Nguyên nhân tự kỷ ở trẻ
Tự kỷ hay được gọi là rối loạn tự kỷ, là một chứng rối loạn phát triển đặc trưng bởi khiếm khuyết về mặt quan hệ nhân sinh, giao tiếp ngôn ngữ, giao tiếp phi ngôn ngữ và hành vi sở thích hạn chế, lặp đi lặp lại... Tất cả những biểu hiện này xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, thường là trước 3 tuổi và phát triển dần dần.
Người mắc chứng tự kỷ không có giao tiếp, tương tác xã hội với những người khác, do vậy, sự phát triển mọi mặt về tâm lý và xã hội đều hạn chế.
Theo ước tính, trên toàn cầu có khoảng 21,7 triệu người bị ảnh hưởng bởi tự kỷ, theo số liệu năm 2013. Tỷ lệ rơi vào khoảng 1-2 trường hợp/1000 người. Tuy nhiên ở một số tác giả nghiên cứu trên một số vùng dân cư có thể gặp tỷ lệ cao hơn 3,4/1000. Bệnh tự kỷ có tỷ lệ xuất hiện cao từ bốn đến năm lần ở các bé trai so với bé gái.
Về nguyên nhân của bệnh tự kỷ, đã có rất nhiều giả thuyết, nhưng vẫn chưa được các nhà khoa học kết luận một cách toàn diện, đầy đủ.
Mặc dù bệnh tự kỷ chủ yếu là di truyền, các nhà nghiên cứu lại nghi ngờ cả hai yếu tố môi trường và di truyền đều là nguyên nhân của bệnh này. Tuy nhiên đối với nguyên nhân do di truyền, các nhà nghiên cứu chưa tìm ra được gen hay tổ hợp gen nào gây ra bệnh này.
Một số nguyên nhân khác có thể kể đến như người mẹ mắc virus Rubella trong thời kỳ mang thai, điều này làm cho não của thai nhi kém phát triển, gây ra bệnh tự kỷ.
Một số bệnh lý tuyến giáp gây thiếu hụt tyroxin của người mẹ trong kỳ thai nghén cũng được giới chuyên môn công nhận là sản sinh ra những thay đổi trong não thai nhi, dẫn tới tự kỷ.
Đặc biệt hơn, bệnh đái tháo đường của mẹ trong suốt thời kỳ thai nghén là nguy cơ quan trọng của tự kỷ; phương pháp phân tích tổng hợp 2009 thấy rằng đái tháo đường tăng gấp đôi nguy cơ bị tự kỷ ở trẻ.
Bên cạnh đó, một số loại thuốc sử dụng trong thai kỳ như thuốc an thần, Acid Valproic, thuốc điều trị dạ dày, viêm khớp cũng được cho là yếu tố gây nên tự kỷ ở trẻ.
Môi trường tiếp xúc với các chất độc hại như thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ với nồng độ cao, tiếp xúc liên tục cũng có tỷ lệ cao gây ra những bất thường về gen, dễ phát sinh những đột biến gen có ảnh hưởng đến các bà mẹ mang thai.
Những hiểu lầm về bệnh tự kỷ
Nhiều người quan niệm, việc thiếu quan tâm con cái là nguyên nhân khiến trẻ dễ tự kỷ. Tuy nhiên, đây chỉ là quan điểm từ những năm 60, khoa học hiện đại đã bác bỏ điều này, hành vi của cha mẹ không gây ra chứng tự kỷ.
Những lầm tưởng về vacxin là yếu tố tác động gây bệnh cũng là quan niệm sai lầm. Dựa trên hàng ngàn những nghiên cứu đã được tiến hành, không có mối liên quan giữa vacxin và bệnh tự kỷ.
Vấn đề sử dụng sữa mẹ hay sữa bột cho trẻ cũng không phải là yếu tố của bệnh. Theo nghiên cứu trên các trẻ bị tự kỷ, nhóm trẻ bú sữa mẹ và sử dụng sữa bột có tỷ lệ phát hiện bệnh ngang nhau. Các kết quả thống kê không cho thấy mối tương quan giữa việc sử dụng sữa bột và tự kỷ.
Bên cạnh đó, các tác nhân như rượu bia, chất kích thích, sóng siêu âm, sóng điện từ cũng chưa được các nhà khoa học chứng minh là có liên quan đến căn bệnh này.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng cho rằng việc xác định tự kỷ không thể dựa trên việc kiểm tra vân tay, xem nốt ruồi hay xét nghiệm ADN như một số tin đồn gần đây.
Trên thực tế, để xác định được trẻ có mắc phải hội chứng tự kỷ hay không, mức độ thế nào hiện tại vẫn dựa vào sự tương tác của trẻ với môi trường xã hội.
Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con mình chậm nói so với bạn bè cùng lứa tuổi thì nghĩ ngay đến việc con bị tự kỷ và đưa đến các trung tâm tự kỷ để nhờ can thiệp.
Tuy nhiên ở trẻ tự kỷ, ngoài việc bị chậm nói, phải bao gồm những biểu hiện khác lạ. Ví dụ như 12 tháng tuổi, trẻ không bập bẹ, bi bô, trẻ không ra hiệu, làm điệu bộ như vẫy tay, với đồ chơi…
16 tháng tuổi, trẻ không nói được từ nào hoặc đến 2 tuổi, trẻ không nói được câu ngắn nào đáp trả. Ở độ tuổi lớn hơn, trẻ có thể bị mất hoặc suy thoái các kỹ năng ngôn ngữ và xã hội.
Còn ở những trẻ có biểu hiện bình thường như các trẻ khác và chỉ chậm nói thì các bậc phụ huynh không nên quá lo lắng.
Hãy kiên trì dạy trẻ nói bằng cách giảm bớt thời gian cho bé tiếp xúc với tivi, điện thoại, máy tính... Đồng thời, phụ huynh hãy tăng cường thời gian trò chuyện với con để bé luyện nói và có phản xạ về lời nói nhanh chóng hơn.
Thời điểm vàng cho trẻ tự kỷ
Bệnh tự kỷ nếu được phát hiện và can thiệp sớm, sẽ giúp trẻ cải thiện khả năng giao tiếp xã hội, phần nào giúp trẻ sau khi lớn lên có thể tự phục vụ một phần cho bản thân.
Trẻ từ 18-36 tháng tuổi, nếu phát hiện sớm tự kỷ và can thiệp điều trị thì khoảng 30% khả năng sẽ bình thường và có thể hòa nhập trở lại với cộng đồng.
Nếu can thiệp sớm từ 1-3 tuổi với những trẻ tự kỷ nhẹ và trung bình sẽ cải thiện và gia tăng khả năng giao tiếp qua ngôn ngữ, hành vi.
Giới nghiên cứu cũng cho biết nếu phát hiện sớm, 80% trẻ tự kỷ có thể đi học với các bạn bình thường.
Xem thêm:
>> Khi cha mẹ già yếu, qua đời, trẻ tự kỷ sẽ sống ra sao?
>> Âm nhạc đường phố nâng cao nhận thức về tự kỷ cho cộng đồng
Quốc Vinh