Nạn nhân là hai chị em ruột Chiếng K.L. (SN 1990) và Chiếng K.H. (SN 1993). Các em đều phải mang bầu và đã sinh con. Kẻ đốn mạt không ai khác chính là người cha dượng.
Thuở con gái N. xinh lắm, bao chàng trai cặp kè theo đuổi, nhưng cuối cùng cô cũng đành phải ngậm ngùi sang sông, sau sự tác hợp ép buộc của gia đình. Chồng N. là gã vũ phu, tối ngày phải nếm những trận đòn thừa sống thiếu chết, không thể chịu đựng hơn, N. đành trốn đi. Song cũng từ đêm dứt bước ấy, chính N. cũng không biết rằng đó là bước chân đầu tiên của những tháng ngày đau khổ hơn ngàn lần...
Đường đến ngôi nhà bất hạnh
Nếu như nói Bù Đăng là một huyện vùng sâu, nơi có nhiều bản làng khó khăn nhất của tỉnh Bình Phước, thì nhà của những nạn nhân trong vụ án chấn động trên thuộc diện "đặc biệt" của huyện. Đó là một nơi khuất sâu bên bìa rừng của vườn quốc gia Bù Gia Mập, chốn "thâm sơn cùng cốc" mà ít người có thể "mò tới".
Phải rất vất vả qua nhiều nguồn tin chúng tôi mới xác định được địa chỉ mang tính tương đối của gia đình trên. Đó là một vùng đất thuộc xã Đắc Nhau, nơi giáp ranh với địa phận tỉnh Đắc Nông, một vùng chỉ có đồi cao, núi thẳm và khe suối hiểm trở.
Bà N. không bao giờ quên những tháng ngày sống cảnh ngục tù với tên Võ Minh Tiếng.
Từ thị xã Đồng Xoài ngược QL.14 vào thôn Sóc Bom Bo của xã Minh Hưng (huyện Bù Đăng), phải đi thêm 50km đường rừng nữa. Đường vào Đắc Nhau khó như lên trời, bụi đất lấp đến mắt cá chân. Đây là con lộ duy nhất vào xã vùng sâu Đắc Nhau, trời nắng thì đỡ, còn lúc mưa thì Đắc Nhau tuyệt đối bị cô lập.
Vậy nên, rất ít người vào Đắc Nhau và ngược lại. Phần vì ngại đường sá xa xôi, lại khó đi, phần vì chẳng ai vào chốn rừng núi thâm u ấy để làm gì. Trong đó chỉ có những người làm thuê, làm mướn, cắm chòi ở để trông rẫy, họa hoằn lúc thiếu ăn thì người trong xã mới trở ra chợ Đắc Nhau mua gạo mà thôi.
Cầm trên tay mấy dòng chữ ghi địa chỉ, chúng tôi theo con đường mòn, qua hàng trăm lượt hỏi địa chỉ, chiếc xe hết leo lên đồi cao lại lao xuống dốc thẳm, rồi rẽ vào sâu trong rừng, cuối cùng cũng đến được nhà của hai nạn nhân, vừa lúc mặt trời khuất sau rặng đồi. Căn chòi của mấy con người bất hạnh mái lợp bạt, vách thưng bằng ván cũ, nằm hút sâu trong rẫy mỳ.
Trước nhà có con đường hình rắn bò cắt ngang, nhưng năm thì bảy họa mới có một vài người đi qua, ghé vào xin uống nước. Tuyệt nhiên không có gia đình nào để làm hàng xóm, duy chỉ có căn lán của công ty trồng cây cách đó một quãng, nhưng hình như không có người. Giữa chốn mênh mông u tịch, chỉ có đồi, cây rừng và những tiếng muông thú. Ánh điện máy nổ le lói, chìm nghỉm vào trong bóng đêm, mọi liên lạc của gia đình "đặc biệt" này gần như bị cắt đứt với thế giới bên ngoài.
Chúng tôi đến cũng là lúc bà Lưu Thị T.N. (SN 1965, vợ của đối tượng Võ Minh Tiếng và là mẹ ruột của hai nạn nhân Chiếng K.L. và Chiếng K.H.) vừa đi rẫy về cùng mấy đứa con nhỏ, tất cả mồ hôi thấm ướt, người bê bết đất đỏ.
Bà không ngạc nhiên, khi có "người lạ" như chúng tôi tìm đến. Bởi như bà nói thì "người mang theo giấy bút ngoài công an vào điều tra vụ án liên quan đến con và chồng bà thì chẳng ai vào nơi khỉ ho cò gáy này làm gì". Khi biết chúng tôi là nhà báo đi tìm sự thực của câu chuyện đau lòng, bà như có nơi dốc hết những tủi hận mà mình và các con phải gánh bấy lâu.
Chỉ có điều mỗi khi nhắc lại quá khứ, bà N. lại khóc rấm rứt, đôi mắt bao giờ cũng đỏ hoe, thâm quầng. Bà khóc cho số phận mình, nhưng trong những giọt nước mắt mặn chát trên đôi gò má cao ấy có gì đó là ân hận vì lỡ "nuôi ong tay áo, rước cáo về chuồng".
Hai đứa con gái của bà đã bị chính gã đàn ông mà mình rước về làm chồng những mong các con có bố đã đang tâm hãm hại. Đến nỗi chúng phải sinh con, không những một mà là hai đứa. Khi con của đứa lớn vừa biết bò thì người em kế tiếp cũng đến kỳ thai nghén.
Bà N. thêm một lần chết đứng khi biết người hãm hại "con bé Tư" (K.H.) không ai khác là chồng mình. Thế rồi đứa bé lại ra đời trong sự tủi nhục đong đầy nước mắt, sự dị nghị của người đời và trong sự ngả ngớn của tên yêu râu xanh đốn mạt.
Ngôi nhà của bà N. biệt lập giữa rừng Bù Đăng.
Tự sự đắng chát của kiếp bạc phận
Bà N. bảo, trước khi đến với hắn (Võ Minh Tiếng), bà đã từng "sẩy 3 lần đò". 6 người con đủ trai lẫn gái, người lớn nhất đã ngoài 30, đứa út chỉ vừa 7 tuổi, nhưng mỗi đứa một cha. Và, như chính bà nói, nếu như 3 lần không bị sẩy thai (1 lần do bị Tiếng ép phá, 2 lần do làm việc nặng - chúng tôi sẽ nói kỹ ở kỳ sau), thì giờ đây bà đã có thêm 3 đứa con mang họ Võ của gã chồng vô nhân tính.
Không có con với tên "đội lốt người mang hồn quỷ", bà thấy đó là một điều hết sức may mắn. Bởi những gì đang hiển hiện trước mắt, mỗi khi mở mắt nhìn, ruột gan bà đã như quặn thắt, chứ chưa nói mẹ con cùng có "chung một chồng". Câu chuyện giữa tôi và người phụ nữ bạc phận ấy cứ trôi đi trong nặng nề, có gì đó thật đắng chát và cay nghiệt.
Nguyên gốc miền Tây sông nước, số phận đưa đẩy, bước chân phải phiêu bạt ngược lên vùng cao, đồi núi hoang vu. Cuộc đời của Lưu Thị Thanh N. không êm đềm như cái tên kiều diễm và mĩ miều ấy. Sinh ra ở một làng quê nước trũng ở vùng Đức Hòa- Đức Huệ (tỉnh Long An), gia đình nghèo khó, N. không được đi học, thuở nhỏ phải làm lụng đủ nghề.
Lúc 19 tuổi cùng cha mẹ lên Bình Long (tỉnh Bình Phước) theo diện kinh tế mới, không lâu sau mẹ qua đời, cha có vợ bé, bị hắt hủi N. đành phải quay về quê ngoại. Rồi N. bị ép lấy một người mà cô không hề thương yêu, sinh được đứa con trai thì người chồng này giở thói vũ phu, đánh đập thậm tệ.
Không chịu nổi, vào một đêm giông gió, cô lén lút ôm bụng bầu bỏ đi, không một lời giã từ. Bước chân người đàn bà âm thầm phiêu dạt ngược lại Bình Long, tại đây cô làm mướn đủ thứ nghề để có tiền chuẩn bị cho ngày sinh nở, rồi đứa con cũng ra đời trong nỗi tủi hờn.
Một mình lặn lội nuôi con, cô làm bất cứ thứ gì miễn là người ta thuê mướn để có cái ăn cho hai mẹ con. Cũng chính tháng ngày bươn chải mưu sinh, trái tim người phụ nữ lỡ làng lại loạn nhịp với một người đàn ông người Việt gốc Hoa cùng cảnh ngộ.
Chung sống với nhau 10 năm, 3 đứa con lần lượt ra đời, 1 trai 2 gái, trong đó có K.L. và K.H.. Thế nhưng mẹ chồng độc ác, cho vợ chồng bà được đám rẫy đầy cỏ cây hoang dại, vợ chồng quần quật cày xới đến ngày vuông vắn thì bà ta trở chứng.
Mụ xúi con trai rằng: "Mày nên bỏ quách con vợ mày đi, bán đám rẫy được mấy cây vàng, đuổi nó đi, nó còn "lời" được 4 đứa con chứ chẳng thiệt đi đâu". Không lâu sau, N. bị gã chồng xua đuổi ra khỏi nhà, 4 mẹ con tay trắng lại dắt díu nhau từ Bình Long ngược lên vùng Bù Đăng, vào những đám rẫy để làmthuê, làm mướn, tránh những ngày đói ăn sắp tới.
Một mình cắp nách 4 đứa con nhỏ, người phụ nữ làm không kể ngày đêm, chỉ mong các con mình không bị chết đói. Năm tháng qua đi, những đứa con nhỏ cứ theo mẹ dạt từ đám rẫy này sang đám rẫy khác. Xới cỏ cà phê, bóc hạt điều, đi nhổ gốc khoai mì, cuốc đất, phát rẫy..., N. cùng các con phải làm. Những đứa trẻ vì thế cũng không một ngày được đến trường, chẳng đứa nào tỏ được chữ o, a tròn méo.
Một thân vất vả nuôi con, thương 4 đứa trẻ không cha, rồi chị gặp và quyết định đi bước nữa với một người đàn ông sống không hôn thú. Dù người này cũng rượu chè, vũ phu nhưng chị vẫn cắn răng chịu đựng.
Có thêm được hai đứa con trai thì trong một lần say rượu, ông ta bị tai nạn chết. 6 đứa con, 3 đời chồng, hạnh phúc đều đứt quãng, người phụ nữ ấy như mất niềm tin vào cuộc đời. Một mình cất chòi trong rừng sâu, sống như chạy trốn số phận.
Chính những tháng ngày chán chường ấy, N. gặp Võ Minh Tiếng, một gã đàn ông có bề dày tình trường, sống kiếp lang bạt. Những lời đường mật của hắn đã làm trái tim người phụ nữ từ chai sạn thêm một lần thổn thức. N. ngã gục vào lòng hắn khi nào không hay. Từ đó cũng bắt đầu chuỗi ngày bĩ cực, sống cảnh ngục tù. Chị cùng hai người con gái phải làm nô lệ tình dục cho tên quỷ râu xanh đội lốt người...
Kỳ Anh
Kỳ 2: Cuộc sống địa ngục của 3 mẹ con phải làm "nô lệ tình dục" cho tên quỷ râu xanh