UBND quận 9, TP.HCM ‘hô biến’ đất có chủ thành đất công (1)

UBND quận 9, TP.HCM ‘hô biến’ đất có chủ thành đất công (1)

Thứ 4, 26/10/2016 16:13

Chính quyền quận 9 (TP.HCM) có kế hoạch thu hồi gần 4.000m2 bên cạnh để xây dựng nâng cấp trụ sở. Lô đất này có chủ sở hữu hợp pháp nhưng UBND quận này ra dự toán bồi thường giá…0 đồng.

Báo điện tử Người Đưa Tin nhận được đơn cầu của ông Châu Tuấn Quốc (ở địa chỉ 15 đường số 6, phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM) về việc UBND quận 9 sẽ thu hồi 3.614 m2 đất của gia đình ông tại địa chỉ nêu trên để xây dựng, nâng cấp trụ sở. Theo kế hoạch 41/KH-QLCT, ngày 18/1 năm nay, UBND quận 9 ra dự toán bồi thường cho phần diện tích đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Quốc với giá….0 đồng, với lý do là…đất công! 

Đất có chủ, “hô biến” thành đất công 

Ông Chấu Tuấn Quốc tường trình, năm 1970 cha của ông Quốc là ông Châu Văn Nguyên (đã chết năm 2015) mua đấu giá phần đất 2.994 m2 thuộc lô 677 tờ bản đồ số 4, xã Tăng Nhơn Phú, quận Thủ Đức (cũ) của ông Hoàng Thụy Ngô. Sau đó ông Nguyên mua thêm phần đất diện tích 4.200 m2 của bà Huỳnh Thị Năm sát phần đất của ông Hoàng Thụy Ngô (thuộc lô 677-680) trên đó có căn nhà bằng vật liệu tôn nhẹdiện tích 6m x 9m. Việc mua bán giữa ông Nguyên và bà Năm theo giấy sang nhượng số 1183-TN-HCTQ ngày 26/9/1970 có xác nhận của UBND xã Tăng Nhơn Phú, Thủ Đức (cũ). Nay thửa đất này tọa lạc tại số 15 đường 6, khu phố 1, phường Hiệp Phú, quận 9. 

Xã hội - UBND quận 9, TP.HCM ‘hô biến’ đất có chủ thành đất công (1)

 Ông Chấu Tuấn Quốc bên thửa đất của gia đình đã sở hữu hợp pháp từ năm 1970 

Đến năm 1980, chính quyền địa phương có nhu cầu xây dựng, mở rộng sân vận động nên đã thu hồi một phần đất diện tích đất là 586m và đã bồi thường hoa màu trên phần đất này  (theo giá trị tại thời điểm đó là 1.285 đồng/m2). Phần đất còn lại 3.614m2, gia đình ông Nguyên tiếp tục quản lý sử dụng. 

Năm 1987, mẹ ông Quốc là bà Lê Thị Kim Vân làm đơn xin sửa chữa căn nhà nói trên và được Phòng Xây dựng huyện Thủ Đức cấp giấy phép số 127/GPSC ngày 3/10/1987. 

Tuy nhiên ngày 7/03/1988, UBND huyện Thủ Đức lại ra quyết định 246/QĐ-UB với nội dung: Tháo dỡ căn nhà xây dựng trái phép tại địa chỉ 2/144 ấp Hòa Phú, xã Hiệp Phú, huyện Thủ Đức, chủ hộ Lê Thị Kim Vân – chồng Châu Văn Nguyên. Ông Nguyên gửi đơn khiếu nại quyết định 246. Đến ngày 25/07/1990, UBND huyện Thủ Đức ban hành Quyết định số 1181/QĐ-UB để thu hồi phần đất 3.614m2 của gia đình ông Nguyên và cho rằng đây là phần “đất chiếm” ?! 

Ông Nguyên không đồng tình với quyết định 1181/QĐ-UB và tiếp tục khiếu nại. Ngày 5/11/1994, UBND huyện Thủ Đức ban hành Quyết định số 154/QĐ-UB-NN với nội dung: “Bác yêu cầu của ông Châu Văn Nguyên và bà Lê Thị Kim Vân trong việc xin sử dụng phần đất có diện tích 3.614m2 và khẳng định quyết định 1181 của UBND huyện Thủ Đức là đúng”.   

Đồng thời quyết định 154/QĐ-UB-NN khẳng định,  phần đất của ông Nguyên và bà Vân mua của bà Năm được xác định hầu hết những con đường ngày xưa thuộc dạng “đất công” do nhà nước trực tiếp quản lý…?! 

Bất thường và trái luật 

Theo ông Châu Tuấn Quốc, sự việc bắt nguồn từ quyết định số 1181 UBND huyện Thủ Đức. Căn cứ theo nguồn gốc sử dung đất thì, diện tích đất này do ba ông, tức ông Nguyên mua từ 1970 có xác nhận của chính quyền huyện Thủ Đức (cũ) và liên tục sử dụng kể từ thời điểm mua. Năm 1980, huyện đã thu hồi 586mtrên diện tích 4.200m và có bồi thường hoa màu. Phần diện tích còn lại 3.614mgia đình ông tiếp tục sử dụng công khai, có xin phép sửa chữa và được chính quyền địa phương cấp phép. 

Xã hội - UBND quận 9, TP.HCM ‘hô biến’ đất có chủ thành đất công (1) (Hình 2).

Theo kế hoạch 41/KH-QLCT, ngày 18/1 năm nay, UBND quận 9 ra dự toán bồi thường 3.614m2 đất thuộc quyền sở hữu hợp pháp của ông Quốc với giá….0 đồng, với lý do là…đất công! 

Như vậy không có cơ sở để chứng minh đất trên là “đất lấn, chiếm” như nội dung quyết định 1181 nêu ra để thu hồi đất của gia đình ông. Quyết định này cũng không phù hợp điều 14 luật Đất đai năm 1987. 

Chưa hết, ngày 5/11/1994, UBND huyện Thủ Đức lại ra quyết định 154/QĐ-NN cho rằng: Phần đất của ông Nguyên và bà Vân mua của bà Năm được xác định hầu hết những con đường ngày xưa thuộc dạng đất công do nhà nước trực tiếp quản lý…”. Trong khi luật Đất đai năm 1993, không có cụm từ “Đất công” mà chỉ có 6 loại nhóm đất: Đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất khu dân cư nông thôn, đất đô thị, đất chuyên dung và đất chưa sử dụng.

Các văn bản của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành luật Đất đai cũng không có quy định về “đất công”. Như vậy, ngoài các nhóm đất, loại đất đã được phân loại theo luật Đất đai năm 1993, việc UBND  huyện Thủ Đức tự quy định thêm loại “đất công” là trái với các văn bản pháp luật do các cơ quan nhà nước cấp trên ban hành và có hiệu lực pháp lý thống nhất trên toàn quốc. 

Điều nghịch lý của quyết định 154 được xem là trái luật này là nếu như phần diện tích đất của gia đình ông Nguyên đã mua của bà Năm là “đất chiếm, đất công”… thì tại sao năm 1980 khi UBND huyện Thủ Đức thu hồi một phần đất diện tích đất là 586m để làm sân vận động và lại phải bồi thường hoa màu trên phần đất này, phần diện tích đất còn lại vẫn đế gia đình ông Nguyên sử dụng đến nay ?! 

Đức Mỹ

Kỳ sau: UBND quận 9 ‘phớt lờ’ chỉ đạo của TP.HCM 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.