Một tài xế tuyến xe 51 (bến xe miền Đông - chợ Bình Hưng Hòa, TP.HCM) cho biết, Sở Giao thông vận tải TP.HCM giao chỉ tiêu quá cao trong khi lượng khách thực tế thấp nên mới xảy ra chuyện xé khống vé xe buýt. Cụ thể ở tuyến 51, chỉ tiêu giao là 21 khách/chuyến nhưng lượng khách thực tế thấp hơn nhiều, không có chuyến nào đạt trên 20 khách, thậm chí có chuyến chỉ vài khách nên hầu như chuyến nào cũng phải xé khống vé.
Tài xế xe buýt tuyến 143 biển số 53U-1619 xé khống vé để vứt đi
“Việc xé khống vé là bất đắc dĩ vì tiền mua vé rất mắc (500.000 đồng/10 xấp vé). Nhưng nếu không xé để có bằng chứng đủ khách đạt theo chỉ tiêu thì tiền trợ giá sẽ giảm”, tài xế này giải thích.
Bình luận về tình hình xé khống vé xe buýt, một cán bộ Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết, bình quân trợ giá xe buýt hiện nay là 4.320 đồng/vé, vậy là mỗi ngày có đến hàng trăm triệu đồng bị tiêu tốn vô nghĩa do việc xé khống vé
Xe vắng khách thì... xé vé bỏ
Sáng 9.7, chiếc xe buýt loại 40 chỗ tuyến 73 (thuộc Hợp tác xã vận tải số 28) xuất phát từ Khu công nghiệp Lê Minh Xuân về chợ Bình Chánh. Chỉ có một hành khách trên xe, còn lại là lái xe và tiếp viên xe buýt. Xe chạy đến tỉnh lộ 10, thêm một hành khách lên xe. Theo ghi nhận, từ bến đầu tới bến cuối, chuyến xe có vỏn vẹn năm hành khách.
Lúc xe chạy về gần bến cuối ở chợ Bình Chánh, phụ xe ngồi thụp xuống sàn rồi lôi xấp vé xe buýt ra đếm. Sau một hồi nhẩm tính, phụ xe giật mạnh tay xé hơn chục vé rời khỏi cuống, vò mạnh những chiếc vé có mệnh giá 6.000 đồng/lượt và ném qua cửa sổ xe.
Tài xế xe buýt tuyến số 51 xé khống vé, rời khỏi xe và tung vé lên trời.
Tình trạng xé khống vé không chỉ xảy ra ở tuyến xe buýt nêu trên mà còn xuất hiện ở nhiều tuyến khác. Đáng kể nhất là tại tuyến xe buýt 51 (thuộc Hợp tác xã vận tải và dịch vụ Đông Nam) và tuyến 143 (bến xe Chợ Lớn - chợ Bình Hưng Hòa, thuộc Hợp tác xã vận tải số 28).
Chiều 18.7, xe buýt loại 12 chỗ (tuyến 51) chạy không khách về trạm điều hành ở chợ Bình Hưng Hòa. Khi xe vừa dừng thì tài xế bắt đầu “quy trình” xé khống vé: xem lệnh vận chuyển - lấy tập vé ra đếm - xé vé và ném xuống ghế. Thực hiện xong việc xé bỏ vé, tài xế mở cửa bước xuống xe rồi thản nhiên tung ngay xấp vé đó lên trời. Ngay lúc đó, xe buýt tuyến 143 vừa chạy tới, dừng cách trạm điều hành khoảng 20m, liếc qua lệnh vận chuyển, tài xế không cần đếm mà giật ngay một xấp vé dày cộp rời khỏi cuống vé, vò lại và ném qua cửa sổ xe.
Theo một cán bộ Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, không chỉ có các hợp tác xã mà tài xế, nhân viên một số công ty xe buýt cũng xé khống vé, trong đó có vé lượt dành cho học sinh sinh viên 2.000 đồng/người. Đây là loại vé mà người đi phải trình thẻ học sinh sinh viên.
Các hợp tác xã và công ty còn đua nhau xé vé tập, loại vé dành cho khách mua trước. Khác với loại vé lượt được xé khống rồi vứt bỏ, vé tập xé khống được nhà xe lưu lại tập để nộp về Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng thành phố.
Tài xế xe buýt tuyến số 51 xé khống vé, rời khỏi xe.
Trong văn bản báo cáo lãnh đạo Sở Giao thông vận tải thành phố cách đây hơn một năm, một đơn vị xe buýt cho biết, có công ty tổ chức xé khống vé tập như một quy trình, công việc được giao khoán cho kiểm soát viên, cộng tác viên, nhân viên văn phòng. Văn bản nêu rõ các nhà xe thường chủ động mua vé tập về xé bỏ để bù đắp phần thiếu hụt hành khách.
Tại Công ty TNHH một thành viên xe khách Sài Gòn và Công ty liên doanh Sài Gòn Star, đã xuất hiện tình trạng tiếp viên xe buýt thu gom vé tập về bán lại cho các hợp tác xã.
Đơn vị xe buýt này còn cho rằng, nếu họ thực hiện việc xé vé tập để hoàn thành chỉ tiêu số lượng khách thì bình quân mỗi ngày đơn vị này phải xé bỏ 260 tập vé, tương đương 7.800 hành khách đi với khoản tiền hơn 310 triệu đồng/ngày.
Trợ giá xe buýt qua các năm
(*) Theo báo cáo tháng 3.2013 của Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, tiền trợ giá năm 2012 là 1.405,6 tỷ đồng.
Ai được lợi?
Ngày 23.7, khi được hỏi về tình trạng nhân viên xé khống vé xe buýt, lãnh đạo Hợp tác xã vận tải số 28, Hợp tác xã vận tải và dịch vụ Đông Nam và Hợp tác xã vận tải 19.5 đều trả lời có nghe phản ảnh nhưng chưa có bằng chứng cụ thể.
Ông Nguyễn Ngọc Binh - chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải số 28, nói: “Theo nhận định của tôi, việc xé khống vé nếu có chủ yếu xảy ra ở tuyến 143 vì tuyến này không thu hút được khách”. Còn ông Trần Trọng Thảo, chủ nhiệm Hợp tác xã vận tải và dịch vụ Đông Nam, cho rằng: “Chỉ có những tài xế và chủ xe không ý thức mới xé khống vé”.
Lãnh đạo Hợp tác xã vận tải 19.5 thừa nhận có dấu hiệu nhân viên xé khống vé xe buýt để đạt chỉ tiêu về hành khách. Ngoài tiền lương, họ còn được thưởng 700.000 đồng - 1 triệu đồng/tháng nếu đạt chỉ tiêu. Lãnh đạo một số hợp tác xã và công ty còn cho rằng, đơn vị nhận chỉ tiêu sản lượng khách đi lại cao để được hưởng trợ giá cao. Ngược lại, nếu không đạt chỉ tiêu, giảm 1% thì bị trừ 1% tiền trợ giá.
Một đơn vị xe buýt cho biết, trong hợp đồng thực hiện chỉ tiêu sản lượng năm 2012, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM còn đưa ra điều kiện nếu cuối năm không đạt chỉ tiêu sẽ phạt thêm 5% tổng số tiền trợ giá.
Giám đốc một công ty xe buýt cho biết, các nhà xe đối phó với hình thức xử phạt bằng cách chủ động tự cân đối vé tập từng tuyến, điều chỉnh tuyến vượt chỉ tiêu đưa sang tuyến không đạt. Nếu điều chỉnh mà vẫn không cân đối được thì sẽ mua vé tập về xé bỏ, bù phần thiếu hụt hành khách. Đơn vị này dẫn chứng cụ thể nếu năm 2012, công ty không hoàn thành chỉ tiêu, có thể phải nộp tiền phạt lên đến 43 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, các đơn vị vận tải xe buýt không dại gì từ chối nhận chỉ tiêu hành khách cao với số tiền trợ giá phóng khoáng. Họ cũng không dại gì khai báo sự thật khách đi xe buýt đang giảm để rồi nộp số tiền phạt rất lớn.
Áp đặt chỉ tiêu cao hơn thực tế
Có thể nói tình trạng xé khống vé xe buýt bắt đầu diễn ra sôi động từ đầu năm 2012 đến nay, nguyên nhân là do việc áp đặt tăng chỉ tiêu hành khách đi lại bằng xe buýt.
Báo cáo tổng kết hoạt động vận tải hành khách công cộng năm 2011 của Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề ra chỉ tiêu khối lượng vận chuyển hành khách công cộng (xe buýt và taxi) trong năm 2012 phải đạt 593 triệu lượt khách, tăng 41 triệu lượt khách so với năm 2011. Cuối năm 2012 lại đề ra chỉ tiêu khối lượng vận tải hành khách công cộng năm 2013 phải đạt 609 triệu lượt khách, tăng 16 triệu lượt khách.
Từ chỉ tiêu này, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM đưa chỉ tiêu với từng đơn vị vận tải cũng với tinh thần năm sau tăng cao hơn năm trước.
Ông Cao Đăng Thuấn, trưởng phòng điều hành Công ty TNHH một thành viên xe khách Sài Gòn cho biết, kế hoạch giao chỉ tiêu hành khách đi xe buýt luôn cao hơn thực tế. Lãnh đạo Hợp tác xã xe buýt 19.5 nói, việc giao chỉ tiêu hành khách đi xe buýt quá cao, không phù hợp với tình hình.
Theo ông Nguyễn Ngọc Binh, Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM khoán sản lượng vé năm sau cao hơn năm trước 5% đối với phần lớn tuyến xe buýt trên thành phố. Hiệp hội Xe buýt TP.HCM có kiến nghị cho biết, chỉ tiêu của trung tâm khoán cho các đơn vị xe buýt cao gấp 1,6 lần so với thực tiễn.
Nhiều doanh nghiệp xe buýt được trợ giá
Đầu tháng 7.2013, báo cáo với Sở Giao thông vận tải TP.HCM về kết quả 10 năm thực hiện phục hồi và phát triển hệ thống xe buýt thành phố giai đoạn 2002-2012, ông Lê Hải Phong, giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết, hành khách đi trên các tuyến xe buýt ngày càng tăng.
Cụ thể, năm 2002 có 97 tuyến xe buýt với 99.000 lượt khách/ngày đi xe buýt, tăng lên 150 tuyến với 1,13 triệu khách/ngày vào năm 2012, đến tháng 5.2013 có 150 tuyến với 1,28 triệu khách/ngày. Suốt từ năm 2006 đến nay, số lượng xe buýt được trợ giá bình quân là 110 tuyến.
Báo cáo gửi Ủy ban nhân dân TP.HCM, Sở Giao thông vận tải thành phố đề xuất cơ chế chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt từ năm 2012 đến 2020 là tiếp tục trợ giá cho các tuyến xe buýt thiết yếu nhằm đáp ứng nhu cầu giảm ùn tắc giao thông.
TP.HCM đang có 15 đơn vị vận tải xe buýt thành phố được hưởng “bầu sữa mẹ” từ ngân sách nhà nước trợ giá xe buýt. Các doanh nghiệp này còn nhận được hợp đồng đặt hàng “béo bở” với chỉ tiêu “tự” tăng sản lượng khách đi xe buýt.
Giám đốc một công ty xe buýt chua chát nhận định, tình trạng xé vé lượt, xé vé tập gây hậu quả là các tuyến xe buýt không đủ chỉ tiêu hành khách sẽ giảm chất lượng. Nhà xe không còn quan tâm nâng cao tinh thần phục vụ mà chỉ cần xé bỏ vé khống là có thể sống được.
Theo Tuổi trẻ/Tri thức trẻ