính sách do Sở Nội vụ Nam Định sẽ tham mưu.
Hoàng Nguyên