Mỹ nhân những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20
Mỹ nhân đầu thế kỷ
Năm 1927, ở Nha Trang nổi lên một cái tên kỳ lạ: Kỳ Nam - cô chính là con gái rượu của ông chủ khách sạn có tiếng tăm thời bấy giờ, Terminus. Kỳ Nam mang vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, hớp hồn không biết bao nhiêu bậc vương giả khắp nơi.
Năm 1934, Kỳ Nam kết hôn với vị hoàng tử mà tên tuổi đã gắn liền với cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Lào với sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào (Pathet Lào): Hoàng thân Suphanouvong. Sống cuộc đời giàu sang phú quý.
Nam Kỳ Lục tỉnh vào những năm cuối thế kỷ 19 có một người con gái đã từng là đề tài của khá nhiều hò - vè xuất hiện. Nhan sắc của cô đẹp đến nỗi được sử dụng hình ảnh để in tem, hình ảnh của cô còn được dùng làm nhãn hiệu cho sản phẩm xà bông Cô Ba - một thương hiệu nổi tiếng thời đó, kéo dài suốt gần 60 năm.
Biểu tượng sắc đẹp của nhãn hàng xà bông Cô Ba
Nhiều người nói cô là phu nhận của ông Trương Văn Bền - người thành lập ra hãng xà bông Cô Ba. Thực ra, cô chính là con gái thầy Thông chánh tỉnh Trà Vinh.
Trương Văn Bền
Sau cuộc thi do Pháp kiều tổ chức năm 1864, Cô Ba đã đoạt giải nhất trong cuộc thi Người đẹp Người Việt tổ chức năm 1865. Tuy nhiên, khác với những hoa hậu nhiều tai tiếng thời sau, Cô Ba lấy chồng và sống một cuộc sống giản dị khiêm tốn đến tận cuối đời.
Nguyễn Hữu Thị Lan
Năm 1932, trên đất Sài Gòn xưa cũng nổi lên một cái tên làm điên đảo đấng mày râu - Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan. Xuất thân từ nguồn gốc thế gia vọng tộc, cô là cháu ngoại của ông Lê Phát Đạt tức Huyện Sỹ, người đứng đầu trong tứ đại danh gia: Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Định.
Nguyễn Hữu Thị Lan trở thành Nam Phương hoàng hậu
Sau khi tốt nghiệp tú tài ở Pháp về nước, Marie Thérèse tình cờ quen biết với Vĩnh Thụy khi Vĩnh Thụy đăng cơ trở thành vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, cô trở thành Nam Phương hoàng hậu vào ngày 20/3/1934, và cũng trở thành biểu tượng nhan sắc của cả nước.
Đóa phù dung khát gió
Một nhan sắc khác cũng nức tiếng toàn cõi Nam kỳ là Cô Ba Trà (Yvette Trà). Những người quen biết và từng giao thiệp với Yvette Trà đều xem đó là niềm vinh dự để chứng minh đẳng cấp, đủ để hiểu ngoài việc xinh đẹp cô còn là một thương hiệu hiếm có, có lẽ do thông minh và hiểu tâm lý đàn ông!
Cô Ba Trà
Sinh năm 1906, được mệnh danh là Étoile de Saigon" (ngôi sao Sài Gòn). Với nhan sắc hiếm có cộng với trí thông minh của mình, cô lần lượt "đốn ngã" hàng loạt những tay chơi hào hoa giàu có bậc nhất Sài Gòn như lưỡng vị Hắc - Bạch công tử, công tử Bích (người dám một lúc tặng cho cô 70.000 đồng trong lúc vàng 60 đồng một lượng).
Những tay trí thức, máu mặt chốn quan trường thời Pháp thuộc cũng đổ gục vì cô: Quan tòa Trần Văn Tỷ, trạng sư Dương Văn Giáo, bác sĩ Lê Quang Trinh, Nguyễn Văn Áng, chủ sòng bạc Paul Ngọ tức Sáu Ngọ… Ngay cụ Vương Hồng Sển cũng đem lòng yêu thầm và kể lại rất rõ về cuộc đời cô Ba Trà trong quyển "Sài Gòn tả pí lù".
Hình vẽ cô Ba Trà
Nối gót Yvette Trà chính là Marianne Nhị hay còn gọi là Tư Nhị, cô có nhan sắc đậm đà và hoang dã hơn Yvette Trà. Marianne Nhị là "đứa con hai dòng máu", cha gốc Khơ-me, mẹ Việt (quê Sa Đéc), gia đình sinh sống lâu năm ở Nam Vang.
Lớn lên, Marianne Nhị về Việt Nam, một mình dấn thân vào chốn đô hội ở Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Để có chỗ nương thân, Nhị lúc đầu xin làm em nuôi dưới trướng của chị Ba Phò và sống trong nhà chị ấy ở khu vực chợ Thái Bình.
Sau này, Marianne Nhị được Yvette Trà dìu dắt, từ đó, cô lao vào cuộc chơi với giới thượng lưu Sài Gòn và nhanh chóng trở thành tình nhân của Fanchini, một trùm giang hồ gốc đảo Corse chuyên buôn thuốc phiện toàn cõi Đông Dương và tậu được một căn biệt thự khang trang ở đường Verdun (tức đường Cách Mạng Tháng Tám bây giờ).
Với bản tính man dại và chủ trương cạnh tranh với bà chị đỡ đầu Yvette Trà, Marianne Nhị lao vào các cuộc chơi như một con thiêu thân. Người tình của Tư Nhị thay xoành xoạch và thú hút thuốc phiện đã nhanh chóng đẩy Marianne Nhị vào bi kịch.
Sau vài năm, trong lúc Yvette Trà vẫn còn là một bông hoa đầy hương sắc, thì Marianne Nhị bỗng dưng biến mất.
Một người lịch lãm ở Sài Gòn thời ấy tình cờ gặp Marianne Nhị trong một quán ăn ở đường George Guynemer vào năm 1946 với tình cảnh hoàn toàn khác xưa. Người này sau bữa điểm tâm, trả tiền xong định quay về, bỗng nghe tiếng gọi giật ngược: "Anh Ba!". Ngoái lại, biết tiếng kêu ấy phát ra từ trong đám hành khất rách rưới, định bước đi, lại nghe gọi đến mình thống thiết lần nữa, lần này đượm vẻ bi ai hơn trước. Rồi một người đàn bà trong đám ăn mày tách ra, đến trước mặt anh Ba, thảng thốt nói: "Em là Tư Nhị đây".
Nhìn kỹ một lúc, không nói nên lời, vì người đàn bà ấy trước kia là hoa khôi lừng lẫy một thời, giờ đây môi thâm đen, đôi chân nõn nà quấn quanh mấy lớp vải dính máu mủ với đám ruồi bu đen không ngớt, trông dơ dáy, não nề, không dám nhìn lâu, bỏ nhẹ 20 đồng bạc xưa vào tay Nhị rồi quay đi.
Biết chuyện, một bạn thơ muốn mượn hai câu lục bát của cụ Nguyễn Du, đó là câu mở đầu và câu kết thúc truyện Kiều ghép làm một, để nói về một đời nhan sắc phù hoa: Trăm năm trong cõi người ta. Mua vui cũng được một vài trống canh...
Kỳ tới: Chuyện về những 'đại mỹ nhân' Sài thành ngày ấy
Lan Ngọc