Kẻ tung lên mạng phải là người chịu trách nhiệm chính
Ngày 5/7, trên các trang mạng Internet lan truyền nhanh chóng đường dẫn để xem và tải về bộ phim Bụi đời Chợ Lớn do Hãng phim Chánh Phương sản xuất và Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân đầu tư phát hành. Trước đó, ngày 7/6 bộ phim này đã nhận quyết định cuối cùng của Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch là vi phạm Luật điện ảnh và do đó bị cấm lưu hành hoàn toàn.
Phim Bụi đời Chợ Lớn đã bị cấm lưu hành hoàn toàn.
Theo Luật sư Dương Quốc Huy – Giám đốc Công ty Luật Vinabiz, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, nhận định về vụ việc này, Luật sư cho biết: Căn cứ vào thông tin hiện nay thì rõ ràng bộ phim này đã bị cấm phổ biến và lưu hành hoàn toàn, như vậy kẻ nào tung lên mạng phát tán Bụi đời Chợ Lớn chính là kẻ đã dám cả gan vi phạm điều cấm của pháp luật. Do đó phải bị trừng trị về việc vi phạm các quy định về xuất bản, phát hành sách, báo, đĩa âm thanh, băng âm thanh, đĩa hình, băng hình hoặc các ấn phẩm khác quy định tại Điều 271 Bộ luật hình sự. Cụ thể đó là hành vi phổ biến loại phim đã bị cấm lưu hành, theo đó có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Hãng phim chỉ chịu trách nhiệm liên đới vì công tác bảo mật kém
Cũng theo Luật sư Huy, Bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục điện ảnh đã khẳng định: “Trong văn bản Cục Ðiện ảnh gửi Hãng phim Chánh Phương và Công ty cổ phẩn phim Thiên Ngân đã nêu rõ “phim cấm phổ biến dưới mọi hình thức” và hai hãng phim trên “không được để lọt phim Bụi đời Chợ Lớn ra thị trường”. Như vậy thì có thể thấy ngay, hai hãng phim này phải có trách nhiệm bảo quản để phim này không lọt ra ngoài. Và nếu hãng phim trực tiếp phát tán thì hãng phim phải chịu trách nhiệm. Còn nếu có kẻ lợi dụng sơ hở trong công tác bảo quản, bảo mật của hai hãng phim thì sao? Ở đây cần hiểu rằng, việc để lò rỉ bộ phim nếu xuất phát từ công tác bảo quản yếu kém thì chỉ là lỗi vô ý, thiếu trách nhiệm trong quản lý, bảo mật thông tin. Do đó, hai hãng phim này nếu không trực tiếp phát tán thì chỉ là trách nhiệm liên đới mà cụ thể là trách nhiệm trước pháp luật liên quan đến công tác bảo mật.
Phim Bụi đời Chợ Lớn với nhiều cảnh bạo lực.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc với phóng viên, bà Ngô Phương Lan cho biết sau sự kiện Bụi đời Chợ Lớn bị phát tán trên mạng Internet, “ngày 5-7, Cục Ðiện ảnh đã có văn bản gửi các cơ quan hữu quan như Thanh tra Bộ VH-TT&DL, cơ quan an ninh văn hóa, an ninh thông tin truyền thông... đề nghị điều tra và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật kẻ đưa Bụi đời Chợ Lớn lên mạng. Hiện nay cục chưa được thông báo về việc bắt được người này”.
Thiếu quy định về tiêu hủy phim cấm lưu hành
Cho biết đến thời điểm hiện nay, Luật điện ảnh không quy định việc tiêu hủy những bộ phim bị cấm chiếu mà chỉ có quy định trong Bộ Luật Hình sự, theo đó việc tiêu hủy chỉ có thể tiến hành sau khí xác định được tội phạm. Có thể nói chính việc thiếu quy định này đã gây ra nhiều hệ lụy.
Bộ phim Bụi đời Chợ Lớn được phát tán và lan truyền nhanh chóng.
Trong vụ việc này nếu tiến hành tiêu hủy ngay sau khi Hội đồng Trung ương thẩm định phim truyện của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch xác định bộ phim Bụi đời Chợ Lớn đã vi phạm Luật điện ảnh và thuộc trường hợp bị cấm lưu hành hoàn toàn thì liệu có xảy ra sự việc phát tán lên mạng và kéo theo nhiều vấn đề như hiện nay hay không? Một bộ phim đầy bạo lực bị phổ biến sẽ tác động tiêu cực như thế nào tới xã hội?
Thiết nghĩ pháp luật đặc biệt là Luật điện ảnh cần bổ sung quy định về quyền của Cục Điện ảnh được tiêu hủy ngay những trường hợp phim bị cấm lưu hành để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
> Mẹ hot girl Hà Lade tuyên bố sẽ từ mặt nếu con gái giống Bà Tưng
> Phát tán 'Bụi đời Chợ Lớn': Trách nhiệm thuộc về hãng phim
Nguyễn Sen