Thái hậu Từ Hy còn thưởng cho Hải ngọc như ý - thứ ngọc vốn tượng trưng cho quyền lực của hoàng tộc… Được sủng ái tới mức ấy, chẳng trách vào lúc bấy giờ, rất nhiều người tin rằng, An Đức Hải không phải là thái giám và Từ Hy Thái hậu thậm chí đã có con với y…
Thực ra, cho tới thời nhà Thanh, từ các sử gia cho tới những bậc trí thức đều khẳng định rằng sở dĩ quân Thanh vào được Trung Nguyên, nhà Minh bị diệt vong chính là vì sự lộng hành của lũ thái giám dưới triều Minh. Chính vì vậy, những quan đại thần Thanh triều không ngừng khuyên Hoàng đế dẹp bỏ chế độ thái giám. Tuy nhiên, thực tế lại không hề diễn ra như vậy, thậm chí còn theo chiều ngược lại. Nhiều người nói rằng trong hơn 50 năm nắm giữ quyền lực nhà Thanh của Thái hậu Từ Hy, mọi việc từ lớn tới nhỏ trong hậu cung đều có liên quan trực tiếp tới những thái giám thân cận của bà Thái hậu đầy uy quyền này.
Chẳng nói đâu xa, ngay nguyên nhân chính của cuộc chính biến của phái bảo hoàng nhằm chống lại biến pháp Duy Tân năm 1898 cũng là vì thái giám Lý Liên Anh cảm thấy khó chịu với Hoàng đế Quang Tự do Quang Tự trước đó đã từng ra lệnh phạt y. Ngoài ra, Lý Liên Anh cũng sợ rằng một khi thực hiện biến pháp Duy Tân, rất có thể Quang Tự cũng sẽ dẹp bỏ chế độ thái giám trong hậu cung thì sẽ nguy tới số phận của mình.
Thời kỳ diễn ra phong trào Nghĩa hòa đoàn, cũng chính vị thái giám tai tiếng này lợi dụng quyền lực của mình nơi hậu cung để tác động lên Từ Hy, ủng hộ những hành động bài ngoại tàn nhẫn của phong trào này. Sau khi sự việc kết thúc, nếu như không có sự bao che của công sứ Nga thì chắc chắn một điều rằng cái tên của Lý Liên Anh sẽ đứng đầu “danh sách đen”.
Nhắc lại hai sự kiện quan trọng nhất liên quan tới cuộc đời của vị thái giám nổi danh lúc bấy giờ để thấy rằng vào cuối thời nhà Thanh, các tầng lớp sỹ phu trí thức đã bắt đầu cảm thấy chán ghét vô cùng chế độ hoạn quan trong hậu cung. Đối với trào lưu ngày một lan rộng này, bề ngoài, Thái hậu Từ Hy có vẻ như tán đồng, tuy nhiên, thực tế thì không hề diễn ra như vậy.
An Đức Hải
Bắt đầu từ năm 1644, triều Thanh quyết định lựa chọn Bắc Kinh làm kinh đô của triều đại mới, đồng thời tiếp quản toàn bộ chế độ cũng như bộ máy cai trị do triều Minh để lại, bao gồm cả chế độ hoạn quan. Tuy nhiên, rút ra bài học kinh nghiệm xương máu từ sự diệt vong của triều đại trước, nhà Thanh tìm mọi cách để hạn chế quyền lực cũng như hoạt động của các thái giám.
Lần đầu tiên, Hoàng đế Thuận Trị - vị Hoàng đế đầu tiên của triều Thanh kể từ khi người Mãn kéo quân vào Trung Quốc - cho triệu kiến triều thần thì các quan đại thần, bất kể Mãn hay Hán, đều dâng tấu chỉ trích những hành động lộng quyền của bọn thái giám trong hoàng cung, nói rằng bọn chúng chỉ “thích hợp với việc gánh nước, chặt củi, không thể gần gũi với chủ nhân được”.
Ngay lập tức, Thuận Trị đã cho ban hành một quy định mà cho tới nay, nó vẫn là một chuẩn mực, ít nhất là trên mặt giấy. Pháp lệnh của Thuận Trị nghiêm cấm các hoạn quan đảm nhận các chức vụ trong triều đình, phẩm hàm không được vượt qua tứ phẩm. Quan trọng hơn, rút kinh nghiệm từ loạn hoạn quan Ngụy Trung Hiền, pháp lệnh của Thuận Trị cũng cấm các thái giám không được rời khỏi kinh thành dù với bất cứ lý do nào.
Sau đó 200 năm, thái giám trong hậu cung triều Thanh luôn biết an phận thủ thường. Tuy nhiên, cho tới trước khi Từ Hy vào cung, dưới triều vua Hàm Phong, nền chính trị của nhà Thanh ngày càng sa sút, quyền lực của thái giám bên trong Tử Cấm Thành dần dần được phục hồi. Khi Từ Hy chính thức nắm mọi quyền điều hành Thanh triều thì bao nhiêu thói tệ xấu xa của bọn thái giám từ cuối triều Minh bắt đầu hình thành và chẳng bao lâu sau đó thì lan khắp Tử Cấm Thành như một thứ bệnh dịch.
Dưới sự bảo vệ của Từ Hy, bọn thái giám có quyền lực khuynh đảo triều chính, hoành hành, tác oai tác quái trong cả hậu cung. Năm 1898, Lý Liên Anh - một thái giám thân cận rất được Từ Hy sủng ái - từng không ngại ngần tuyên bố rằng bản thân ông ta có thể tùy ý thăng giáng các quan trong triều đình, thậm chí Lý còn tỏ ý không coi Hoàng đế ra gì.
Sự bảo vệ của Từ Hy đối với bọn thái giám An Đức Hải, Lý Liên Anh, Tiểu Đức Trương,… khiến từ trong đến ngoài cung, đâu đâu cũng lưu truyền những câu chuyện Thái hậu trong hậu cung dâm loạn vô độ với bọn thái giám và đào kép. Mặc dù rất nhiều trong số những câu truyện này đều xuất phát từ tâm lý thù ghét chính quyền nhà Thanh mà người đứng đầu chính là bà Thái hậu Từ Hy, tuy nhiên, cổ nhân cũng có câu, “không có lửa làm sao có khói”. Những câu chuyện lưu truyền rộng rãi tới như vậy trong dân gian ắt cũng chẳng thể hình thành từ chốn hư vô được.
Sự yếu hèn của Hoàng đế nhà Thanh khiến bọn thái giám tác oai tác quái, làm đủ chuyện dối trên, lừa dưới. Điều này cũng là một phần nguyên nhân khiến các ông vua triều Thanh thời kỳ này đoản mệnh. Hoàng đế Đồng Trị - đứa con trai ruột của Từ Hy - là một minh chứng rất rõ.
Cái chết của Hoàng đế Hàm Phong và Quang Tự dù không liên quan trực tiếp tới bọn thái giám, song cũng không thể nói là chúng không có liên quan. Trong suốt 70 năm thời kỳ này, tất cả những sự việc xảy ra trong hậu cung, dù là lớn hay bé, đều liên quan tới thái giám. Đặc biệt là trong 50 năm cầm quyền của Từ Hy, quyền lực của triều đình thực tế là do bọn thái giám thân cận của bà ta khống chế.
Lý Liên Anh là một trong những thái giám rất được Từ Hy sủng ái vào những năm cuối của cuộc đời. Sự ảnh hưởng của Lý Liên Anh với Từ Hy rất lớn. Ngoại trừ những lúc lâm triều chính thức, còn lại, Từ Hy rất dễ dãi đối với Lý Liên Anh, không hề có bất cứ sự ràng buộc nào. Cách đối đãi như vậy, những người hầu cận khác thậm chí là người nhà của Từ Hy cũng chỉ dám mơ chứ chưa bao giờ có được. Dựa vào sự sủng ái của Từ Hy, họ Lý trở thành tác giả của rất nhiều bi kịch trong hậu cung triều Thanh.
Năm 1861, trong thời gian Hoàng đế Hàm Phong lâm bệnh nặng, Từ Hy khi đó còn rất trẻ đã phát hiện ra An Đức Hải - một kẻ thông minh lanh lợi nhất trong số thái giám hầu cận của mình. Vì vậy, Từ Hy nhanh chóng trọng dụng thái giám họ An. Sau đó, vào thời điểm nguy cấp khi Tải Viên mưu phản, An Đức Hải là người tỏ ra rất mực trung thành và được việc. Họ An chính là người giữ nhiệm vụ liên lạc giữa Từ Hy và Vinh Lộc - người đã giúp Từ Hy trong cuộc chiến giành quyền lực trong hậu cung mà nhiều người nói thực chất là “người yêu cũ” của Từ Hy.
Tới khi hai vị Thái hậu Từ Hy và Từ An “buông rèm nhiếp chính”, An Đức Hải trở thành tùy tùng thân cận của Từ Hy, thậm chí còn trở thành quân sư cố vấn cho Từ Hy. Không có kế hoạch hay quyết định nào Từ Hy lại không bàn bạc với An. Đương nhiên, An Đức Hải cũng chẳng phải là kẻ làm không công, y đã thu được không ít quyền lợi từ sự sủng ái của Từ Hy.
Ngoài ra, biết được sở thích của Từ Hy là thích xem kịch, An Đức Hải đã quyết định đầu tư để lấy lòng Từ Hy. An Đức Hải tìm đủ mọi cách xây cho bằng được một sân khấu kịch thật lộng lẫy ngay trong hậu cung khiến Từ Hy cảm thấy vô cùng thích thú. Bản thân An Đức Hải mặt mũi cũng khôi ngô, thư sinh, hát kịch không hề kém bất cứ ai, vì vậy lại càng được Từ Hy sủng ái.
Thời gian đầu Từ Hy và Từ An buông rèm nhiếp chính, chính quyền triều Thanh vẫn chưa ổn định, dư đảng của Tải Viên vẫn không ngừng hoạt động. Lúc bấy giờ, một vị gián quan dâng tấu chỉ trích hậu cung xa hoa quá mức, người ở bên ngoài bàn ra, tán vào không ngớt. Khi đó, Từ Hy đã bắt đầu ý thức về quyền lực đang nằm trong tay mình nên cảm thấy những lời can gián chân thành kia khó lọt tai được.
Hơn nữa, bản thân Từ Hy cũng tin chắc rằng những thái giám hầu cận tuyệt đối trung thành với mình, sẽ không bao giờ làm điều gì sai trái, do vậy không hề có bất cứ biện pháp nào để thay đổi tình hình.
Tuy nhiên, một người cố chấp như Từ Hy đương nhiên rất coi trọng sĩ diện, do vậy, trước sự chỉ trích của các nhà đạo đức hoặc chí ít là nhân danh đạo đức, bà Thái hậu quyền lực vẫn tỏ ra đồng tình. Các sử gia thậm chí còn tìm thấy rất nhiều chỉ dụ của Từ Hy khiển trách việc thái giám tự tiện tổ chức diễn kịch, lấy vải lụa tiến cống trong kho hậu cung để may trang phục diễn kịch. Tuy nhiên, cả kinh thành, ai cũng biết Từ Hy thích kịch như thế nào, vì vậy, trước sau chẳng ai ngu dại tin vào những chỉ dụ khiển trách này.
Tuy nhiên, từ đó về sau, những tờ sớ chỉ trích bọn thái giám, nói trong hậu cung quá xa hoa khiến tài chính Bộ Hộ ngày càng khó khăn vẫn không ngừng được đưa tới bàn của Từ Hy. Vào năm 1866, hai vị gián quan đã dâng sớ chỉ trích An Đức Hải, nói: “Việc lựa chọn thái giám thân cận của Hoàng đế cần hết sức thận trọng. Nhà Minh diệt vong, nguyên nhân cũng là vì để mặc cho bọn thái giám làm loạn.
Bọn người tiểu nhân này lợi dụng ba tấc lưỡi và sự tinh ranh để lấy lòng người khác, nhờ đó có được sự sủng ái của Hoàng đế. Sau đó, chúng lại nhờ vào sự bảo vệ của Hoàng đế mà kết bè kết đảng, dần dần trở thành phe cánh quyền lực, không dễ bị loại bỏ nữa. Để tránh được bi kịch này, thần khẩn cầu Hoàng thượng phải cẩn trọng trong việc lựa chọn những người thái giám thân cận, tránh những tên thái giám trẻ trung, điển trai để bọn chúng không thể lợi dụng mà mưu đồ cho lợi ích của mình”.
Nhận được bản tấu này, Từ Hy đã trả lời rằng: “Những lời trong bản tấu cực kỳ đúng. Hoạn quan làm rối loạn triều cương trong quá khứ không hiếm gặp, triều đình ta phải lấy đó làm gương. Từ khi nhà Thanh được xây dựng, các bậc tiên đế đã có lệnh cấm không cho hoạn quan tham gia quốc sự. Vì vậy, gần 200 năm nay, bọn thái giám gần như không có cơ hội để làm việc gì ảnh hưởng tới triều đình. Việc thái giám lộng quyền, làm loạn chính sự đã trở thành việc quá khứ.
Từ khi buông rèm nhiếp chính, hai vị Thái hậu ta cũng nghiêm chỉnh tuân thủ theo quy định của tổ tiên, cấm chỉ thái giám tiếp cận với những người bề trên trong việc quốc gia đại sự. Đọc bản tấu này của hai khanh, trẫm cảm thấy được hậu quả vô cùng lớn của họa thái giám.
Nay, trẫm quyết định, nếu như phát hiện thái giám nào dối trên lừa dưới sẽ lập tức trừng phạt nghiêm khắc. Các vị đại thần nếu như phát hiện những loại tội trạng như vậy thì lập tức báo lại với triều đình để xử phạt. Trẫm hy vọng, tất cả các thái giám sẽ vì thế mà trung thành nhất mực, tránh được chuyện gian tà”.
Nội dung trả lời biểu cho thấy Từ Hy có vẻ như rất tán đồng với ý kiến của hai vị gián quan, trở nên cảnh giác và kiên quyết trừng trị thẳng tay với bọn thái giám. Tuy nhiên, thực tế lại không hề diễn ra như vậy. Cuộc sống ăn chơi của Từ Hy và bọn thái giám vẫn xa hoa, phung phí như xưa. An Đức Hải ngày càng có ảnh hưởng lớn tới Từ Hy.
Từ Hy Thái Hậu trong phim
Tại những quán trà trong khắp kinh thành, người ta đều nói rằng, trong hậu cung mỗi một lời An Đức Hải nói ra đều như thánh chỉ. Từ Hy và An Đức Hải thường xuyên mặc trang phục kịch, cùng nhau vui đùa trong ngự hoa viên. An Đức Hải còn mặc long bào - loại trang phục chỉ có một mình Hoàng đế có quyền mặc. Thái hậu Từ Hy còn thưởng cho Hải ngọc như ý - thứ ngọc vốn tượng trưng cho quyền lực của hoàng tộc…
Sự sủng ái mà Từ Hy dành cho An Đức Hải khiến trong dân gian truyền tai nhau không ít những câu chuyện khiến người nghe phải giật mình. Nhiều người nói rằng An Đức Hải không phải là thái giám, y cùng Từ Hy làm đủ trò dâm loạn, thậm chí Thái hậu còn có con riêng với cả họ An.
Đương nhiên, cho tới nay, vẫn chưa ai có thể kiểm chứng được câu chuyện này có thực hay không, bởi không có bất cứ sử liệu nào ghi chép về việc này. Tuy nhiên, những câu chuyện loại này phản ánh một thực tế chắc chắn rằng sự sủng ái mà Từ Hy dành cho An Đức Hải là vô cùng lớn và sự dâm loạn trong chốn hậu cung triều Thanh không phải là chuyện bịa đặt. Ngược lại, một khi đã sủng ái An Đức Hải tới mức như vậy, cũng chẳng ai có thể chắc chắn rằng những chuyện lưu truyền trong dân gian kia không phải là sự thực.
Hành động vi phạm quy chế của tổ tông gây nên ảnh hưởng lớn nhất của Từ Hy chính là việc bà Thái hậu để cho thái giám rời khỏi kinh thành. Vào năm 1869, do việc tiền bạc gấp gáp, Từ Hy không kịp hỏi ý kiến của Cung Thân vương và Đông Thái hậu Từ An, ra lệnh cho An Đức Hải tới Sơn Đông, dùng danh nghĩa của mình để trưng thu bạc.
Trước đó, do ảnh hưởng của An Đức Hải với Từ Hy ngày càng lớn nên họ An thường có thái độ khinh thường các vị đại thần trong triều, thậm chí còn đắc tội với cả vài vị vương gia, trong đó đặc biệt là Cung Thân vương. Có lần, Cung Thân vương tới xin cầu kiến Thái hậu, tuy nhiên, Từ Hy lại phái người ra nói rằng mình đang bận nói chuyện với Tiểu An Tử (An Đức Hải) nên không gặp Thân vương. Sự việc lần đó khiến Cung Thân vương cảm thấy mình bị sỉ nhục, từ đó đem lòng oán hận An Đức Hải, tìm mọi cách loại trừ bằng được vị thái giám tổng quản đang rất được Từ Hy Thái hậu sủng ái này.
An Đức Hải rời khỏi kinh thành tới Sơn Đông, lại thêm những chuyện thị phi mà y gây ra tại đây đã tạo cho Cung Thân vương một cơ hội ngàn năm có một để trả thù. Hơn nữa, trừng trị An Đức Hải cũng là một cơ hội rất tốt giúp Cung Thân vương có thể gây ra chia rẽ giữa hai vị Thái hậu.
Tuần phủ Sơn Đông Đinh Bảo Trinh là người ngay thẳng, từng lập những chiến công hiển hách giúp triều đình nhà Thanh bình định Thái Bình Thiên Quốc. Đinh Bảo Trinh cực kỳ phẫn nộ với hành động mượn danh nghĩa Từ Hy ngạo mạn vô lễ, dọa nạt kẻ khác của An Đức Hải, vì vậy quyết định đem mọi chuyện An Đức Hải đã làm ở Sơn Đông báo cáo lại với Cung Thân vương. Khi bản tấu vạch tội An Đức Hải của Đinh Bảo Trinh tới tay Cung Thân vương thì Từ Hy đang bận xem kịch. Do vậy, Cung Thân vương mang bản tấu tới Đông Cung Thái hậu Từ An để xin ý kiến.
Cung Thân vương lợi dụng tính háo danh và sự ôn hòa của Từ An, sau khi trình bản tấu của Đinh Bảo Trinh, đã viết ngay một đạo chỉ dụ, xin Từ An ký tên. Nội dung của chỉ dụ là ra lệnh bắt ngay An Đức Hải trị tội, không cần đưa về kinh đô xét xử. Bị Cung Thân vương bức ép, Từ An không thể không đóng ấn Đông Cung Thái hậu của mình vào chỉ dụ. Nhưng nghĩ tới khi Từ Hy biết được chuyện này, tất sẽ nổi cơn thịnh nộ, bà nói: “Tây Thái hậu tất sẽ giết ta mất”.
Nhưng Cung Thân vương thì nào có quan tâm tới chuyện ấy, vì đó mới là mục đích của ông ta. Vì vậy, ngay khi Từ An đóng ấn vào chỉ dụ, Cung Thân vương nhanh chóng mang chỉ dụ của Đông Cung Thái hậu phái người hỏa tốc đưa tới tay Đinh Bảo Trinh ở Sơn Đông. An Đức Hải bị Đinh Bảo Trinh bắt và xử tử ngay tại Sơn Đông mà chưa kịp hiểu lý do vì sao.
Lúc bấy giờ, Từ Hy vẫn không biết rằng vị thái giám tổng quản mà mình sủng ái đang gặp nguy hiểm. Thậm chí, Từ Hy còn không hề biết An Đức Hải đã bị giết tại Sơn Đông. Cung Thân vương và Từ An Thái hậu có thể bí mật hành động, nguyên nhân chủ yếu cũng là vì An Đức Hải thường ngày chuyên quyền, không được lòng người. Mười ngày sau đó, do Cung Thân vương bức ép, Từ An lại phải ra một chỉ dụ khác công bố chuyện tử hình thái giám tổng quản An Đức Hải.
Sau khi An Đức Hải bị xử tử tại Sơn Đông, nhiều thái giám tùy tùng của y cũng bị xử chết ngay tại chỗ. Tuy nhiên, có sáu người trốn thoát. Sau này, năm trong số sáu người này cũng bị xử chết, chỉ một người trốn thoát. Gia đình An Đức Hải bị đưa tới vùng biên viễn Tây Bắc phục vụ quân đội.
Nhiều ngày sau khi An Đức Hải bị xử tội chết, tên thái giám duy nhất còn sống sót trốn được về kinh thành, thông qua Lý Liên Anh, báo tin này với Từ Hy. Ban đầu, Từ Hy dường như không dám tin vào tai mình bởi lẽ, Từ Hy không tin rằng một người yếu đuối, không bao giờ thích lộ diện như Từ An lại không hề bàn bạc với mình mà ra tới hai chỉ dụ giết chết tay chân thân tín nhất của mình.
Sau khi hỏi rõ mọi việc, Từ Hy nổi giận đùng đùng, lập tức chạy sang Nhân Thọ cung, vặn hỏi Từ An. Từ An thấy Từ Hy nổi giận thì đem mọi chuyện đổ sang cho Cung Thân vương. Tuy nhiên, điều đó không hề làm cho Từ Hy bớt giận dữ. Sau khi nổi giận một hồi với Từ An, Từ Hy phất áo ra về, rồi thề rằng sẽ báo thù.
Sự kiện An Đức Hải trở thành một bước ngoặt lớn trong suốt thời gian nắm quyền của Từ Hy. Trước đó, đối với Từ An, Từ Hy luôn tỏ thái độ thân thiện, lễ tiết chu toàn. Tuy nhiên, sau sự việc lần này, Từ Hy bỏ ra nhiều công sức hơn cho các việc chính sự nhằm củng cố quyền lực của mình, biến Đông Cung Thái hậu chỉ còn là danh nghĩa chứ không có thực quyền. Nhiều người còn nói rằng, cái chết của Từ An sau này cũng là do Từ Hy gây ra.
Tuy nhiên, điều đó cho tới nay vẫn chỉ là truyền thuyết chứ chưa có bất cứ bằng chứng cụ thể nào. Có một điều chắc chắn là, bắt đầu từ sự kiện này, Từ Hy mới chính thức bước vào giai đoạn nữ hoàng không ngai của triều đình nhà Thanh.
Buổi sáng thiết triều hôm sau, trước mặt bá quan, Từ Hy lớn tiếng trách mắng Cung Thân vương, còn dọa sẽ tước bỏ chức tước. Mặc dù hôm đó, Từ Hy không xử lý Cung Thân vương ngay nhưng vẫn đem chuyện đó ghi nhớ trong lòng, chờ thời cơ thích hợp để trả thù. Khi Đồng Trị qua đời, Từ Hy không lập con trai của Cung Thân vương làm Hoàng đế cũng là do nhớ đến mối thù năm xưa này.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, sau này, Từ Hy vẫn tiếp tục thăng chức cho Cung Thân vương, tuy nhiên, lý do là vì chính quyền của bà không thể không có sự phò trợ của vị Cung Thân vương này. Ngoài ra, Từ Hy cũng rất thích cô con gái của Cung Thân vương nên nhận cô này làm con gái nuôi. Đây có lẽ cũng là một lý do khiến Từ Hy dần quên đi mối thù năm xưa.
> Đọc thêm: Những câu chuyện huyền bí trong hậu cung xưa
Phong Nguyệt
* Bài đăng trên ấn phẩm chuyên đề báo ĐSPL.