Vật vã mưu sinh tuổi xế chiều

Vật vã mưu sinh tuổi xế chiều

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:08
0
Tôi gặp cụ vào một buổi trưa Sài Gòn nắng như thiêu như đốt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai. Tôi phải dừng lại vì cụ hình như đã quá mệt không thể đẩy nổi cái xe qua một cục đá. Cụ dừng lại và thở dốc để lấy sức nhấc cái bánh xe sau lên.

Tôi dựng xe bên đường đến đẩy giúp cụ, cụ nhìn tôi móm mém cười cảm ơn. Đó là ông Hai đi nhặt ve chai để kiếm kế sinh nhai. Có lẽ cái tên chỉ là giả… Cuộc đời này, như cụ nói, thì con người ta có cái tên cũng chỉ để gọi mà phân biệt người này với người kia thôi, với cụ nó không có ý nghĩa gì cả.

Cụ Tám hơn 10 năm vẫn ngồi trên đường Hùng Vương bán dép cũ

Cụ nói quê ở tận miền Tây, lên đây từ năm mười mấy tuổi. Còn trai tráng thì làm nghề thợ hồ, giờ gần tám mươi tuổi răng rụng gần hết, tóc và râu đều bạc phơ cả rồi, ngày hai buổi đẩy chiếc xe này đi vừa mua vừa nhặt ve chai, kiếm tiền sinh sống. Nhiều hôm ốm, tiền dành mua thuốc thì hết tiền mua cơm.

Tôi hỏi về vợ con, cụ quay mặt đi lấy tay áo chặm chặm vào hai khóe mắt đục ngầu mà không nói thêm câu gì. Một lúc sau cụ đứng dậy lí nhí nói: "Tôi đi nghe cô". Tôi thẫn thờ nhìn người đàn ông gần tám mươi tuổi lầm lũi đi trong cái nắng rát rạt của Sài Gòn. Tôi đứng lặng nhìn, cụ không ngoái lại nhìn tôi dù một lần, bởi có lẽ cụ như đang không nhìn thấy ai bởi dòng lệ nhòe nhoẹt chắt ra từ hai hốc mắt vốn đã nghĩ là sẽ không còn nước mắt.

Cụ Tám mà tôi gặp trên đường Hùng Vương còn vài năm nữa là tròn tám mươi, hơn 10 năm nay vẫn ngồi bán dép cũ. Cụ vỡ òa nước mắt khi tôi hỏi "tại sao từng này tuổi mà vẫn ngồi đây bán dép cũ, một ngày được bao nhiêu".

Cụ nói nhà ở Củ Chi, nói là nhà nhưng đó chỉ là một túp lều 40 mét vuông do cha mẹ để lại với gần chục con người sinh sống. Cụ lấy chồng từ năm 17 tuổi, được 3 đứa con thì chồng qua đời. Một nách ba đứa con không ruộng không vườn, làm thuê được đồng nào hay đồng đó nên con cái cũng không được học hành.

Ba đứa con ngoan ngoãn và lớn lên như củ sắn củ khoai, dù vất vả nhưng cụ cũng thấy vui khi con cái đều thương yêu mẹ. Nhưng ông trời lại đọa đày cụ khi đứa con thứ hai bệnh nặng, cụ phải vay mượn thuốc thang cho nó, nhưng nó cũng không ở lại được. Những ngày đó cụ đau lòng lắm: Con mất, tiền lại không có, anh em thì cũng nghèo như nhau.

Rồi hai đứa con cụ cũng lấy vợ lấy chồng, cuộc sống không lấy gì làm khá giả. Cụ lớn tuổi không ai thuê làm, nên phải lên thành phố bán dép cũ. Cụ thường đi nhặt hoặc mua lại các đôi dép da người ta đi đứt rồi may lại, sau đó cứ mỗi sáng cụ dậy từ lúc 4h sáng bắt xe buýt lên trước bệnh viện Hùng Vương ngồi bán.

Một ngày trừ tiền xe buýt cũng còn hai ba chục ngàn, có hôm trời mưa không bán được đôi nào cụ lại lọ mọ gói ghém đưa về và lỗ tiền xe buýt. Tôi hỏi cụ trưa ăn cơm ở đâu, cụ nói mang cơm theo. Tôi nhìn thấy trong cái túi ni lông một hộp cơm trắng và một chai tương. Tôi không dám hỏi gì thêm bởi tôi sợ mình là kẻ tàn nhẫn khi cày xới thêm nỗi đau của cụ.

Tôi biết cuộc sống cụ vất vả cực nhọc, khi được ai hỏi đến thì tủi thân thế, nhưng vẫn còn hạnh phúc là còn có con, dù gì cũng còn có niềm vui bên con cháu. Còn cụ Nguyễn Thị Lan mà tôi không bao giờ quên được cho dù chỉ gặp cụ một lần khi cụ ngồi bán vé số ở khu phố Bình Long (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai).

Hình ảnh cụ Lan luôn ám ảnh từng giấc ngủ của tôi. Bởi câu chuyện cụ kể cho tôi nghe như một cuốn tiểu thuyết. 85 tuổi, khác với vẻ bề ngoài quá già yếu, cụ có trí nhớ minh mẫn lạ thường, đặc biệt cụ nói tiếng Pháp như người… chính quốc.

Cụ nói quê ở tận Hà Tây, năm 1954 gia đình cụ vào Nam. Năm đó cụ 18 tuổi. Ở quê cụ yêu một người hơn mình 2 tuổi, hai người chia ly cách biệt từ đó. Cụ nuốt nước mắt theo chân bố mẹ. Sau đó gia đình có bà con sang Pháp và đưa cụ đi theo. Không ngờ sang đó hai người gặp nhau, mừng mừng tủi tủi họ vội vã xin bố mẹ kết hôn.

Cuộc sống bên Pháp tuy không giàu có nhưng nhờ làm ăn cần mẫn hai người cũng đủ sống. Rồi ba đứa con lần lượt ra đời lại như thêm niềm hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Nhưng rồi cả ba đứa con mắc bệnh lần lượt qua đời, bao nhiêu tiền đã dồn vào chữa bệnh cho con. Nơi đất khách quê người, nợ nần chồng chất không có khả năng trả nên hai người tìm cách về Việt Nam.

Trong một lần đi làm cụ bị cán bẹp bàn tay. Ngày đó, cụ ông còn sống nên nói bà nghỉ ngơi để ông làm nuôi bà, nhưng sau đó ông cũng bị tai nạn và qua đời. Nhà thờ cho một mảnh đất để chôn cất cụ ông. Từ đó cụ chuyển hẳn sang nghề bán vé số bởi sức khỏe yếu nhưng điều cốt lõi nhất là cụ muốn ngồi đó để nhìn sang ngôi mộ của chồng.

Ngày nào cụ cũng ước ao nếu sau này chết người ta sẽ cho nằm cạnh ông. Nhưng cụ lại nghẹn ngào nói: "Mà đâu có đất nữa, người ta chôn hết rồi".

Cụ không đi xa được nên cứ ngồi đầu lắc lư giơ tấm vé số lên, ai đi qua thương tình mua giùm cho. Nghe nói bà con ở khu phố có người muốn giúp cụ đưa cụ đi viện dưỡng lão nhưng cụ không chịu, cụ muốn ngồi đó để được gần ông. Khoảng hai tháng sau tôi quay lại tìm thì nghe người dân ở đó nói cụ yếu quá đi viện dưỡng lão rồi.

Chiều nay tôi lại thấy thêm một cụ già nữa đang gánh tàu hủ rao réo rắt giữa phố phường, tiếng rao bị tắc nghẹn lại bởi tiếng còi xe ầm ĩ, lọt thỏm vào thinh không, lưng cụ cong như một dấu hỏi đau đớn giữa cuộc đời...

Tô Hương Sen