Mới đây, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã công bố quyết định do ông Phùng Xuân Nhạ, Chủ tịch Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, ký công nhận những nhà khoa học, nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2017.
Theo Quyết định này, công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư cho 9 nhà giáo và đạt tiêu chuẩn phó giáo sư cho 44 nhà giáo.
Như vậy, trong số 94 ứng viên Giáo sư, Phó Giáo sư có hồ sơ bị "treo", có 41 ứng viên không đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư.
Việc nhiều ứng viên GS, PGS có hồ sơ không đạt tiêu chuẩn xét duyệt đã khiến dư luận đặt ra nhiều nghi vấn có hay không việc hội đồng ngành thẩm định cả nể, dễ dãi? Nhưng điều mà dư luận quan tâm hơn cả chính là ý thức, đạo đức của người làm hồ sơ khai báo.
Trước vấn đề dư luận đang quan tâm, PV báo Người Đưa Tin đã liên hệ với nhà nghiên cứu Nguyễn An Chất, Giám đốc trung tâm Tư vấn tâm lý An Việt Sơn.
Theo đó, ông Nguyễn An Chất cho biết ông có theo dõi đến vấn đề này và bản thân ông cũng có những ý kiến của mình.
“Việc phong hàm GS, PGS ở Việt Nam khác với việc phong hàm GS, PGS ở nước ngoài. Vì hầu hết các nước tiên tiến giáo sư chỉ dạy, nghiên cứu ở trường đại học. Trường hợp phong giáo sư danh dự lại là vấn đề khác. Còn tại Việt Nam, việc phong hàm GS, PGS lại có một điều nguy hiểm, đó là trở thành một nếp sống thích danh để phục vụ mục đích cá nhân.
Đi đâu cũng giới thiệu mình là GS, PGS hay tiến sĩ... để người ta nể sợ. Nhưng, điều này là hoàn toàn nhầm lẫn. Một điều nữa, hiện nay Nhà nước ta chú tâm vào học hàm, học vị quá nhiều kể cả nâng lương, sắp xếp việc quản lý cũng chú ý đến học hàm, học vị mà quên mất năng lực thực tế, công việc thực tế để đem lại hiệu quả cao nhất. Vì vậy, rất nhiều người chạy theo học hàm GS, PGS”.
Từ những điều lý giải trên, ông Nguyễn An Chất cho rằng nhiều người chạy theo học hàm mới dẫn đến hồ sơ sai lệch: “Việc hồ sơ phong GS, PGS không đủ tiêu chuẩn có hai vấn đề. Thứ nhất, người xét duyệt nể nang nhau và tưởng rằng vô hại. Thứ hai, có thể do nhóm lợi ích “tự diễn biến và tự chuyển hóa”. Vì nhiều góc độ, nhiều yếu tố nên dẫn đến có những hồ sơ không đạt chuẩn”.
Đánh giá dưới góc độ đạo đức, ông Nguyễn An Chất cho rằng: “Đây rõ ràng là nói dối, đánh vào ý thức gian dối và khó chấp nhận. Bên cạnh đó, hội đồng thẩm định cũng chưa thật minh bạch. Vì hám danh nên có những GS, PGS quên mất rằng ta được phong hàm để phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
Trước câu hỏi của PV báo Người Đưa Tin, việc ứng viên GS, PGS, khai báo không đủ và đúng với thực tế sẽ bị xử lý như thế nào, ông Nguyễn An Chất nhấn mạnh: “Nếu khai không đúng mà vi phạm ở mức độ dân sự thì xử lý theo dân sự, ở mức độ hình sự sẽ xử lý theo hình sự - để răn đe cho những người lần sau có làm hồ sơ thì phải ý thức hơn”.
Trong suốt cuộc trò chuyện với PV, ông Nguyễn An Chất cũng bày tỏ: “Từ trước đến nay, tôi làm việc với rất nhiều phóng viên, báo chí nhưng tôi chỉ nói họ ghi tên tôi trong bài viết là nhà nghiên cứu, chuyên gia tư vấn tâm lý chứ đừng đưa học hàm, học vị của tôi. Bởi, tôi không cần danh mà chỉ cần thực. Danh để làm gì? Để bắt nạt ai?”.
Từ việc hồ sơ của một số ứng viên GS, PGS bị loại, trong đó có những hồ sơ gian dối, ông Nguyễn An Chất cũng đưa ra gợi ý: “Theo tôi, nước ta không nên để Hội đồng chức danh giáo sư vĩnh viễn nữa. Như các nước tiên tiến, GS là chỉ để giảng dạy, nghiên cứu tại các trường đại học chứ không phải học hàm, học vị đó để lên chức ông nọ, bà kia”.