Văn hóa ứng xử trong lễ hội: Động vật được ưu tiên đối xử nhân văn?

Văn hóa ứng xử trong lễ hội: Động vật được ưu tiên đối xử nhân văn?

Chủ nhật, 12/02/2017 10:01

Trong văn hóa lễ hội, không ít người có lối ứng xử tàn bạo, thiếu văn hóa với cộng đồng, thiên nhiên và với bản thân mình. Nhưng họ lại có cái nhìn, hành động rất nhân văn với động vật.

Lễ hội từ lâu đã trở thành một sản phẩm văn hóa mang tính cộng đồng với những giá trị truyền thống tốt đẹp được kế thừa qua nhiều thế hệ. Nó là nơi gửi gắm những ước mơ chính đáng của người dân về cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc. Thế nhưng, cách ứng xử với lễ hội hiện nay của không ít người đang làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp đó.

Từ đầu năm tới nay, dư luận đã bao phen "nhức mắt" với đủ trò bi hài diễn ra ở những lễ hội nổi tiếng. Mới đây, những hình ảnh ẩu đả trong lễ hội cướp Phết ở Hiền Quang (Phú Thọ) tiếp tục khiến dư luận ngán ngẩm. Mặc dù năm nay, ban tổ chức lễ hội đã có những biện pháp ngăn chặn tình trạng bạo lực nhưng mọi chuyện vẫn vượt tầm kiểm soát.

Do máu ăn thua nên nhiều đội chơi mặc dù đã đưa quả phết về đích nhưng vẫn bị đội đối phương giành giật dẫn đến ẩu đả. Nhiều người đã phải nhảy xuống ao để trốn khỏi sự truy đuổi gắt gao của đối phương. Tình trạng bạo lực, ẩu đả xảy ra trước sự bất lực của cơ quan chức năng.

Xem thêm: >> Phú Thọ: Chùm ảnh cướp Phết kinh hoàng ở hội Phết Hiền Quan

Mới nhất là tình trạng du khách vẫn vượt rào, chen lấn ném tiền lẻ vào kiệu để lấy may tại lễ khai ấn đền Trần năm Đinh Dậu 2017. Dù năm nay không còn cảnh tranh cướp lộc trên ban thờ như những năm trước nhưng cảnh nhiều du khách xô đẩy, với tay ném tiền khi kiệu rước ấn đi vào đền Thiên Trường vẫn xảy ra dẫn tới tình trạng lộn xộn không đáng có.

Đó là chưa kể tới việc cảnh quan nhiều ngôi chùa bị "tàn phá" bởi sự thiếu ý thức của người tham gia lễ hội. Chuyện vặt lá, bẻ cành tại di tích vẫn diễn ra hết năm này sang năm khác và trở thành một trong những vấn đề nhức nhối mùa lễ hội đầu năm. Mới đây nhất, ngôi chùa Linh Quy Pháp Ấn (tỉnh Lâm Đồng, nơi ca sĩ Sơn Tùng chọn làm điểm quay MV Lạc Trôi) cũng bị "tàn phá" không thương tiếc bởi nhiều bạn trẻ thiếu ý thức.

Xem thêm: >> Tranh cãi hình ảnh phản cảm của giới trẻ khi đi lễ chùa đầu năm

 

Văn hoá - Văn hóa ứng xử trong lễ hội: Động vật được ưu tiên đối xử nhân văn?

 Tranh cướp lộc đầu năm: Chúng ta đang hướng tới giá trị nhân văn nào?

 

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch hội Di sản Văn hóa Việt Nam từng cho rằng: "Trong văn hóa lễ hội, chúng ta phải xây dựng được thái độ ứng xử ở các lĩnh vực: Ứng xử với cộng đồng, với thiên nhiên, với bản thân mình và với thần linh.

Ví dụ như, ứng xử trong xã hội chính là ứng xử với di sản, người ta đến đó với tâm thức như thế nào là phù hợp. Ứng xử với thiên nhiên để cân bằng giữa con người với thiên nhiên, không tàn phá thiên nhiên …".

Nếu nhìn vào những tiêu chí đó thì có vẻ như, không ít người chỉ nhân văn với động vật và tàn nhẫn với tất cả: từ cộng đồng, xã hội, thiên nhiên cho tới chính bản thân mình. Bởi trái ngược với những hình ảnh xấu xí khi người ta chen nhau cướp lộc, đánh nhau cướp Phết, chen chân sờ tượng Phật, rải tiền lẻ, cướp lá ấn cầu quan tước, vặt lá bẻ cành tại di tích ... nhiều người lại có cái nhìn nhân văn khi lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ động vật.

Bằng chứng là bất kể nghi thức nào liên quan tới tục hiến sinh đều bị lên án gay gắt là phản cảm, dã man. Mới đây nhất tục treo cổ trâu đến chết ở lễ hội đền Đông Cuông cũng bị "ném đá" dữ dội. Cuối cùng trước áp lực dư luận, tục này phải thay đổi bằng cách tổ chức kín đáo trong khung bạt được quây kín.

Xem thêm: >> Giải mã ý nghĩa tục treo cổ trâu tới chết ở Yên Bái

Bàn về nghịch lý này, nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Trần Lâm Biền cho hay: "Tôi không hiểu nhiều người đang chạy theo những giá trị nhân văn nào? Nhưng tôi thấy một số người có lối ứng xử tàn bạo không chỉ với động vật, thiên nhiên mà với ngay đồng loại của mình. Tại sao lại như vậy?

Vì nhiều người hiện nay không biết và cố tình không biết ý nghĩa của lễ hội là gì? Cùng là lễ hội chọi trâu nhưng họ chỉ quan tâm con nào thắng để xẻ thịt bán rồi “chặt chém” người mua. Có ai hiểu đó là một lễ hội biểu trưng cho sự vận động âm – dương, cho thủy triều lên xuống, cho mùa biển được thắng lợi đâu? Họ chỉ chạy theo những giá trị ảo để phô bày những khát vọng trần tục (háo danh, háo lợi) của mình mà thôi".

Phạm Thiệu

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.