Ước mơ thành sự thật: “Con ơi, gọi mẹ một tiếng đi...”

Ước mơ thành sự thật: “Con ơi, gọi mẹ một tiếng đi...”

Thứ 5, 27/12/2012 23:50

Đứa con thứ nhất mới sinh được vài tháng đã dị dạng, tay chân teo tóp, đứa thứ hai thì càng lớn càng ngớ ngẩn.

Trong căn buồng tối, nặng mùi xú uế không ngừng phát ra những tiếng la hét, rẫy rụa khiến đôi vợ chồng trẻ tỏ vẻ ái ngại khi có người lạ đến nhà. Trong căn nhà nhỏ của anh chị đồ đạc, quần áo ngổn ngang, cái lành, cái bị xé rách. Trên chiếc bàn gỗ đặt tận góc nhà, không cái chén nào còn quai.

Pháp luật - Ước mơ thành sự thật: “Con ơi, gọi mẹ một tiếng đi...”

Di chứng nghiệt ngã của chiến tranh

“Làm mẹ đã 19 năm nhưng tôi chưa hề được nghe một tiếng gọi mẹ từ các con. Nhìn hai con quằn quại tự tay đấm vào đầu đến chảy máu mà ruột gan tôi đau như xát muối. Nhiều lúc thấy cảnh người ta con đống cháu đàn mà xót xa”. Đó là những lời tâm sự đẫm nước mắt của chị Phạm Thị Ngàn (sinh năm 1974) ở thôn Quan Đình Bắc, xã Đồng Tiến, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Mi mắt cay cay, mẹ chị Ngàn kể lại cho chúng tôi nghe nỗi bất hạnh mà con cháu bà đang từng ngày gánh chịu.

Năm 1962 ông Phạm Văn Mạnh (sinh năm 1930), chồng bà tham gia kháng chiến chống Mỹ. Hồi đó, ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh trải dài từ Quảng Trị đến chiến trường Nam Lào. Trong lần tham gia trận đánh Mỹ tại Huế, ông Mạnh bị sốt rét và phải nằm liền mấy tháng tại rừng. Năm 1973 ông Mạnh trở về quê hương. Những vết thương trên cơ thể để lại khiến nhiều đêm ông quằn quại đau đớn. An ủi phần nào khi vợ ông sinh ra chị Ngàn lành lặn, không bệnh tật.

Năm 1993, chị Ngàn lập gia đình cùng anh Đỗ văn Quảng (sinh năm 1970) cùng quê và sinh hạ được đứa con gái đầu lòng là cháu Đỗ Thị Huệ. Ám ảnh về những trận chiến ác liệt tưởng chừng sẽ bị quên lãng trong tâm trí người lính già. Nào ngờ ông càng nhìn đứa cháu mới sinh, càng thấy nó có biểu hiện dị dạng, khác thường.

Từ khi lọt lòng mẹ, cơ thể Huệ méo mó, chân tay teo lại, ốm triền miên. Cháu Huệ từ bé chỉ nằm một góc nhà không biết bò, không biết nói, sống cuộc sống vô thức, cho gì ăn nấy, bỏ đâu nằm đấy. Nhìn đứa cháu dị dạng, luôn tay cấu véo vào mặt, ông Mạnh mới biết Huệ đang mang di chứng chất độc màu da cam sau chiến tranh từ ông.

Nhìn vào chiếc cũi gỗ nơi cháu Huệ đang nằm lê lết, ông nghẹn ngào: “Vợ chồng nó thì bận việc cả ngày, lúc làm đồng, khi thì đi làm thuê nên không trông giữ cháu được mà phải nhốt vào cũi gỗ. Nếu không cháu nó lên cơn điên lại bò lê lết lung tung, đập phá hết cái này đến cái khác. Năm trước, vợ chồng thằng Quảng gắng làm cho cháu nó cái cũi rộng và thoáng để cháu dễ thở”.

Nuốt nước mắt vào trong, chị Ngàn và anh Quảng tiếp tục mang thai người con thứ hai vào năm 2000 với nhiều hy vọng cháu sẽ khỏe mạnh và là chỗ dựa cho hai vợ chồng khi về già. Nhưng trớ trêu thay, cháu Đỗ Văn Huy vừa mới chào đời đã mang một hình hài kì dị, chiếc đầu méo và chỉ to hơn bàn tay một chút. Cũng như chị gái, cháu Huy không hề cầm nắm được bất cứ đồ vật gì dù là nhỏ. Càng lớn, cháu càng gầy mòn, xanh xao. Âm thanh duy nhất mà cháu Huy và Huệ có thể phát ra từ cổ họng là tiếng ư ử. Đến nay, dù đã mười hai tuổi nhưng cháu Huy chỉ nặng 9kg, còn cháu Huệ mười chín tuổi cũng chỉ nặng hơn 20kg.

19 năm khát khao tiếng gọi mẹ

Chị Ngàn chịu ảnh hưởng chất độc màu da cam, cộng với căn bệnh tim luôn dày vò thể xác khiến chị ngày càng tiều tụy. Gặp chúng tôi, chị tâm sự: “Làm mẹ đã 19 năm tôi chỉ khát khao được nghe tiếng gọi mẹ từ các con. Mỗi đêm, nhìn các cháu đau đớn, rên rỉ rồi lên cơn điên dại, lao đầu vào tường mà ruột gan tôi đau như xát muối, chỉ muốn chết đi cho xong. Nhưng dẫu sao chúng cũng là con tôi dứt ruột đẻ ra, dù đói dù no tôi cũng gắng chăm sóc các cháu”.

Hàng ngày, anh Quảng phải đi làm thợ xây lấy tiền chạy thuốc men cho con còn chị Ngàn thì chẳng dám xa hai đứa con đến nửa bước. Chỉ những lúc các con thiếp đi chị mới dám tranh thủ ra đồng hái nắm rau, nắm cỏ lo bữa cơm. Hai cháu không thể ý thức được chuyện vệ sinh, đau ốm triền miên khiến kinh tế gia đình anh chị ngày càng túng quẩn. Hiện tại anh chị phải ở nhờ nhà anh trai chồng vì căn nhà cũ đã quá dột nát. Bác Lan, hàng xóm kế bên nhà chị kể lại: “Trời mưa nước ngập ở đường thế nào thì nhà chị Ngàn cũng ngập từng ấy. Những lúc ấy vợ chồng lại bế hai đứa con chạy sang hàng xóm ở nhà, trời tạnh mới dám đứa chúng về”.

Chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình chị Ngàn, ông Đỗ Quang Diễn, Chủ tịch hội nạn nhân chất độc màu da cam xã Đồng Tiến cho biết: “Hoàn cảnh éo le của gia đình chị Ngàn khiến nhiều bà con xóm làng thương tâm. Tuy vậy, cũng chỉ biết giúp chị nắm gạo, củ khoai lúc mất mùa, chúng tôi không có điều kiện giúp gia đình anh chị về kinh tế. Hiện tại gia đình chị gặp nhiều khó khăn bởi đến nay anh Quảng, chị Ngàn vẫn chưa có một căn nhà ổn định để chăm sóc hai cháu tật nguyền”.

Mọi đóng hảo tâm xin gửi về địa chỉ: Đỗ văn Quảng, thôn Quan Đình Bắc, xã Đồng Tiến, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Hoặc tòa soạn báo Đời sống & Pháp luật, tòa nhà A6, khu đô thị Nam Trung Yên, đường Phạm Hùng, Cầu Giấy, Hà Nội. Sđt 0462810837 (nhánh 19) hoặc số đường dây nóng của chuyên mục “Ước mơ thành sự thật” 0978080388.

Cao Tuân


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.