Bài 1: Ung thư đại tràng lại mổ... ruột thừa, bệnh nhân 'kêu cứu' Bộ trưởng
Dư luận xã hội đang xôn xao với “Thư kêu cứu” mà chị Đỗ Vân Anh (35 tuổi, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) gửi tới Bộ trưởng Bộ Y tế về trường hợp chồng mình là anh Đỗ Nguyên Đại (42 tuổi) bị K đại tràng nhưng khi khám 2 lần tại Bệnh viện Thanh Nhàn các bác sĩ ở đây không phát hiện ra bệnh.
Thậm chí trong lần đầu nhập viện vào tháng 7/2016 với triệu chứng đau bụng từng cơn kèm theo biểu hiện vài tuần trước đó đại tiện lỏng ngày 2 – 3 lần có dính máu và rát hậu môn nhưng lại được chỉ định mổ ruột thừa.
Đến khi làm các xét nghiệm tại một bệnh viện khác trên địa bàn thủ đô Hà Nội, anh Đại nhận được kết luận mình bị K đại tràng giai đoạn 3.
Trao đổi với phóng viên, Th.s. BS Phùng Quốc Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Thanh Nhàn cho hay: “Trường hợp bệnh nhân Đại, sau khi tiếp nhận thông tin từ phía báo chí, bệnh viện đã xác minh điều tra thông tin nhiều nguồn như hồ sơ bệnh án; gặp trao đổi với bác sĩ trực…
Bệnh nhân Đại đến viện vào rạng sáng ngày 22/7 trong trường hợp đau bụng cấp cứu. Bệnh viện thăm khám lâm sàng theo đúng quy trình và dựa vào kết quả lâm sàng và cận lâm sàng chẩn đoán bệnh nhân bị viêm ruột thừa và được chỉ định mổ cấp cứu”.
Cũng theo vị bác sĩ này, qua báo cáo cận lâm sàng trước và sau khi mổ gồm có: xét nghiệm máu, siêu âm, chụp cắt lớp, giải phẫu bệnh lý, bệnh phẩm sau mổ đều khẳng định bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp.
Bác sĩ cũng khẳng định: “Mổ ruột thừa là tình trạng cấp cứu ngoại khoa cần phải mổ cấp cứu nếu không sẽ nguy hiểm tới tính mạng. Kể cả trên nền tảng bệnh nhân có bệnh lý gì khác”.
Khi được hỏi về việc sau mổ 10 ngày bệnh nhân tiếp tục bị đau đớn và phải vào Bệnh viện Thanh Nhàn lần 2 điều trị 7 ngày, bác sĩ Phùng Quốc Anh cho rằng:
“Do thời gian vào viện quá gần so với lần mổ ruột thừa cho nên bác sĩ thăm khám thường nghĩ có liên quan tới lần phẫu thuật trước. Lúc đầu bác sĩ nghĩ là bệnh nhân bị áp xe tồn dư sau mổ. Trong quá trình theo dõi thêm loại trừ các khả năng và nghĩa là rối loại tiêu hóa trên nền bệnh nhân sau mổ ruột thừa”.
Thêm nữa, theo vị bác sĩ này, bệnh lý u đường tiêu hóa rất khó để xác định qua siêu âm, chụp CT cũng phải bằng kỹ thuật đặc biệt mới phát hiện được. U đại tràng được xác định chuẩn xác nhất khi được nội soi. Nhưng sau mổ 10 ngày bệnh nhân không thể nội soi được. Đây là chống chỉ định nội soi trong đường tiêu hóa.
Cuối cùng, bác sĩ Phùng Quốc Anh khẳng định: “Vẫn có trường hợp viêm ruột thừa trên nền bệnh nhân ung thư đại tràng. Nhưng khi bệnh nhân Đại đến với bệnh viện, triệu chứng viêm ruột thừa nổi trội hơn nên bác sĩ mổ cấp cứu là đúng”.
Về phía các chuyên gia, Bộ Y tế sẽ nói gì về sự việc này. Báo Người Đưa Tin sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới độc giả.
Nguyễn Huệ