Điều này không thể có được ngày một ngày hai mà phải là một quá trình giáo dục dài lâu để trở thành văn hóa ứng xử với cộng đồng
Nhật Bản và những cách giáo dục “điên rồ”
Còn nhớ, vào những năm 80 của thế kỷ XX, cùng với việc nghiên cứu phát triển kinh tế và chính trị, giáo dục đã trở thành điểm nóng không thể bỏ qua ở đất nước mặt trời mọc. Cũng từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ở khắp nơi trên đất nước Nhật Bản, người ta đua nhau bàn tới một vấn đề - đó là "đầu tư giáo dục". Và hãy xem, các bậc phụ huynh Nhật Bản đã giáo dục con cái họ như thế nào?
Trẻ em Nhật phải tập luyện như thế này trong thời tiết giá lạnh
Sau thế chiến thứ hai, để xây dựng đất nước từ một đống đổ nát của kẻ “bại trận”, Nhật đã tăng cường "đầu tư giáo dục" để gây dựng các thế hệ tương lai làm việc có quy tắc và không bao giờ chịu đầu hàng trước khó khăn. Ngay từ những tháng ngày đó, để có được những con người kiên cường với tính kỷ luật phi thường và có văn hóa ứng xử tốt với cộng đồng, nhà trường cùng với các bậc cha mẹ Nhật đã giáo dục con cái mình bằng những phương pháp “không giống ai”.
Những đứa bé Nhật ngay từ thơ bé đã được rèn luyện tính chịu đựng trước khó khăn và phải tự lập chủ động trong mọi biến cố có thể xảy ra. Tính tự lực và tự giác luôn được những ông bố bà mẹ Nhật Bản đưa vào phương pháp giáo dục con cái của mình. Đối với một số người nước ngoài, đặc biệt đến từ các nước Châu Á, việc bắt trẻ em mẫu giáo cởi trần chạy bộ trong giá rét của người Nhật là một việc làm “điên rồ”. Tuy nhiên, ngay từ nhỏ, trẻ em Nhật đã phải rèn luyện để đối phó với sự khắc nghiệt của thời tiết như vậy. Ở đất nước này, trẻ con luôn phải cởi trần và mặc quần soóc vào mùa đông, lạnh không hề hấn gì với chúng. Quan điểm của bậc phụ huynh là: “Lý do chúng tôi đưa bọn trẻ tới trường mầm non là để chúng ốm. Phải cho trẻ con hiểu thế nào là gian khổ!”.Cũng chính vì việc luyện tập thể dục thường xuyên kể cả trong giá rét cực độ, nên ở Nhật rất ít trẻ em mắc bệnh về đường hô hấp như sổ mũi, viêm họng... do thay đổi thời tiết.
Đối với các bậc phu huynh Nhật Bản, ngay từ khi trẻ em từ 2-3 tuổi đã phải bước vào giai đoạn tự lập. Một trong những cách thức này như sau: “Trẻ 2 tuổi muốn hoạt động, luôn luôn có nhu cầu vận động chân tay, cơ thể. Nếu đè nén ý muốn này trẻ em sẽ bị ức chế. Còn nếu biết phát huy ý muốn này, trẻ sẽ trở thành người có khả năng vận động rất tốt. Vì vậy hãy để trẻ đi bộ thật tốt khi được 2 tuổi. Đi bộ coi như bài rèn luyện hàng ngày, cũng là cách để trẻ có đầu óc thông minh hơn. Tuy nhiên, nếu chỉ đi bộ trên đường bằng phẳng thì chưa hoàn hảo. Phải cho trẻ đi cả đường dốc, gập ghềnh, cầu một thanh, treo bậc thang lên xuống, trẻo bậc, nhảy bậc…”
Ngay từ những năm ở trường mầm non, trẻ em Nhật Bản đã bắt đầu học tập phong cách sống tập thể, biết tôn trọng kỷ luật và pháp luật. Các em tự bầu ra lớp trưởng, thường là em sinh sớm nhất. Cô giáo chỉ thị cho lớp trưởng, rồi lớp trưởng điều hành các công tác chung. Ví dụ khi đi công viên chơi chung, mặc dù có cô giáo đi kèm, lớp trưởng vẫn cầm cờ giao thông dẫn đầu, rồi các em xếp hàng hai đi theo. Tới ngã tư khi phải sang đường, lớp trưởng sẽ chờ tín hiệu đèn xanh rồi mới ra lệnh cho các em sang đường. Gặp đèn đỏ thì dù không có xe cộ giao thông, các em cũng ngừng lại chờ. Nhờ được tập luyện từ thời thơ ấu như vậy, hầu hết người Nhật đều triệt để tuân thủ luật giao thong và làm việc một cách vô cùng “trật tự”.
Cũng trong phương pháp đào tạo đặc biệt này, thay vì chỉ ‘cắm đầu vào học” như trẻ em các quốc gia khác, ngay từ nhỏ trẻ con của Nhật đã phải làm việc nhà, nấu ăn và đi chợ… “Phải tập cho trẻ em làm được mọi việc khi còn nhỏ, tính tự giác và tự chủ là yếu tố cần thiết của một con người trong xã hội hiện đại”- Các giáo viên ở Nhật thường dặn dò phụ huỵnh như vậy.
Ngay từ những năm ở trường mầm non, trẻ em Nhật Bản đã bắt đầu học tập phong cách sống tập thể, biết tôn trọng kỷ luật và pháp luật. Việc tham gia các CLB ngay từ hồi mầm non đã giúp người Nhật làm việc có hiệu quả cao hơn vì họ đã quen đặt quyền lợi của tập thể lên trên quyền lợi riêng tư, sẵn sàng hợp tác với đồng liêu, y như họ đã hợp tác với đồng đội trong sinh hoạt CLB xưa kia. Và tinh thần đồng đội này đã được hun đúc ngay từ bé và từ những việc nhỏ nhặt nhất.
Nâng cao tầm vóc dân tộc
Cũng hơn nửa thế kỷ trước, người Nhật vẫn được xếp vào danh sách ‘dân tộc lùn” của thế giới. Trong thế chiến thứ hai, hình ảnh những tên lính Nhật lùn tì, đeo kính, đầu cắt cua, đội mũ vải kín mít, với cái kiếm dài lòng thòng hơn cả người vẫn còn ám ảnh nhiều người dân toàn vùng Châu Á. Tuy nhiên, trong nửa thế kỷ, mọi việc đã “đổi chiều”.
Cũng thuộc một trong những tiêu chí “đầu tư cho giáo dục”, việc nâng cao tầm vóc để không phải “ngẩng lên” nhìn thế giới đã khiến cho thế hệ thanh niên sau này của Nhật cao hơn cha ông họ xấp xỉ 10cm. Để phát triển tầm vóc của cả dân tộc, ngay sau chiến tranh thế giới II, Chính phủ Nhật đã thiết lập hệ thống giám sát dinh dưỡng toàn quốc định kỳ hàng năm trên khắp cả nước. Từ đó, chính phủ hoạch định chính sách dinh dưỡng hiệu quả qua các chương trình nông nghiệp, bữa ăn học đường. Năm 1952, Nhật đã có Luật phát triển dinh dưỡng, bữa ăn trưa học đường giúp cải thiện mạnh tầm vóc dinh dưỡng của người Nhật.
Ngay sau chiến tranh, trong điều kiện sức khỏe cả cộng đồng bị “tàn phá” – Nhật đã triển khai ngay bữa ăn học đường, luật hóa việc nuôi dưỡng trẻ các cấp học và coi đó như một sự đầu tư tốt nhất cho nguồn nhân lực, bằng cách nuôi dưỡng những đứa trẻ đang học với mục tiêu: “nuôi dưỡng thể chất - nuôi dưỡng tinh thần”. Và kế hoạch “Một ly sữa làm mạnh một dân tộc” đã được ra đời.
Kế hoạch “Một ly sữa làm mạnh một dân tộc” đã bổ sung thêm một ly sữa vào bữa ăn trưa truyền thống tại trường cho mỗi học sinh Nhật Bản. Mặc dù sau thế chiến thứ hai, nền kinh tế Nhật lâm vào kiệt quệ nhưng kế hoạch cải thiện tầm vóc cho thế hệ tương lai vẫn được nước này đặc biệt quan tâm. Theo quy định được chính phủ Nhật đề ra khi đó, 12 giờ 20 phút là bắt đầu bữa ăn trưa cho toàn bộ học sinh tại tất cả các trường.Hiệu trưởng của bất kỳ trường học nào cũng phải ăn thử tất cả các món ăn trước học sinh. Đồng thời kiểm tra chất lượng món ăn sau đó mới quyết định đưa thức ăn đó vào trong phòng ăn để phục vụ học sinh. Đương nhiên trước đó, vệ sinh an toàn và quy cách chế biến đều được kiểm tra một cách chặt chẽ. Mặc dù sau chiến tranh, các món ăn dành cho học sinh tuy đạm bạc nhưng một thứ không thể thiếu, đó là một ly sữa dành cho một học sinh.
Không chỉ có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, việc yêu cầu học sinh tại các trường phải tham gia vào hoạt động thể chất cũng nằm trong kế hoạch “nâng cao tầm vóc” của chính phủ Nhật. Năm 1964, khi Nhật lần đầu tiên đăng cai thành công Olympic, chính phủ nước này đã “dựa” vào Thế vận hội để yêu cầu người dân nên tham gia hoạt động thể thao nằm nâng cao thể lực. Tại các trường học, ngoài việc học tập các môn học theo chương trình của bộ giáo dục Nhật, trẻ em được khuyến khích gia nhập một hoặc hai câu lạc bộ gồm các câu lạc bộ thể dục thể thao như bơi lội, bóng chày, bóng đá, thể dục thẩm mỹ, quyền Anh, Karate, Nhu đạo v.v…
Việc nâng cao tầm vóc của người Nhật so với thế giới đã đạt được hiệu quả đáng kinh ngạc khi vào những năm 80 của thế kỷ trước, chiều cao trung bình của thanh niên 18 tuổi của Nhật là 1, 71 m cho con trai và 1,58 m cho con gái, tăng hơn 10 cm so với thế hệ cha anh họ sau thế chiến thứ hai.
Hải Hiền