Tầm quan trọng của con rể TT Trump
Cuộc gặp mặt thượng đỉnh dự kiến vào ngày 6/4 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang được hai bên thiết lập theo quy trình thông thường, bao gồm các thảo luận về quan điểm, chính sách và ưu tiên cho mối quan hệ Mỹ-Trung.
Nhưng bên cạnh đó, còn có một kênh quan trọng khác, tạo ra sự tương tác cấp cao giữa Nhà Trắng và nhà lãnh đạo Bắc Kinh do con rể của ông Trump - Jared Kushner điều hành, theo Washington Post.
Kênh tương tác riêng với Trung Quốc của Kushner được thiết lập ngay sau bầu cử, với sự giúp đỡ của cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger.
Trong một loạt các cuộc họp với quan chức hàng đầu của Trung Quốc, Kushner và một số cố vấn thân cận của ông Trump đã thiết lập chương trình nghị sự cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới.
Dựa vào điều này, khi ông Trump gặp người đồng cấp Trung Quốc ở Mar-a-Lago, hai bên có thể nhanh chóng đưa ra những kết luận đầu tiên với một số vấn đề nghị sự, mà không cần mất nhiều thời gian thảo luận.
Đây sẽ là những vấn đề có tầm ý nghĩa quan trọng với không chỉ Mỹ, Trung Quốc mà còn đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Nhà Trắng cũng như các quan chức trong chính quyền, mục tiêu của Kushner là mở rộng, cải thiện mối quan hệ giữa hai cường quốc, bất chấp những thách thức đang gây chia rẽ thời gian qua.
Ngoài ra, người con rể Tổng thống cũng muốn xoa dịu quan điểm đối đầu với Bắc Kinh của một số nhóm quan chức trong chính quyền Tổng thống Trump.
Người dẫn đường chỉ lối
Theo Washington Post, vào giữa tháng 11 năm ngoái, cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger đã có cuộc gặp mặt Kushner, cố vấn an ninh quốc gia chỉ định Michael Flynn và tổng thống đắc cử tại Tháp Trump.
Khi đó ông Trump đã đề nghị ông Kissinger đi Bắc Kinh và gửi một thông điệp trực tiếp tới nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, "mọi thứ đều có thể nằm trên bàn đàm phán hợp tác song phương".
Ông Kissinger đã gặp ông Tập tại Bắc Kinh vào ngày 2/12, người đứng đầu Trung Quốc cũng thể hiện sự nhiệt tình khi bày tỏ mong muốn một cuộc gặp mặt sớm với Tổng thống Mỹ.
Cùng ngày, Tổng thống Trump nhận được điện thoại chúc mừng từ nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn khiến cho Bộ ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức bày tỏ quan ngại, kéo quan hệ cả hai trở nên sóng gió.
Tuy nhiên, bất chấp những căng thẳng phơi bày trên các phương tiện truyền thông, sự hấp dẫn Trung-Mỹ vẫn tiếp diễn đằng sau hậu trường.
Ông Kissinger đã gặp các trợ lý hàng đầu của Tổng thống Trump, bao gồm cả người con rể Kushner vào ngày 6/12 và khuyến khích họ gặp nhân vật rất có tiếng nói của Trung Quốc - Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì.
Ngay sau đó, ông Dương và đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đã đến Tháp Trump dự cuộc gặp với các quan chức cao cấp chính quyền Trump trong hai ngày tại chính văn phòng của Kushner.
Trong các cuộc gặp mặt này, ông Dương đã đưa ra một danh sách các yêu cầu của Trung Quốc. Trong đó nước này muốn chính quyền Trump đồng ý với đề xuất "mô hình quan hệ quyền lực lớn kiểu mới", một trong những khái niệm mà ông Tập Cận Bình muốn hướng tới để tránh xung đột và tập trung vào hợp tác.
Cuối cùng, Bắc Kinh muốn tìm kiếm sự tôn trọng của Mỹ với các vấn đề mà nước này cho là lợi ích cốt lõi, bao gồm chủ quyền Đài Loan, Tây Tạng và các vấn đề nội bộ. Trung Quốc cũng muốn chính quyền Trump ủng hộ sáng kiến "Một vành đai, Một con đường", dự án liên kết và phát triển cơ sở hạ tầng khu vực của Trung Quốc.
Đổi lại, Trung Quốc đưa ra một số đề xuất đầu tư giúp thúc đẩy chương trình nghị sự trong nước của ông Trump về việc tái lập thị trường việc làm.
Sau cuộc gặp, người con rể Kushner và đại sứ Trung Quốc Thôi Thiên Khải tiếp tục giữ liên lạc chặt chẽ với nhau. Trung Nam Hải đã dựa vào kênh của Kushner để giúp sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết, Kushner không phải là nhân vật có tư tưởng phản đối với Trung Quốc dù biết rất rõ quan điểm của ông Trump trong việc đối đầu với nước này về an ninh và thương mại.
"Quan điểm của Jared về Trung Quốc là mọi thứ đều có thể thương lượng; Anh ấy là một doanh nhân bất động sản - người luôn nghĩ về những giải pháp có lợi cho tất cả các bên", quan chức này nói. "Anh ấy cũng là một người hiểu biết về chính trị và biết rằng, những điều này có thể ảnh hưởng đến vị thế chính trị của bố vợ".
Theo Washington Post, đã có những dấu hiệu cho thấy quan hệ Mỹ-Trung đang ấm lên một cách rõ ràng. Kushner là một trong nhiều phụ tá thuyết phục ông Trump thay đổi quan điểm cũng như khẳng định lại cam kết với chính sách “một Trung Quốc” trong cuộc điện đàm hồi tháng Hai với ông Tập Cận Bình.
Theo bình luận viên Josh Rogin từ Washington Post, trong hội nghị thượng đỉnh lần này, các nhà quan sát sẽ tập trung vào một số vấn đề đang có bất đồng lớn của cả hai.
Về Triều Tiên và Biển Đông, chính quyền Trump dường như vẫn nhất quán với chính sách an ninh cứng rắn truyền thống của đảng Cộng hòa. Còn trong vấn đề thương mại, Washington sẽ vẫn gắn bó với chương trình nghị sự kinh tế “nước Mỹ là trên hết”.
Tuy nhiên nếu lập trường đảo chiều, ông Trump chấp nhận những đề xuất từ phía Trung Quốc, đó không chỉ là tín hiệu mở đầu kỷ nguyên mới cho quan hệ Mỹ - Trung mà còn cho thấy Kushner là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong quan hệ giữa hai cường quốc này.
Đọc thêm>>> Thế giới thay đổi gì sau một năm vụ rò rỉ Hồ sơ Panama?
Quốc Vinh