Theo Foxnews, khi từ chức Ngoại trưởng Mỹ năm 2013, bà Hillary Clinton đã đàm phán để bà và 6 trợ lý tiếp tục được nhận những tài liệu tuyệt mật của quốc gia. Lý do để bà Clinton đưa ra đề nghị này là nhằm “hỗ trợ nghiên cứu”, theo Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ bang Iowa Chuck Grassley, R-lowa, người từng cho rằng bà Clinton rất bất cẩn với thông tin mật.
Theo nguồn tin, các phụ tá của bà Clinton vẫn duy trì quyền truy cập vào tài liệu mật, ngay cả khi bà Clinton ra tranh cử Tổng thống năm 2015.
Thượng nghị sĩ Grassley cho biết những trợ lý của bà Clinton có quyền truy cập thông tin dưới lý do làm việc với hồi ký của bà. Tuy nhiên, Grassley nhận xét rằng cơ hội điều tra sự việc chỉ có thể thực hiện khi ê-kíp của ông Barack Obama rời khỏi Nhà Trắng.
"Tôi đã nhiều lần chất vấn Bộ Ngoại giao Mỹ về việc đã đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép của cựu Ngoại trưởng Clinton và các trợ lý của bà ấy hay chưa, nhưng chính quyền Obama từ chối trả lời câu hỏi của tôi", Thượng nghị sĩ Grassley viết trong thư gửi Ngoại trưởng Rex Tillerson hôm 30/3.
"Gần đây, bộ Ngoại giao đã thông báo rằng 6 phụ tá của cựu Ngoại trưởng Clinton đã được bổ nhiệm làm trợ lý nghiên cứu và được phép giữ giấy phép sau khi rời khỏi Bộ”, ông Grassley cho biết thêm.
Bộ Ngoại giao Mỹ hiện chưa trả lời câu hỏi của hãng tin Fox News về việc liệu bà Clinton, hoặc nhân viên của bà thực sự có quyền truy cập cơ quan lưu trữ và hệ thống thông tin mật hay không.
Bà Clinton hiện vẫn chưa đưa ra bình luận.
Ông Grassley, người đứng đầu Ủy ban Tư pháp Thượng viện hôm 30/3 phát động cuộc điều tra về vấn đề này. Ông cũng bày tỏ những lo ngại trước thông tin hôm 5/7/2016 của James Comey, Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ khi đó rằng FBI đã phát hiện bà Clinton và đội ngũ nhân viên "cực kỳ bất cẩn trong việc xử lý thông tin tối mật, nhạy cảm”.
Ông Grassley cũng nói rằng ông "có bằng chứng về những vi phạm có thể xảy ra với các quy định liên quan đến việc xử lý thông tin mật ... ".
Trong quá trình điều tra của FBI về việc bà Clinton sử dụng máy tính cá nhân cũng như xử lý các thông tin thuộc dạng tuyệt mật, ông Comey thừa nhận có 7 loạt email trên máy tính của bà Clinton được phân loại là "Mức độ tuyệt mật đặc biệt".
Khoảng 2.000 email được đánh giá là chứa thông tin mật cho tới tận bây giờ nhưng lại không được bà Clinton đánh dấu mật khi gửi đi. Đặc biệt, có tới 22 thư thuộc dạng gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia đã được gửi đi.
Ông Grassley đang chờ đợi câu trả lời từ Ngoại trưởng Mỹ Tillerson về vấn đề liệu có nên điều tra hoặc xử phạt bà Clinton cùng 6 nhân viên của bà vì xử lý sai quy trình dùng thư mật hay không.
"Chưa rõ bộ Ngoại giao đã áp dụng biện pháp trừng phạt hành chính nào", ông Grassley cho biết.
"Nhân viên làm việc cho chính phủ một khi vi phạm nghiêm trọng như vậy, ít nhất cũng phải bị đình chỉ hoạt động trong thời gian chờ điều tra. Nếu không làm vậy sẽ khiến dư luận cảm giác rằng bà Clinton và các cộng sự được ưu đãi”, ông Grassley cho biết.
Theo lời ông này, cựu Ngoại trưởng John Kerry đã phớt lờ nhiều lần yêu cầu của ông về vấn đề này vào năm 2015 và năm 2016.
Chưa đến mức phải truy tố?
Ông James Comey hồi cuối năm 2016 từng khuyến nghị không nên truy tố bà Clinton vì hành động sử dụng email cá nhân cho việc công khi bà còn giữ chức Ngoại trưởng.
Ông Comey cung cấp thông tin khá cụ thể về quá trình FBI điều tra máy chủ email bà Clinton sử dụng, cũng như đưa ra một số lời khuyên dành cho bộ Tư pháp.
Dù không phát hiện "bằng chứng rõ ràng" cho thấy bà Clinton cố tình vi phạm những quy định liên quan đến thông tin bí mật nhưng ông Comey cho hay FBI vẫn có chứng cứ về việc cựu Ngoại trưởng Mỹ cùng đội ngũ của mình đã " thiếu thận trọng trong việc xử lý các thông tin nhạy cảm, bí mật".
Giám đốc FBI nhấn mạnh hành động sử dụng một hệ thống email chưa kiểm duyệt để xử lý thông tin mật là "đặc biệt đáng lo ngại" vì hệ thống kiểu này không được bảo vệ 24/7 bởi các chuyên gia có kinh nghiệm như những người đang bảo vệ các hệ thống máy chủ chính thức của chính quyền.
Tuy nhiên, theo ông Comey, cuộc điều tra đã cung cấp đủ dữ liệu để khiến FBI tin rằng bà Clinton "không cố ý thực hiện hành vi sai trái" khi dùng email cá nhân cho việc công trong thời gian làm Ngoại trưởng.
Ngoài ra, FBI cũng không phát hiện chứng cứ trực tiếp nào cho thấy máy chủ email cá nhân của bà Clinton bị tin tặc tấn công.
Ông Comey cho biết quyết định truy tố áp dụng trong các trường hợp tương tự trước đây được đưa ra dựa trên ba yếu tố: mức độ cố ý xử lý sai thông tin bí mật, lượng thông tin mật bị tiết lộ bởi hành vi sai trái có chủ đích và "dấu hiệu thể hiện sự không trung thực đối với quốc gia hay các nỗ lực cản trở việc thực thi công lý".
Nhưng những yếu tố kể trên không xuất hiện trong vụ việc của bà Clinton nên FBI khuyến nghị không nên truy tố cựu Ngoại trưởng Mỹ. Ông Comey chỉ ra rằng hành động sử dụng email cá nhân cho việc công của bà Clinton vẫn có khả năng gây ra những hậu quả "về an ninh và hành chính" nhưng nhỏ nhặt và đó không phải trọng tâm của cuộc điều tra.
Xem thêm >> Mối lo lợi ích bị xung đột khi con gái TT làm việc tại Nhà Trắng
Đào Vũ