Nhìn lại năm 2017, Triều Tiên đã 20 lần phóng thử tên lửa đạn đạo, trong đó có nhiều loại tên lửa tầm xa mới được đánh giá là tân tiến rất nhiều so với trước đó. Bình Nhưỡng còn được cho là sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể vươn tới đất liền của Mỹ và mang theo hạt nhân.
Đáng chú ý, Triều Tiên đã thử vụ hạt nhân lần thứ 6, vụ thử được cho là có sức mạnh khủng khiếp nhất từ trước tới nay.
Có những thời điểm, dường như nguy cơ xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên là điều không tránh khỏi.
Tuy nhiên, những ngày đầu của năm mới 2018, thế giới lại chứng kiến những dấu hiệu lạc quan và có căn cứ để hy vọng tình hình ở Triều Tiên nói riêng cũng như khu vực Đông Bắc Á nói chung sẽ trở nên tích cực.
Trong thông điệp năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, ông đã đồng ý thảo luận với Hàn Quốc về việc cử đoàn vận động viên tham gia Olympic tại thành phố PyeongChang và đàm phán một số vấn đề liên quan tới quan hệ liên Triều. Đây là cuộc gặp chính thức đầu tiên được thiết lập giữa Seoul và Bình Nhưỡng trong vòng hơn 2 năm qua.
Cuộc gặp diễn ra tại Nhà Hòa bình, làng đình chiến Bàn Môn Điếm trong khu vực phi quân sự (DMZ), nơi diễn ra hầu hết các hoạt động tương tác giữa Seoul và Bình Nhưỡng.
Theo cây viết Ankit Panda của tờ The Diplomat, Bình Nhưỡng chấp nhận lời đề nghị của Hàn Quốc cho thấy các hoạt động ngoại giao đang có động lực hơn bao giờ hết, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.
Ngay trước khi Triều Tiên chấp nhận đàm phán, Mỹ đã thông báo rằng Washington đồng ý đề nghị của Hàn Quốc cho hoãn các cuộc tập trận chung mang tên Key Resolve (Giải pháp then chốt) và Foal Eagle (Đại bàng non) tới khi bế mạc Paralympic vào ngày 18/3. Từ lâu, Triều Tiên luôn coi cuộc tập trận mùa xuân Đại bàng non – trong đó có nội dung chuyển quân quy mô lớn và các vũ khí hạng nặng – là vỏ bọc nhằm chuẩn bị cho cuộc chiến tranh phòng ngừa.
Theo ông Ankit Panda, những yếu tố trên cho thấy triển vọng về một không khí hòa dịu hơn trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2018 sau một năm đầy dông tố, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều lo ngại và bất ổn.
Hoãn tập trận cho thấy sự nhượng bộ nhất định của Mỹ, nhưng Bình Nhưỡng có thể sẽ yêu cầu nhiều hơn thế. Trong thông điệp đầu năm, ông Kim Jong-un thẳng thừng tuyên bố rằng Hàn Quốc “nên đình chỉ toàn bộ các cuộc tập trận chiến tranh hạt nhân mà họ đang tiến hành cùng với các lực lượng nước ngoài”.
Theo The Diplomat, trên thực tế, thông điệp nổi bật nhất trong bài phát biểu năm mới của ông Kim là việc ông cảm thấy bản thân mình đang giành ưu thế lớn hơn sau một năm thành công với chương trình tên lửa và hạt nhân. Với đòn bẩy đó, Triều Tiên sẽ đưa ra những yêu cầu mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Theo chuyên gia Ankit Panda, dù Triều Tiên đồng ý tham gia Olympic PyeongChang 2018 mang lại dấu hiệu lạc quan nhưng giới quan sát vẫn phải tự đặt câu hỏi, phải chăng chúng ta đang chứng kiến đỉnh cao nhất trong ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên trong năm 2018. Bởi theo nhận định của ông, Triều Tiên sẽ sớm quay trở lại thử tên lửa đạn đạo vào cuối tháng Ba, khi các cuộc diễn tập quân sự Mỹ-Hàn khởi động lại.
Để công tác ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên thành công vào năm 2018, theo chuyên gia, Mỹ và Hàn Quốc cần lấy đối thoại lần này làm đòn bẩy tiếp tục tạo cơ hội đàm phán trong tương lai. Nhưng không may thay, Seoul và Washington sẽ vẫn duy trì quan điểm khác biệt về con đường phía trước.
Trong khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có xu hướng thiên về đàm phán với Triều Tiên thì chính quyền Mỹ không thấy giải pháp nào khác ngoài việc “gây áp lực tối đa” cho Bình Nhưỡng và quyết không thay đổi phương pháp tiếp cận này.
Khả năng “sự nhượng bộ mùa xuân” của Washington sẽ được nối tiếp bởi những thông điệp “lẫn lộn” và tuyên bố “cộc cằn” của Tổng thống Mỹ, chuyên gia Ankit Panda kết luận.
Xem thêm: Số phận bí ẩn của "bà trùm" xinh đẹp vùng biên giới Trung Quốc-Triều Tiên