Từ vụ Luyện, sửa luật để "tiêu diệt cái ác"?

Từ vụ Luyện, sửa luật để "tiêu diệt cái ác"?

Thứ 5, 27/12/2012 23:54

Ở 94 quốc gia, thậm chí người ta còn bỏ hẳn án tử hình. Suy cho cùng, buộc một con người phải chết, bắt họ biết trước phải chết, bao giờ chết, và chết như thế nào, thực chất cũng đã là một sự man rợ.

Gây ra cái chết thảm khốc cho 3 người trong một gia đình trong vụ thảm sát tiệm vàng khiến dư luận nổi sóng. Tội ác được thực hiện một cách côn đồ man rợ. Bản thân nạn nhân duy nhất sống sót cũng là ngoài ý muốn của hung thủ.

Không cần phải bàn cãi nhiều, với tội ác đầy thú tính, đám đông dư luận rất có lý khi cho rằng “sát thủ” Lê Văn Luyện phải chịu hình phạt cao nhất theo quy định của pháp luật. Sẽ phải chết nếu pháp luật quy định hình phạt tử hình.

Pháp luật - Từ vụ Luyện, sửa luật để 'tiêu diệt cái ác'?Tên Lê Văn Luyện đối diện với công lý.

Nếu có một hình phạt xứng đáng, như cây cọc đàn hương trong tiểu thuyết Đàn hương hình của nhà văn Mạc Ngôn có vẻ là một gợi ý… khát máu. Cây gỗ đàn hương được vót nhọn, đem nấu dầu sôi trong 3 ngày để trơn tru, bóng loáng và không thấm máu. Hình phạt được đao phủ thi hành bằng cách đóng xuyên từ hậu môn lên đến gáy của phạm nhân sao cho không phạm xương sống, nội tạng. Phạm nhân bị án tử hình sẽ phải ngắc ngoải trong đau đớn như vậy vài ngày, tùy theo mức án tuyên, trước khi… được chết.

Bây giờ, sự văn minh không cho phép con người man rợ với nhau đến như vậy nữa. Ở 94 quốc gia, thậm chí người ta còn bỏ hẳn án tử hình. Suy cho cùng, buộc một con người phải chết, bắt họ biết trước phải chết, bao giờ chết, và chết như thế nào, thực chất cũng đã là một sự man rợ.

Trong trường hợp Lê Văn Luyện, vì pháp luật quy định không có án tử hình đối với tội phạm chưa đủ 18 tuổi, cho nên, vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa sau đó nói: “Tôi không thể tuyên án tử hình Lê Văn Luyện”. Các nhà báo đã không mô tả thái độ của vị thẩm phán. Nhưng dù khẳng khái, hay bất đắc dĩ, dẫu sao ông đã làm đúng. Và án 18 năm tù chính là nguồn cơn thái độ căn phẫn của dư luận xã hội đối với “sự bất công” giữa tội ác và hình phạt mà y đã ngẫu nhiên được hưởng.

Trên một số tờ báo, nhiều ý kiến bạn đọc, các vị luật sư, luật gia đòi “sửa luật” để răn đe nhiều hơn, để có hình phạt tương xứng với tội ác của Luyện.

Một bản án tử hình nghiêm khắc có tác dụng răn đe tội phạm. Nghe qua thì có vẻ có lý.

Nhưng liệu có lẽ công bằng nào được tạo lập bằng cách đòi đền mạng? Liệu có cần phải “phá luật” chỉ để tiêu diệt một tội ác dù man rợ, phi nhân tính, nhưng cá biệt. Bởi tử hình không phải là cách duy nhất và tốt nhất để loại trừ tội ác. Bởi tử hình một tội ác dễ hơn rất nhiều so với việc cải tạo được cái ác. Bởi pháp luật được đặt ra không chỉ nhằm răn đe, trừng trị mà còn để giáo dục.

Cái ác cần phải bị trừng trị, trừng trị để giáo dục, nhưng không có nghĩa buộc phải tiêu diệt. Bởi sự tiêu diệt chỉ càng cho thấy sự bất lực của pháp luật trước việc giáo dục, cải tạo một con người.

Trong một thái cực khác, bên lề phiên tòa, lần đầu tiên xảy ra những tràng vỗ tay, những tiếng tung hô dành cho cái ác. Hãy thử tưởng tượng một nữ sinh đã hét lên rằng: Luyện. Em sẽ chờ anh 18 năm. Các nam thanh niên thì vừa cười cợt vừa gọi: Đại ca Luyện. Chưa kể đến những “quái lạ” xã hội đã diễn ra trước đó: Hội những người phát cuồng vì Lê Văn Luyện; Cảm hứng sáng tác “Nàng Luyện lỡ bước”; hoặc câu cửa miệng “đàn em anh Luyện”- của giới trẻ.

Sự bất bình thường đằng sau phiên tòa xét xử Lê Văn Luyện, vì thế, không phải ở sự bất công, khi tội ác man rợ không bị tiêu diệt bằng một bản án tử hình, mà ở quan điểm “tiêu diệt cái ác” của đám đông, và theo chiều ngược lại, là khi cái ác được tung hô, dù bộc phát.

Đào Tuấn


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.