Trong ngày lễ ăn hỏi, nhà trai mang lễ vật tới nhà gái gồm: Trầu cau, bánh cốm, mứt sen, rượu, chè, thuốc lá, bánh phu thê (bánh xu xê), bánh đậu xanh, lợn sữa quay, tiền dẫn cưới...
Các lễ vật như bánh cốm, bánh phu thê, hay bánh giầy thường được các gia đình xưa chuẩn bị thành từng cặp.
Được biết, trong ý nghĩa từ xưa cặp bánh chưng – bánh giầy tượng trưng cho sự gắn kết hòa hợp đất trời, bánh giầy thường sử dụng trong mâm lễ cưới hỏi mang ý nghĩa âm dương hòa hợp, hạnh phúc cùng đất trời.
Lễ ăn hỏi với ý nghĩa song hỷ nên những gia đình xưa thường dùng bánh theo cặp nghĩa là gồm hai thứ bánh tượng trưng cho âm dương. Những cặp bánh thường dùng trong lễ ăn hỏi là bánh phu thê và bánh cốm – bánh phu thê tượng trưng cho Dương, bánh cốm tượng trưng cho Âm.
Hoặc sử dụng bánh chưng và bánh giầy – bánh chưng vuông là Âm, bánh giầy tròn là Dương. Thường thường cùng kèm với bánh chưng và bánh giầy thường có quả nem. Bánh dùng trong lễ ăn hỏi đều được đựng trong hộp giấy màu đỏ hoặc bọc trong giấy đỏ chỉ sự vui mừng. Nhằm chúc cho cặp uyên ương được hạnh phúc.
Các cặp bánh mặn ngọt trên kết hợp lại thường được cha ông gọi với tên gọi là cặp bánh âm dương nhằm thể hiện cho tấm lòng trong trắng sắt son của người phụ nữ với sự mạnh mẽ của người đàn ông.
Trong phong tục cưới hỏi của người Vân Kiều ở Quảng Trị, đến dự đám cưới, khách thường tặng những chiếc bánh giầy và vải váy xấn để chúc mừng hạnh phúc cho đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc, bền lâu.
Thanh Lam (T/h)