Ùn tắc tại cửa khẩu, cần giải pháp căn cơ

Ùn tắc tại cửa khẩu, cần giải pháp căn cơ

Lê Tuấn

Lê Tuấn

Thứ 7, 01/01/2022 07:07

Gần 6000 xe container đang "nằm chờ" xuất khẩu, kéo theo đó là hàng ngàn con người vạ vật theo xe. KHi nào nông sản Việt Nam hết điệp khúc "giải cứu"?

Liên quan đến tình trạng ùn tắc trong xuất khẩu hàng hóa tại Lạng Sơn, Người Đưa Tin đã có buổi trao đổi với ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhằm tìm ra những biện pháp tháo gỡ.

NĐT: Thưa ông, tình hình ùn ứ hàng hóa xuất khẩu tại Lạng Sơn đang hết sức nghiêm trọng. Điều này gây ảnh hưởng ra sao đến các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất rau củ quả nói riêng và nông sản nói chung?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Theo đánh giá của tôi, đây là lần ùn tắc nghiêm trọng nhất từ trước tới nay. Thời gian chờ đợi của 1 xe container trung bình là khoảng 20 đến 25 ngày, với thời gian dài như vậy, hàng hóa, nhất là các mặt hàng tươi sống như hoa quả, rau củ các loại sẽ xuống cấp và hư hỏng. Theo ước tính của Hiệp hội, nếu trung bình 1 container trị giá 600 triệu thì con số thiệt hại có thể lên đến 3.000 tỉ đồng.

Đối thoại - Ùn tắc tại cửa khẩu, cần giải pháp căn cơ

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam

NĐT: Tình trạng ùn tắc xuất khẩu có phải thường xuyên diễn ra, nhất là vào dịp cuối năm?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Không, mấy năm trước một ngày có thể thông quan đến cả nghìn xe nhưng năm nay do phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát dịch bệnh, thực hiện chính sách “Zero Covid”, cộng thêm việc họ tính toán thời gian cách ly để nhân viên cửa khẩu về đón Tết nguyên đán nên chỉ còn 1 cửa khẩu hoạt động, dẫn đến tình trạng ùn tắc như vậy.

NĐT: Tại sao doanh nghiệp không chuyển hướng sang các hình thức xuất khẩu khác như đường biển, đường sắt hoặc tiêu thụ sang các nước lân cận như Lào, Myanmar, Thái Lan?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Tắc hết, không có đường nào thông thoáng. Bất kể đường biển hay đường bộ đều bị kiểm soát Covid-19 rất chặt chẽ. Cửa khẩu các trên cũng đều trong tình trạng không thể thông quan. Myanmar mới mở lại được 1 tháng thì giờ tiếp tục đóng cửa.

Đối thoại - Ùn tắc tại cửa khẩu, cần giải pháp căn cơ (Hình 2).

Hàng ngàn xe container hàng hóa đang “nằm chờ” xuất khẩu tại Lạng Sơn (ảnh: Hữu Thắng)

NĐT: Thực trạng hiện nay, mặc dù thông tin ùn ứ tại cửa khẩu Hữu Nghị đã được báo chí đưa tin rất nhiều nhưng hàng ngày vẫn tiếp tục có xe lên khiến cho tình hình ít được cải thiện. Cần phải làm gì để giải quyết tình thế trước mắt, thưa ông?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Vẫn còn xe lên cửa khẩu là bởi nhiều doanh nghiệp mang tâm lý cầu may. Họ nghe nói vẫn thông quan nên ôm hy vọng hàng hóa của mình sẽ xuất khẩu được. Cũng có trường hợp, đây là các xe đã được doanh nghiệp phía Trung Quốc thu mua tại vùng trồng và đang trên đường trở về. Để giải quyết tình trạng hiện nay, tôi đề xuất ba hướng:

Thứ nhất, cần có chính sách khuyến khích cho các xe quay đầu về. Ví dụ, mỗi đầu xe quay về sẽ hỗ trợ một phần chi phí xăng dầu. Xe nào nhất quyết nằm chờ thì quy định trong 1 khoảng thời gian, nếu hết thời gian đó không thông quan được thì anh buộc phải về mà không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào.

Thứ hai, cần phải chặn xe lên cửa khẩu và việc này phải quán triệt ngay từ địa phương, từ vùng sản xuất. Thà giữ hàng tại kho thu hoạch còn hơn là cho lên cửa khẩu nằm chờ, tốn kém thêm rất nhiều chi phí như bến bãi, nhân lực.

Thứ ba, cần có chính sách điều tiết cụ thể, công bằng. Tôi ví dụ, sức thông quan cửa khẩu mỗi ngày được 100 xe, các cơ quan chức năng cửa khẩu sẽ phát hành tương ứng là 100 phiếu. 100 phiếu đó sẽ phân bổ cho các địa phương, tỉnh này bao nhiêu phiếu, tỉnh kia bao nhiêu xe. Xe nào không có phiếu thì không được thông quan, chứ để doanh nghiệp tự điều tiết thì khó lắm, anh nào cũng muốn nhao lên hết.

Đối thoại - Ùn tắc tại cửa khẩu, cần giải pháp căn cơ (Hình 3).

Cabin xe chật chội trở thành nơi sinh hoạt chính của các tài xế khốn khổ (ảnh: Hữu Thắng)

NĐT: Đối với những xe phải quay đầu về thì hướng tiêu thụ sẽ ra sao? Các đầu mối như hệ thống siêu thị, chợ truyền thống liệu có phải là một giải pháp cho doanh nghiệp?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Điều này thì phải phụ thuộc vào chính sự năng động của các doanh nghiệp, Hiệp hội cũng chỉ giúp đỡ được 1 phần nào đó về mặt thông tin. Hơn nữa, hàng khi đã quay về thì đa số chất lượng đã giảm sút, hư hỏng, khó có thể đảm bảo được yêu cầu chất lượng của các siêu thị, hệ thống thu mua. Có nhiều xe hàng trị giá lên đến 800- 900 triệu nhưng doanh nghiệp đành bán lỗ, chỉ thu lại được khoảng 10- 20% so với giá trị ban đầu.

NĐT: Nếu tình hình này tiếp tục diễn ra trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng nông sản có chịu nhiều ảnh hưởng?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Điều này là chắc chắn. 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch tăng vì xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh nhưng nếu sang năm 2022, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục siết chặt các quy định kiểm soát phòng chống dịch bệnh thì sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến tình hình xuất khẩu nước ta. Chỉ khi nào họ thay đổi chính sách theo hướng sống chung với dịch bệnh thì may ra tình hình mới được cải thiện.

NĐT: Sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ triển khai dự án xây dựng hệ thống kho lạnh tại khu vực các cửa khẩu để nhằm trợ giúp doanh nghiệp và người dân trong những tình huống như hiện nay. Ông đánh giá sao về hiệu quả của dự án này?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Đây là một chủ trương đúng đắn và rất nhân văn. Nhưng theo tôi, bên cạnh các hệ thống kho lạnh, chúng ta nên đầu tư thêm về hệ thống bãi đậu đỗ có đấu nối nguồn điện, bởi 100% các xe container vận chuyển đồ tươi sống đều có hệ thống làm mát chủ động. Khi lên đến nơi họ chỉ cần cắm điện để duy trì hệ thống này, tránh việc phải nổ máy xe dẫn đến ô nhiễm không khí, tốn nhiên liệu, gây nhiều hậu quả khác.

Đối thoại - Ùn tắc tại cửa khẩu, cần giải pháp căn cơ (Hình 4).

Sắp tới, Bộ NN-PTNT sẽ triển khai xây dựng hệ thống kho lạnh bảo quản tại các khu vực cửa khẩu (ảnh minh họa)

NĐT: Trong kinh doanh có một nguyên tắc, “Không nên bỏ trứng vào cùng một giỏ”. Trung Quốc là một thị trường lớn nhưng việc quá phụ thuộc vào một thị trường tiêu thụ sẽ đem đến sự bị động. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để chủ động hơn trước những biến động khó lường?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Phương án tối ưu nhất là chuyển hướng và đa dạng hóa sang các thị trường khác, vươn tới những thị trường nhiều tiềm năng như Mỹ hay Châu Âu. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Châu Âu đạt mức 3,2-3,5 tỉ USD nhưng mặt hàng rau quả chỉ chiếm khoảng 150 triệu USD, chưa đầy 10%. Nguyên nhân chính khiến mặt hàng rau quả Việt Nam chưa có nhiều chỗ đứng trong các thị trường này là do chất lượng vùng trồng và trình độ sơ chế, bảo quản của chúng ta còn thấp. Cần phải cải tiến phương pháp sản xuất, tuân thủ nghiêm ngặt theo các tiêu chuẩn như Global GAP, VietGAP…để đảm bảo chất lượng nông sản.

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có khoảng 150 cơ sở chế biến nhưng trình độ chỉ ở mức trung bình so với mặt bằng chung trên thế giới. Khi đã nâng cao được năng lực trong các khâu chế biến, công nghệ bảo quản sản phẩm, tôi tin rằng, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” sẽ có những bước nhảy vọt đáng chú ý.

Đối thoại - Ùn tắc tại cửa khẩu, cần giải pháp căn cơ (Hình 5).

“Xanh” hóa nền nông nghiệp, cần phải bắt đầu từ chính người nông dân và doanh nghiệp

NĐT: Đề án phát triển nông nghiệp giai đoạn 2020-2030 của Bộ NN-PTNT hướng đến một nền nông nghiệp “xanh” cũng đã đưa ra những phương án phát triển, quy hoạch vùng trồng, nâng cao chất lượng nông sản hết sức cụ thể nhưng mọi sự thay đổi đều cần những bước đệm thời gian. Vậy trong khoảng trống đó, doanh nghiệp cần phải thay đổi ra sao về mặt tư duy?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Xu hướng tiêu dùng “xanh” là xu hướng chung của toàn thế giới, chúng ta cũng không thể đứng ngoài yêu cầu của lịch sử. Nhưng để “xanh” hóa nền nông nghiệp, cần phải bắt đầu từ chính người nông dân và doanh nghiệp. Ngay trong thị trường nội địa, yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của người tiêu dùng cũng ngày càng nâng cao. Nếu không thay đổi, không cải tiến phương pháp sản xuất, anh sẽ tự diệt vong.

Một trong những giải pháp để đẩy nhanh quá trình “xanh” hóa nền nông nghiệp là sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh thay vì lạm dụng phân bón hóa học. Nhưng giá phân bón hữu cơ vi sinh hiện quá cao, dẫn đến mục tiêu kinh tế của người nông dân không thể đạt được.

Chúng ta có thể nâng thuế đánh vào phân vô cơ, lấy tiền đó để thúc đẩy phát triển phân hữu cơ hoặc đẩy mạnh đầu tư các nhà máy sản xuất, gia tăng sản lượng, dần dần đưa giá cả hai loại mặt hàng này về tương đồng nhau. Lúc đó, đương nhiên người nông dân sẽ nghiêng về việc sử dụng phân bón hữu cơ, giúp bảo vệ môi trường, giảm thải khí nhà kính.

NĐT: Nhưng có vẻ như nguyên liệu, dây chuyền sản xuất cho thị trường phân hữu cơ của Việt Nam còn thiếu và yếu?

Ông Đặng Phúc Nguyên: Ở các nước tiên tiến, việc xử lý rác thải trở thành phân bón hữu cơ đã được thực hiện từ rất lâu rồi. Việt Nam chúng ta, mỗi năm thải ra môi trường bao nhiêu tấn rác, đó chính là nguồn nguyên liệu dồi dào để sản xuất phân bón. Cái thiếu của chúng ta hiện nay là công nghệ và dây chuyển sản xuất mà thôi.

NĐT: Xin cám ơn ông về buổi trao đổi.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.