Cũng chừng ấy thời gian, hình ảnh "trái tim bất tử" của vị hoà thượng đi vào tâm thức của người dân, nó trở nên màu nhiệm và thần bí hơn. Do đó, nhiều người muốn tìm cách để lý giải hiện tượng phi thường này. Tuy nhiên, dù có lý giải theo khía cạnh nào đi nữa, với nhiều người, "trái tim bất tử" là một biểu tượng rất thiêng liêng.
Thực hư về "trái tim bất tử"
Một số tư liệu và nhân chứng kể về sự kiện tự thiêu của hoà thượng Thích Quảng Đức, trong đó có hoà thượng Thích Đức Nghiệp cho rằng: "Sau đám hoả táng thi hài của hoà thượng Thích Quảng Đức tại An dưỡng địa (Phú Lâm - TP.HCM) có một hiện tượng phi thường, đó là trái tim của vị hoà thượng này đốt không cháy, tồn tại như một hình thể Bông Sen".
Nhiều thông tin còn khẳng định thêm, thi thể của ngài Quảng Đức được đưa vào hoả thiêu, nhiệt độ trong lò trên 1000 độ C nhưng đến 3 lần, trái tim vẫn không thể cháy. Trước hiện tượng kỳ lạ này, những người lãnh đạo phong trào Phật giáo thời bấy giờ đã quyết định đưa "trái tim xá lợi" này về đặt trên một cốc rượu lễ bằng thủy tinh tại chùa Xá Lợi (quận 3 - TP.HCM) để cho phật tử được đến chiêm bái.
Hình ảnh “trái tim bất tử” (nguồn Internet).
Thông tin này nhanh chóng lan truyền trong giới phật tử Sài Gòn lúc bấy giờ, nhiều người đã xem đây là một điều thiêng liêng, một biểu tượng của lòng trắc ẩn. Cũng chính vì hiện tượng phi thường này, phật tử lúc đó đã suy tôn hoà thượng Thích Quảng Đức là Bồ tát. Nhiều khẳng định của một số nhân chứng cho rằng "trái tim xá lợi" là có thật nên nhiều người cố tìm cách lý giải về hiện tượng phi thường này.
Trong đó, có người cho rằng, việc xuất hiện trái tim xá lợi không phải là hiện tượng ngẫu nhiên mà xuất phát từ một ý định có trước của hoà thượng Thích Quảng Đức. Cách lý giải này dựa vào thông tin trước khi tự thiêu, hoà thượng Thích Quảng Đức nói rằng, sau khi chết sẽ để lại cái gì đó cho đời. Những người chứng kiến không hiểu nhưng đến khi có hiện tượng trái tim đốt không thể cháy tất cả mới ngộ ra được ẩn ý trong lời nói của vị hoà thượng này.
"Trái tim bất tử" hiện ở đâu?
Trước thông tin về "trái tim bất tử" là có thật, nhưng vì không có điều kiện được chiêm bái nên hiện tượng kỳ lạ này càng ngày trở nên thần bí hơn đối với số đông phật tử. Thậm chí, có thông tin cho rằng, nó đã bị đánh cắp.
Bởi theo tư liệu, việc trái tim của hoà thượng Thích Quảng Đức đốt không cháy, nhanh chóng lan nhanh trong giới phật tử ở Sài Gòn bấy giờ gây một hiệu ứng lớn, làm cho cuộc đấu tranh của phật tử và nhân dân phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm thêm sục sôi. Nhận thấy sự nguy hiểm từ phong trào Phật giáo lúc bấy giờ, chính quyền gia đình trị của anh em họ Ngô đã cử một lực lượng đặc biệt thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa tổ chức tấn công vào chùa Xá Lợi để tìm cách cướp bằng được bình đựng tro cốt của hoà thượng Thích Quảng Đức và "trái tim bất tử" của ngài để lại.
Cuộc tấn công được ghi nhận diễn ra vào ngày 20/8/1963. Trong cuộc tấn công đó, lực lượng này đã bắt tất cả tăng ni trong chùa và đánh cắp tro cốt cùng "trái tim xá lợi". Nhưng cũng có thông tin cho rằng, trái tim bị "mất cắp" đó là trái tim giả, bởi theo một số nhân chứng kể lại, có hai nhà sư đã kịp trốn thoát trước đó theo lối sau của chùa và mang di cốt của vị hoà thượng này bỏ trốn. Tuy nhiên, từ sự kiện tấn công để cướp "trái tim xá lợi" của hoà thượng Thích Quảng Đức, đến nay, nhiều người không còn được tận mắt chứng kiến trái tim này nữa.
Mới đây, giới phật tử vui mừng vì có thông tin, "trái tim bất tử" hiện đang được bảo quản tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh phía Nam. Theo thông tin chúng tôi có được, trước đây do sợ bị đánh cắp và để bảo vệ trước sự tấn công của chính quyền Nguỵ quyền thời bấy giờ, những vị đứng đầu giáo hội Phật giáo miền Nam lúc đó đã quyết định gửi trái tim xá lợi cùng di cốt của ngài vào ngân hàng Pháp tại Sài Gòn. Sau khi đất nước thống nhất, trái tim đó được bí mật bảo vệ và đến năm 1991 được đưa vào bảo quản trong Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh phía Nam.
Được biết, văn bản bàn giao được ký gửi vào 11 giờ trưa ngày 26/4/1991. Hoà thượng Thích Giác Toàn, một nhân chứng trong sự kiện này nhớ lại: "Tại buổi lễ bàn giao lúc đó phía ngân hàng và các cơ quan liên quan có ông Trịnh Thanh Tùng, Vụ phó vụ Phát hành kho quỹ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hồng, thủ quỹ Ngân hàng Nhà nước; ông Nguyễn Văn Ngọc, Vụ phó vụ Tôn giáo Chính phủ; ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Bảo tàng Cách mạng TP.HCM; ông Bùi Văn Hàn, thuộc bộ Nội vụ; ông Đỗ Quốc Dân, Phó ban Tôn giáo TP.HCM. Do tính chất đặc biệt quan trọng và giá trị thiêng liêng của "trái tim bất diệt" của hoà thượng Thích Quảng Đức nên nghi thức ký nhận và bàn giao được tiến hành một cách nghiêm cẩn".
Theo mô tả của những người từng chứng kiến (thông tin chưa được kiểm chứng), thì "trái tim bất tử" của hoà thượng Thích Quảng Đức được đựng trong một chiếc tháp bằng đồng, cao chừng gần nửa thước, còn nguyên niêm phong có chữ ký và khuôn dấu của Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết và hoà thượng Thích Từ Nhơn (hai vị cao tăng lãnh đạo phong trào Phật giáo miền Nam năm 1963).
Ngôi chùa Xá Lợi, nơi được cho rằng đã từng để “trái tim bất tử” của hoà thượng Thích Quảng Đức.
Bước đầu nhận định về "trái tim bất tử"
Dùng lửa Tam Muội để đốt cháy trái tim mình !? Nằm trong xu hướng thừa nhận trái tim của hoà thượng Thích Quảng Đức đốt không cháy là có thật, một ý kiến đưa ra cho rằng: “Sở dĩ có hiện tượng đó là vì trong khi thầy Quảng Đức ngồi thiền để tự thiêu thì thầy đã dùng lửa Tam Muội, một thứ nội hỏa đốt đi trái tim của mình, khiến trái tim đã hóa thạch mà lửa thường không thể đốt cháy. Lửa Tam Muội đã khiến trái tim thầy Quảng Đức thành Kim Cang bất hoại". |
Trước nhiều cách lý giải khác nhau về "trái tim bất tử", cùng với việc đông đảo phật tử Việt Nam đa phần chưa được chiêm bái trái tim của hòa thượng Thích Quảng Đức để lại cho đời nên sinh ra hoài nghi hoặc lý giải màu nhiệm, PV báo ĐS&PL đã đến chùa Quán Sứ, Hà Nội (trụ sở của TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam) để mong có sự lý giải thoả đáng. Trong cuộc tiếp xúc đó, chúng tôi có điều kiện gặp gỡ với hoà thượng T.T.M.
Trong cuộc trò chuyện này, nhiều câu hỏi chúng tôi đặt ra liên quan đến xá lợi thiền sư nói chung và hiện tượng về "trái tim bất tử" của hoà thượng Thích Quảng Đức nói riêng. Vị hoà thượng đáng kính này cho rằng, khái niệm về "trái tim bất tử" nên phải hiểu theo nghĩa bóng. Bởi hành động tự thiêu của ngài Thích Quảng Đức có ý nghĩa rất lớn đối với sự tồn vong của Phật giáo miền Nam lúc đó.
Hoà thượng T.T.M cho rằng, việc "trái tim xá lợi" của hoà thượng Thích Quảng Đức như thế nào không nắm rõ, nhưng ông phủ nhận trước nhận định hoà thượng Thích Quảng Đức đã dùng năng lượng của mình để đốt cháy trái tim, khiến trái tim đó hoá thạch nên lửa bình thường không thể thiêu cháy được. Theo hoà thượng T.T.M, không riêng gì hòa thượng Thích Quảng Đức, trong phong trào Phật giáo Việt Nam lúc bấy giờ mà còn nhiều hòa thượng khác tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm.
Liên quan đến hành động tự thiêu của hoà thượng Thích Quảng Đức, nhiều người không thể lý giải nổi tại sao vị Hoà thượng này lại bình thản ngồi toạ thiền mặc cho thân thể mình đang bốc cháy, hoà thượng M. cho rằng: "Việc tự thiêu rất đơn giản với những người có niềm tin cao độ. Bình thường, bây giờ mình bảo thiêu thì ai dám thiêu? Chỉ khi niềm tin ở mức cao độ, con người sẽ làm được những việc phi thường. Cũng giống như việc ông cha ta đi làm cách mạng vậy. Người làm cách mạng phải có niềm tin lớn vào chiến thắng, niềm tin vào cách mạng thì mới có khả năng chịu được những tra tấn dã man của kẻ thù và đưa cuộc chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn".
Nên hiểu "trái tim bất tử" theo nghĩa bóng "Việc tự thiêu của hoà thượng Thích Quảng Đức chỉ đơn thuần là phản đối việc kỳ thị tôn giáo và đấu tranh cho tự do tôn giáo. Tuy nhiên, xung quanh sự việc này có nhiều nguồn tin mang tính chất dựng chuyện, đồn thổi. Thế hệ trẻ nên hiểu "trái tim bất tử" theo nghĩa bóng là một biểu tượng thiêng liêng cho tinh thần đấu tranh đòi bình đẳng và công lý"á. |
Dương Thu - Trinh Phúc