UBND cấp tỉnh, cơ quan "siêu quyền lực" về đất đai

UBND cấp tỉnh, cơ quan "siêu quyền lực" về đất đai

Thứ 5, 27/12/2012 23:57

UBND cấp tỉnh là cơ quan hành pháp nhưng đã nắm giữ cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cơ quan này đã sử dụng cả ba quyền trong việc thực hiện vai trò quản lý nhà nước về đất đai, cụ thể là việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng.

Lý thuyết về tam quyền phân lập được nêu ra đầu tiên bởi nhà triết học Hy Lạp cổ đại Aristoteles (384 - 322 TCN) và được hoàn thiện thành học thuyết hoàn chỉnh bởi nhà tư tưởng vĩ đại người Pháp là ông Montesquieu (1689 - 1755).

Nhịp sống - UBND cấp tỉnh, cơ quan 'siêu quyền lực' về đất đai

Cưỡng chế vi phạm về đất đai tại Bình Định. Ảnh: Cổng TT điện tử Bình Định

Nội dung cốt lõi của học thuyết này cho rằng quyền lực nhà nước luôn có xu hướng mở rộng và lạm quyền. Điều này có bởi trong mỗi người ý chí vì quyền lợi cá nhân luôn lấn át ý chí vì quyền lợi chung. Để bảo vệ các quyền tự do của người dân trong mối quan hệ với nhà nước thì quyền lực nhà nước cần được giới hạn. Mặt khác quyền lực chỉ có thể được giới hạn bởi chính quyền lực, do vậy để giữ cho quyền lực nhà nước không tiêu cực xâm phạm tới người dân thì quyền lực nhà nước không nên tập trung mà cần phân chia.

Học thuyết về tam quyền phân lập hay phân chia quyền lực là nền tảng cơ bản xây dựng lên các bản Hiến pháp tư sản trong đó tiêu biểu là Hiến pháp Hoa Kỳ. Theo đó quyền lực nhà nước được phân chia làm ba nhánh tồn tại độc lập, kiềm chế, giám sát lẫn nhau là lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Ở Việt Nam, trên cơ sở tiếp thu những tinh hoa kiến thức nhân loại và phù hợp với đường lối phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, mô hình tổ chức quyền lực nhà nước được thể hiện dưới dạng như sau: Nghị quyết đại hội 10 của Đảng CSVN khẳng định: “Xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đảm bảo nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” (Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10 NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, trang 126).

Việc tổ chức quyền lực nhà nước như vậy xuất phát từ mong muốn đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân, tránh xu thế lạm quyền của cơ quan nhà nước. Tuy vậy, trong quá trình xây dựng chính sách và trong khi luật pháp đang trong quá trình hoàn thiện, đã tồn tại một cơ quan nắm giữ cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp liên quan đến một vấn đề hết sức quan trọng.

Cơ quan đó là UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là UBND cấp tỉnh). Đây là cơ quan hành pháp nhưng đã nắm giữ cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Cơ quan này đã sử dụng cả ba quyền trong việc thực hiện vai trò quản lý nhà nước về đất đai, cụ thể là việc thu hồi đất giải phóng mặt bằng.

Về quyền lập pháp

Theo Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất, khung giá đất đền bù, danh mục các khoản hỗ trợ, chính sách tái định cư được ban hành một phần bởi chính phủ, một phần bởi UBND cấp tỉnh.

Chính phủ ban hành các nguyên tắc chung về trình tự thủ tục thu hồi đất, danh mục các khoản hỗ trợ. Trên cơ sở đó UBND cấp tỉnh ban hành khung giá đất, chính sách đền bù, hỗ trợ và tái định cư. Trong đó đáng lưu ý là khung giá đất của tỉnh. Khung giá đất được UBND cấp tỉnh ban hành mỗi năm là cơ sở để tính mức thuế sử dụng đất và tính mức giá đền bù khi nhà nước thu hồi đất. Khung giá này luôn thấp hơn so với mức giá chuyển nhượng đất trên thị trường, với lý do để tránh cho mức thuế người sử dụng phải nộp cao quá, nhưng mặt khác khi đất bị thu hồi thì người bị thu hồi đất luôn bị đền bù với mức giá thấp.

Cùng với khung giá đất, mức hỗ trợ và chính sách tái định cư đều do UBND cấp tỉnh ban hành phù hợp với địa phương. Các quy định này có giá trị thực thi không khác gì luật do Quốc hội ban hành, nó là cơ sở viện dẫn giải quyết các vụ việc của sở ban ngành, UBND cấp dưới và kể cả tòa án. Như vậy UBND cấp tỉnh là cơ quan hành pháp nhưng đã thực hiện chức năng của cơ quan lập pháp, đó là ban hành luật.

Về quyền hành pháp

UBND cấp tỉnh là cơ quan trực tiếp thực hiện các việc thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư. UBND cấp tỉnh chỉ đạo UBND cấp dưới và các sở ban ngành thực thi các quy định của chính phủ và của UBND tỉnh. Đây là vai trò đúng của UBND tỉnh, vai trò của cơ quan hành pháp.

Về quyền tư pháp

Theo quy định của Luật đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì người dân có quyền khiếu nại khi không đồng ý với quyết định thu hồi đất hoặc khi không đồng ý về mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Người giải quyết khiếu nại không ai khác chính là chủ tịch UBND cấp tỉnh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh đứng đầu UBND cấp tỉnh, trong mối tương quan với chủ thể bên ngoài, chủ tịch UBND cấp tỉnh và UBND cấp tỉnh là một.

Cơ quan này giải quyết việc khiếu nại về chính họ, do vậy xu hướng giải quyết đương nhiên sẽ là bảo vệ quan điểm, việc làm trước đó. Quyết định giải quyết khiếu nại của chủ tịch UBND cấp tỉnh được thi hành, ai "lơ mơ" lại sẽ bị cưỡng chế.

Như vậy UBND cấp tỉnh là cơ quan hành pháp nhưng đã giữ cả vai trò phán xét của cơ quan tư pháp.

Luật sư Ngô Ngọc Trai

Phối hợp đưa tin trên chuyên mục. Chuyên mục Người đưa tin Luật sư có sự phối hợp, hợp tác của Công ty dịch vụ tư vấn Ka Long, địa chỉ: Phòng 3012 Tầng 3 Tòa nhà 71 Nguyễn Chí Thanh - Đống Đa - Hà Nội; Tel: 04. 62513999 - Fax: 04. 62513999 - Hotline: 0903. 255 339 - Email: hanoi@klc.vn - Website: http://klc.vn.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.