Một trong những vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau trong Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH14 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV QH) thảo luận sáng nay là tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) (Điều 317) và tội Gây ô nhiễm môi trường (Điều 235).
Có ý kiến cho rằng cần bổ sung định lượng vào điểm a và điểm b khoản 1 Điều 317 BLHS năm 2015 nhằm tránh việc xử lý hình sự quá rộng. Ý kiến khác đề nghị không sửa điều này để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đang diễn ra phổ biến như hiện nay.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, vấn đề môi trường và an toàn thực phẩm là rất bức xúc hiện nay. Đó cũng là lý do Quốc hội lựa chọn an toàn thực phẩm là chuyên đề giám sát tối cao.
“Công tác giám sát thời gian qua cho thấy, vấn đề ATTP ở mức độ báo động. Có một số địa phương đã đến giới hạn đỏ. Nhiều cuộc làm việc đã kết luận như thế, kể cả những cuộc làm việc của bộ Y tế, bộ Công Thương, bộ NN&PTNT mới đây. Như vậy, tình trạng diễn ra là phức tạp.
Gần đây, vụ ngộ độc thực phẩm ở Lai Châu khiến 8 người chết, 27 người nhập viện; ở Hà Giang hơn 60 người ngộ độc thực phẩm…
Rõ ràng, quá trình này diễn biến phức tạp, phải kiểm tra môi trường có sạch không, sản xuất có sạch không, chế biến có sạch không, bảo quản có sạch không… Có thể thấy qua kiểm tra thực tế, tất cả các công đoạn đều vi phạm, có nhiều vụ việc nghiêm trọng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì Ủy ban Tư pháp đang hướng sửa đổi Điều 317 theo hướng giảm nhẹ đi. Vừa qua, số vụ ngộ độc thực phẩm lên đến hàng ngàn vụ. Số người chết trong 5 năm qua là không lớn nhưng số người mắc bệnh, ví dụ như ung thư, là rất lớn. Thậm chí có đại biểu Quốc hội từng đau đáu về câu nói “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế”.
“Nếu theo quy định trong dự thảo luật sửa đổi thì chả xử lý được ai. Nhiều thực phẩm cấm rồi vấn sử dụng, hóa chất kháng sinh không được phép sử dụng vẫn dùng…
Theo tôi, một là giữ nguyên khoản 1 Điều 317 như bộ luật cũ. Nếu xử phạt hành chính rồi tiếp tục vi phạm thì xử lý hình sự. Còn nếu sửa đổi như trong dự thảo luật như thế này không xử được ai đâu”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Liên quan đến tội Gây ô nhiễm môi trường (Điều 235), báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS số 100/2015/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: “Luật dự kiến chỉnh lý một bước theo hướng hạ thấp một số mức định lượng về môi trường. Tuy nhiên, do đây là nội dung chuyên ngành sâu nhưng hiện chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành nên Ủy ban Tư pháp sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan, đồng thời đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức về nội dung này”.
Về điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng bày tỏ sự không đồng tình. “Kể cả tội về môi trường vô cùng nghiêm trọng, nhưng với quy định trong dự thảo luật này rất khó xử lý. Gây phóng xạ mà trên 3 lần mức bình thường là thế nào? Có phóng xạ đã là phát hoảng rồi mà còn quy định mức, như thế tôi cho rằng không nghiêm, càng rối.
Bên cạnh đó, cùng một điều, có nhiều mức xử phạt khác nhau nhưng hành vi giống nhau. Cho nên nếu không thận trọng lại rơi vào vết xe cũ, do đó phải hết sức lưu ý”.
Đồng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị Ủy ban Tư pháp có sự thống nhất các cơ quan liên quan, trình ra Quốc hội cần có phương án chọn về xử lý với ô nhiễm môi trường.
“Chính Ủy ban Tư pháp phải lựa chọn phương án xem cái nào nhiều ưu điểm hơn chứ không chỉ đưa ra các lựa chọn như vậy”, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết và cơ bản đồng tình với phương án hạ mức xả thải.
Cùng đưa ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nhất trí với ý kiến của 2 Phó chủ tịch Quốc hội và cho rằng: “Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cơ bản giữ nhiều mức định lượng xả thải như BLHS năm 2015; bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị nâng mức định lượng về phát tán phóng xạ từ 2 đến 4 lần trong BLHS năm 2015 lên 1.000 đến 10.000 lần. Tôi đề nghị Chính phủ có trả lời chính thức hoặc giao cho bộ Khoa học và Công nghệ trả lời trước Quốc hội và giải thích nội dung này.
Ở đây không phải cứ phóng xạ là tác hại ngay mà ở mức độ nhất định nào đấy mới có tác động như vậy. Do đó, Chính phủ cần sớm có ý kiến với Quốc hội về nội dung này”.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm: “Tôi rất nhất trí với Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, sửa luật là cần thiết để tránh hình sự tràn lan, tránh trường hợp người dân vô tình không biết chất cấm vẫn sử dụng. Thế nhưng, không thể nương nhẹ hành vi nguy hiểm trong xã hội, nên có những cái sử dụng chất cấm phải xử lý. Đề nghị Chính phủ có ý kiến chính thức về vấn đề này”.
Dương Thu (ghi)