Vay 50 triệu, tháng sau trả 65 triệu đồng
Cho góp tiền là hình thức “vay nóng”, người đi vay phải trả góp hàng ngày một số tiền bao gồm cả lãi và gốc và số tiền sau khi trả cao hơn rất nhiều so với số tiền thực vay.
Để rõ hơn về hình thức này, trong vai người cần vay, PV đã liên lạc với một số điểm cho "vay nóng" tại TP.HCM. Về thủ tục cho góp tiền cơ bản giống nhau, các điểm cho vay đều yêu cầu người vay chứng minh có hộ khẩu, chứng minh nhân dân (CMND), đặc biệt là phải có nhà tại TP.. .
Liên lạc với người tên Thiên chuyên cho vay ở quận Tân Bình, PV đề nghị được vay 50 triệu đồng. Thiên nói ngay: “Anh phải có nhà mới được vay và bên tôi sẽ xuống xác minh nơi ở của anh. Sau đó, anh photo CMND và hộ khẩu rồi sẽ có người giao tiền”.
Người tên Thiên cho biết thêm: “Nếu vay 50 triệu đồng, anh phải góp trong vòng 40 ngày, mỗi ngày 1,5 triệu đồng và phí dịch vụ là 10%”.
Như vậy, với khoản vay 50 triệu đồng trong vòng 40 ngày, người vay sẽ phải trả 65 triệu đồng (bao gồm cả phí dịch vụ). Song đây chưa phải là lãi suất cao nhất. Tại điểm cho vay của người tên Hạnh (ở quận Phú Nhuận) cùng một mứcvay 50 triệu đồng thì người này nói: “Góp trong 31 ngày, mỗi ngày 2 triệu đồng. Và thêm 10% phí dịch vụ”. Nghĩa là sau một tháng, người vay phải chịu tiền lãi hơn 15 triệu đồng, bình quân mỗi ngày đóng tiền lãi trên 500.000 đồng, một mức “siêu cắt cổ”.
Ngoài các điểm cho vay nói trên, không khó để có thể tìm được hàng loạt điểm đang cho góp tiền trên các trang mạng. Các dịch vụ này cũng dán quảng cáo khắp nơi...
Tìm hiểu thêm ở công ty T.N, một công ty đang kinh doanh dịch vụ góp tiền kiểu này ở địa bàn quận 12, TP. Hồ Chí Minh, PV được một nhân viên công ty tên Hải hướng dẫn: “Để vay tiền, anh phải cho nhân viên đến xác minh chỗ ở và công ty đang làm. Sau khi xác minh xong, chúng tôi sẽ giao tiền ngay trong ngày cho anh. Anh có thể tới văn phòng công ty để nộp tiền góp. Nếu không tới được, công ty có nhân viên tới thu. Anh phải trả phí cho người tới thu hộ, tuỳ vào điểm thu xa hay gần”.
Khi PV đề nghị giảm phí dịch vụ, các điểm kinh doanh này đều tìm đủ lý do biện minh để từ chối. Theo đó, họ cho biết, trong phí dịch vụ bao gồm 10% là để chạy Google, nghĩa là đưa các trang quảng cáo lên tốp đầu về dịch vụ vay tiền nhanh, 10% là phí rủi ro, nếu vay 50 triệu đồng thì chỉ nhận được 45 triệu, cho lần vay đầu tiên. Kể từ lần vay sau sẽ giảm phí này xuống còn 5%...
Cho vay nặng lãi có thể bị phạt tù
Nhẩm tính, số tiền vay 50 triệu đồng, sau một tháng, người vay phải trả tới 65 triệu đồng. Như vậy, tiền lãi mỗi tháng là hơn 30% (tương đương 1%/ngày và tới 360%/năm). Cùng khoản vay này, PV tính lãi suất cho thời hạn vay trong vòng một năm, người vay phải trả tới 180 triệu đồng.
Chuyên gia kinh tế, TS. Huỳnh Văn Ngọc, giảng viên trường đại học Kinh tế TP.HCM cho biết: “Hiện nay, lãi suất cho vay tiêu dùng hoặc mua nhà đang ở mức từ 7% đến 13%/năm, tùy theo gói vay. Nếu góp tiền (thực chất là “vay nóng”) với lãi suất quá cao như trên thì không thể chấp nhận được”.
“Người đi vay cần phải cẩn trọng, tránh rơi vào bẫy của các đối tượng cho vay nặng lãi. Thực tế, nhiều người không thể góp hàng ngày, dẫn tới bị phạt tiền chậm nộp. Như vậy, lãi mẹ đẻ lãi con, số tiền phải trả sẽ dồn lên rất cao. Nếu không có khả năng trả nợ, các đối tượng này sẽ dùng “luật rừng” để đòi”, ông Nguyễn Tuấn Linh, một người hiểu biết khá rõ về dịch vụ này cho hay.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại quận Phú Nhuận khuyến nghị: “Người tiêu dùng có nhu cầu đi vay thì nên đến các tổ chức tín dụng để được hỗ trợ tốt nhất, đồng thời, hạn chế tối đa việc vay nóng, vay chợ đen, góp tiền theo ngày... để tránh rủi ro và các hệ lụy kèm theo”.
Luật sư Nguyễn Đình Thái, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: “Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc vay mượn giữa các cá nhân, tổ chức với nhau đã hình thành quan hệ hợp đồng vay tài sản. Lãi suất vay do các bên thoả thuận, tuy nhiên không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do ngân hàng Nhà nước công bố. Tức là không vượt quá 13,5%/tháng".
Như vậy, với mức lãi suất cho vay theo hình thức trả góp nói trên, theo luật sư Thái là vi phạm pháp luật. “Tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức cho vay nặng lãi sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Trường hợp có hành vi dùng thủ đoạn ép buộc người vay phải gán tài sản thì tuỳ theo mức độ, tính chất của hành vi vi phạm sẽ có các hình thức xử phạt tương ứng, có khung hình phạt từ 1 đến 20 năm tù giam”.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc chi nhánh ngân hàng Nhà nước TP.HCM cho biết: “Loại hình cho vay này thực chất là tín dụng đen, khác biệt hoàn toàn với các hình thức mà các công ty tài chính đang cho vay tiêu dùng, được cấp phép. Do đó, người dân cần phải hết sức cẩn trọng. Bởi, hầu hết các giao dịch đều là thoả thuận miệng, không có giấy tờ hợp pháp. Loại hình này nhắm đến những trường hợp có khả năng tài chính hạn chế, cần tiền ngay, hoặc vay để đi trả nợ...”.
Không ít người đã khốn khổ khi lỡ vay theo hình thức này. Theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Trưởng phòng Tham mưu kiêm người phát ngôn Công an TP.HCM, “Thời gian qua, lực lượng Công an TP.HCM đã xử lý nhiều trường hợp, liên quan chủ yếu tới các hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật... khi người vay chưa thể trả nợ vay trong hoạt động tín dụng đen. Việc xử lý cho vay nặng lãi là không dễ, bởi, các đối tượng này luôn tìm cách lách luật, gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm”.