"Vi phạm nghiêm trọng Luật Giáo dục Việt nam"?

"Vi phạm nghiêm trọng Luật Giáo dục Việt nam"?

Thứ 5, 27/12/2012 23:46

"Rõ ràng Nghị định 54/2011/NĐCP ban hành ngày 4/7/2011 lại lạc hậu hơn quyết định 309/CP ngày 9/12/1988. Liệu người làm chính sách không nắm được Luật Giáo dục bổ sung năm 2009 và họ cũng không biết đã có quyết định 309/CP ngày 9/12/1988?", NGƯT. TS. Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ.

Dự thảo của Bộ GD&ĐT về chế độ phụ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu mới đưa ra chưa được bao lâu đã gặp rất nhiều sự phản đối trong dư luận. Báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với NGƯT. TS. Nguyễn Tùng Lâm, phó chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.

Xã hội - 'Vi phạm nghiêm trọng Luật Giáo dục Việt nam'?

NGƯT.TS Nguyễn Tùng Lâm.

Mới đây, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp trong lương hưu. Ông có ý kiến gì về bản dự thảo này?

Dự thảo quy định chế độ trợ cấp mới đây mà Bộ GD&ĐT công bố khiến nhiều giáo viên nghỉ hưu trong giai đoạn từ 1/1/1994 đến 1/5/2011 vô cùng bức xúc. Có 3 điểm cần thẳng thắn chỉ ra ở đây.

Thứ nhất, đây là một dự thảo vi phạm nghiêm trọng Luật Giáo dục Việt Nam. Thứ 2, dự thảo này tạo ra sự bất công giữa các nhà giáo trong một giai đoạn. Những người về hưu trước 1/1/1994 được hưởng, những người về hưu sau 1/5/2011 được hưởng tuy nhiên, những trường hợp về hưu trong giai đoạn đó lại chỉ được trợ cấp một lần với khoản tiền quá nhỏ. Thứ 3, các nhà giáo nghỉ hưu trong giai đoạn này đều là những nhà giáo đã có những cống hiến cho đất nước ở những giai đoạn khó khăn nhất. Họ là những người chịu nhiều thiệt thòi và hy sinh vì nền độc lập của nước nhà.

Sự bức xúc của các nhà giáo nói riêng và dư luận nói chung trong thời gian qua hầu hết là ở việc dự thảo đã có sự phân biệt đối xử với các nhà giáo đã về hưu. TS có đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Bộ GD&ĐT cần làm rõ tại sao những nhà giáo nghỉ hưu trong giai đoạn này lại không được hưởng phụ cấp thâm niên công tác như những nhà giáo nghỉ hưu trong giai đoạn trước và sau đó. Ai là nhà giáo cũng từng đứng lớp, từng giảng dạy, từng nhọc nhằn với phấn trắng bảng đen để giáo dục các thế hệ trưởng thành. Dự thảo trên phân biệt đối xử như vậy là không được.

Hơn nữa, khoản trợ cấp một lần rất bèo bọt mà dự thảo đưa ra sẽ chạm đến lòng tự trọng của tất cả những người đang công tác và giảng dạy. Dù có hoàn cảnh nghèo đói đến đâu đi chăng nữa thì con người ta cũng không thể chết vì thiếu 2-3,5 triệu đồng. Số tiền đó hiện bây giờ không bằng một tháng trợ cấp của một người đương nhiệm hiện hưởng.

Những nhà giáo về hưu đã từng cống hiến và có thể hy sinh hạnh phúc cá nhân mình làm việc suốt nhiều năm qua. Họ sẽ không cần một sự bố thí thương hại như vậy. Nếu như dự thảo này vẫn bất chấp dư luận mà thực thi thì tôi tin rằng Hội Cựu Giáo chức Việt Nam sẽ kêu gọi những nhà giáo nghỉ hưu nhất quyết không nhận khoản tiền trợ cấp này.

Việc giải quyết chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo nghỉ hưu như dự thảo của Bộ GD&ĐT đưa ra gây nhiều tranh cãi khó hiểu đối với những người trực tiếp thụ hưởng. Ông có nghĩ rằng cần xem xét lại quá trình hoạch định chính sách của nước ta hiện nay?

Chúng ta phải nghiêm túc thấy rằng, tại sao các nhà giáo lại được Chính phủ giải quyết phụ cấp thâm niên như hiện nay? "Luật Giáo dục, sửa đổi bổ sung năm 2009, tại điều 81 đã quy định rõ: Nhà giáo được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ".

Do đó về mặt đạo lý và cả pháp lý, Luật Giáo dục 2009 đã quy định các nhà giáo nghỉ hưu bất cứ lúc nào Nhà nước cũng phải đảm bảo phụ cấp thâm niên cho họ. Vậy lý do vì sao mà những người làm chính sách lại tham mưu cho Chính phủ ký Nghị định 54-2011/NĐCP về phụ cấp thâm niên cho giáo viên lại không xét phụ cấp thất nghiệp cho các nhà giáo nghỉ hưu trước ngày 1/5/2011? Trong khi đó, quyết định của Chính phủ số 309/CP ngày 9/12/1988 lại cho tất cả giáo viên đã nghỉ hưu trước ngày ký cũng được hưởng và cả những nhà giáo ở miền Nam, dạy học sinh dưới chế độ cũ vẫn được hưởng phụ cấp thất nghiêp (Thông tư 08/TT-LĐTBXH hướng dẫn). Thời điểm đó, 6 vạn giáo viên nghỉ hưu đã được hưởng phụ cấp thất nghiệp.

Rõ ràng Nghị định 54/2011/NĐ-CP ban hành ngày 4/7/2011 lại lạc hậu hơn quyết định 309/CP ngày 9/12/1988. Liệu những người làm chính sách hiện nay không nắm được Luật Giáo dục bổ sung năm 2009 và họ cũng không biết đã có quyết định 309/CP ngày 9/12/1988?

Nhiều ý kiến cho rằng nên để các nhà giáo nghỉ hưu trong giai đoạn chưa được hưởng phụ cấp thâm niên được hưởng phụ cấp thâm niên bình thường chứ không phải chỉ là khoản trợ cấp một lần. Ý kiến của TS về vấn đề này như thế nào?

Tôi hoàn toàn đồng ý với việc đó. Chúng ta phải hiểu thâm niên mà Luật Giáo dục bổ sung năm 2009 tức là mỗi một thầy cô giáo đều được hưởng kể cả khi mình đang giảng dạy hay lúc đã về hưu. Bản chất của thâm niên là sẽ được hưởng cho đến khi giáo viên đó qua đời. Hai lần chúng ta đã từng có quyết định cho giáo viên được hưởng thâm niên thì các giáo viên đều được hưởng như thế. Vậy dự thảo mới để cho giáo viên nghỉ hưu chỉ được trợ cấp một lần thì rõ ràng là sai về cả đạo lý lẫn luật pháp.

Tôi cho rằng, dự thảo này thể hiện sự quan liêu, thiếu trách nhiệm của những người làm chính sách. Do đó, việc dự thảo vấp phải làn sóng phản đối của dư luận là đương nhiên. Thiết nghĩ, những người làm chính sách là những người giúp Chính phủ tạo ra sự hợp lý công bằng trong xã hội, phát triển đất nước thì nay họ lại đưa ra một dự thảo làm đau quặn lòng dân như thế.

Thu Triều


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.