Giải mã ý nghĩa tục treo cổ trâu tới chết ở Yên Bái

Giải mã ý nghĩa tục treo cổ trâu tới chết ở Yên Bái

Thứ 7, 11/02/2017 12:35

Tục treo cổ trâu tới chết ở Yên Bái đang là tâm điểm dư luận mấy ngày qua. Tuy nhiên, ý nghĩa của nghi thức này thì không phải ai cũng biết, cũng hiểu.

Tục treo cổ trâu đến chết ở đền Đông Cuông (xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) đang tạo ra những phản ứng trái chiều từ dư luận mấy ngày qua. Trong đó phần lớn các ý kiến đều cho rằng nghi thức này dã man, tàn bạo đến rùng rợn, không còn phù hợp với thời hiện đại hôm nay. 

Sự việc ầm ĩ tới mức, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái đã phải lên tiếng khẳng định, tỉnh đã chỉ đạo và tuyên truyền người dân khu vực đền Đông Cuông, huyện Văn Yên không tổ chức nghi thức treo cổ trâu đến chết.

Trước áp lực của dư luận cũng như các cơ quan quản lý, người dân ở xã Đông Cuông đã phải nhượng bộ. Cụ thể vào lúc 0h10 ngày 9/2 vừa qua, nghi thức hiến sinh đã được tổ chức bằng một hình thức kín đáo hơn.

Cụ thể, thay vì làm lễ treo cổ trâu đến chết như mọi năm, năm nay ban tổ chức đã quây bạt kín để hiến sinh trâu trắng. Tất cả người dân, phóng viên đều được mời ra khỏi khu vực sân đền và nơi làm lễ giết trâu. 

Như vậy là người dân đã tìm được một biện pháp hài hòa để giải quyết vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, bản chất câu chuyện vẫn còn đó. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa sau khi chứng kiến sự việc đều lên tiếng cho rằng, cơ quan quản lý cũng như dư luận đều quá vội vàng dẫn đến hiểu sai, phê phán sai và ra những quy định hành chính chưa phù hợp.

Một câu hỏi được đặt ra là trong số những ý kiến phản đối tục treo cổ trâu tới chết kia, mấy người hiểu được ý nghĩa của nó? Hiểu được vai trò của nó tới đời sống tâm linh của cộng đồng cư dân nơi đây? Và đã có bao nhiêu bài báo viết về ý nghĩa của nghi thức này để dư luận hiểu và thông cảm? 

Văn hoá - Giải mã ý nghĩa tục treo cổ trâu tới chết ở Yên Bái

Tục treo cổ trâu đến chết ở Yên Bái bị ném đá vì cho là dã man, phản cảm.

Trao đổi với PV báo Người đưa tin về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Trần Lâm Biền nhận định: "Theo quan niệm của một số vùng văn hóa, con trâu (đặc biệt là trâu trắng) có rất nhiều ý nghĩa. Con trâu thuộc tính âm, màu trắng tượng trưng cho nước nên đây là một biểu tượng cho quỷ nước.

Nhưng con trâu cũng mang biểu tượng tích cực khi đôi sừng của nó giống như mặt trăng hình lưỡi liềm. Mặt trăng làm cho trai gái yêu nhau, cho giống đực giống cái gần gũi nhau. Vì thế nó thúc đẩy sự sinh sôi, phát triển và tượng trưng cho ước vọng được mùa".

Vị chuyên gia cũng cho biết thêm: "Đối với lễ hội đền Đông Cuông thì ngôi đền này nằm ngay cạnh bờ sông Hồng, lại không có đê che chắn nên trước đây, chuyện lụt lội hàng năm là không thể tránh khỏi. Vì thế việc treo cổ trâu như vậy là một hình thức hiến tế cho thần, và là một cách để trị quỷ nước.

Trong nghi thức này, người ta lấy 7 bát máu đem ra bờ sông và đặt ở đó rồi đi về. Một lúc sau, tất cả bát máu đều hết sạch. Không biết con gì đã ăn những bát máu đó nhưng người ta tin rằng, thần đã chứng giám và bảo hộ cho họ khỏi lũ lụt, thiên tai. Ý nghĩa của nghi thức này là như vậy".

Nhiều chuyên gia văn hóa cũng cho rằng, tục treo cổ trâu ở Yên Bái giống với nhiều nghi thức hiến sinh ở một số lễ hội khác như: Tục chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh; nghi thức đâm trâu của một số đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên... Đó vừa là hình thức trị quỷ nước, vừa cầu cho sự sinh sôi, phát triển.

Văn hoá - Giải mã ý nghĩa tục treo cổ trâu tới chết ở Yên Bái (Hình 2).

PGS. TS. Trần Lâm Biền cho biết: Nhiều người không hiểu ý nghĩa của nghi thức treo cổ trâu đến chết ở Yên Bái.

Chính vì thế, TS. Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch hội Văn nghệ dân gian Việt Nam mới đây trả lời báo chí rằng: "Chúng ta phải xem xét, nghiên cứu kỹ về nguồn gốc, ý nghĩa của những nghi thức trong lễ hội trước khi kết luận đó có phải là một hành động phản cảm hay không. Vội vàng kết luận là sai khoa học. Muốn vậy thì phải điền dã để hiểu rõ câu chuyện, phong tục, tập quán của các dân tộc ở đây.

Dù trong thời buổi toàn cầu hoá, chúng ta vẫn phải tôn trọng sự đa dạng văn hoá. Điều này cũng được nhắc đến trong Hiến chương của Liên hợp quốc, về việc tôn trọng sự đa dạng văn hoá của các dân tộc".

Còn PGS. TS Trần Lâm Biền thì nhận định: "Đại bộ phận người dân bây giờ chỉ nhìn thấy hình (tức những biểu hiện hành vi bên ngoài như: treo cổ trâu, đâm trâu …) mà không thấy thể (tức không hiểu bản chất, ý nghĩa của tập tục đó). Họ không hiểu được bản chất của những nghi thức trong lễ hội nhưng đã vội vàng phê phán thì đó chỉ là phê phán sai lầm. 

Tục này cũng giống như hành động đâm trâu, chém lợn, màu đỏ tượng trưng cho sinh khí nên khi máu tóe ra thì sinh khí tràn đầy, con người sẽ nhận được một sức mạnh tâm linh rất lớn. Vậy đấy, người ta nhìn dưới góc độ tâm linh sâu sắc như vậy thì những hành động trên không có gì ác độc, dã man cả".

Xem thêm: >> Tiếp thu ý kiến, BTC lễ hội Đông Cuông quyết bỏ tục treo cổ trâu

Phạm Thiệu

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.