Vì sao nguồn thịt phẩm tươi sống ở Đà Nẵng bị thiếu hụt?

Vì sao nguồn thịt phẩm tươi sống ở Đà Nẵng bị thiếu hụt?

Lê Nhâm Thân

Lê Nhâm Thân

Thứ 7, 28/08/2021 10:55

Các mặt hàng tươi sống, đặc biệt là các loại thịt ở Đà Nẵng vẫn đang còn thiếu hụt. Nguyên nhân đến từ đâu và giải pháp như thế nào?

Thực phẩm tươi sống thiếu hụt

Ngày 28/8, Tp. Đà Nẵng tiếp tục triển khai quyết liệt công tác cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm đến với người dân. Hiện, một số ngôi chợ trên địa bàn như chợ Cồn, chợ Hòa Mỹ đã mở cửa, nhiều cơ sở tạp hóa lớn đang được cơ quan chức năng khảo sát để cho phép hoạt động trở lại.

Theo sở Công thương Tp. Đà Nẵng, hệ thống bán hàng truyền thống này hoạt động sẽ góp sức rất lớn cho hệ thống bán hàng hiện đại (siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi...).

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Người Đưa Tin, hiện, nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm cho các chợ, siêu thị vẫn đang còn thiết hụt. Đặc biệt là ở mặt hàng tươi sống như thịt heo, thịt bò... Tại siêu thị Co.op mart Đà Nẵng, các quầy bán thịt lợn, thịt bò hết hàng rất nhanh chỉ trong buổi sáng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các chợ như Hòa Mỹ, Hòa Khánh, Nam Ô...

Dân sinh - Vì sao nguồn thịt phẩm tươi sống ở Đà Nẵng bị thiếu hụt?

Lực lượng tổ Covid-19 cộng đồng đi chợ Hòa Mỹ từ rất sớm mới có thể mua được thịt heo. Mỗi chợ chỉ có khoảng 6 - 7 tiểu thương mở bán các mặt hàng như thịt, rau, cá. Chỉ trong ít giờ mặt hàng thịt hết nhãn.

Tại chợ Cồn, bà Nguyễn Thị Lan (tiểu thương) lượng thịt lấy về không đủ bán. Bà chỉ nhập được hơn 30 kg thịt bò và heo nên bán đến hơn 10h là hết sạch hàng. Nhiều sạp hàng khác cũng chung tình trạng như bà Lan.

Ông Bùi Văn Quốc, Trưởng ban Quản lý các chợ quận Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng cho biết, sau chỉ đạo của UBND quận và các ngành chức năng, đơn vị đã cho mở lại 3 ngôi chợ để đảm bảo nhu yếu phẩm cho các tổ Covid-19 cộng đồng. Tại các chợ mỗi mặt hàng như thịt, cá, rau, ban Quản lý chọn vài tiểu thương được phép bán. Ghi nhận trong buổi sáng 27/8 các mặt hàng thịt tươi sống tiểu thương bán hết rất nhanh.

Bà Lê Thị Hiền, Giám đốc Co.op mart Sơn Trà cũng cho hay, số lượng thực phẩm thịt tươi sống ngày 27/8 mà đơn vị nhập vào có cao hơn ngày trước, tuy nhiên vẫn không đủ để bán. 

Vì sao các chợ và siêu thị ở Tp. Đà Nẵng thiếu hụt nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống như vậy? Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, nguyên nhân chính dẫn đến từ việc lò mổ Đà Sơn vận hành chưa hết công suất.

Ông Phạm Tuấn Anh, giám đốc công ty Chế biến thực phẩm Đà Nẵng, đơn vị quản lý lò mổ Đà Sơn cho biết, lò mổ mở cửa trở lại từ ngày 25/8. Ngày thường, lò vận hành bởi hơn 500 người để sơ chế, đưa ra thị trường khoảng 60 con bò, 900 con lợn. Nhưng hiện tại, Đà Sơn chỉ có khoảng hơn 30 người làm việc với công suất tối đa ra hơn 300 con lợn và 20 con bò cung ứng ra thị trường.

Theo vị này, rõ ràng với số lượng sơ chế như vậy thì việc thiết hụt thực phẩm thịt trên thị trường là điều không thể tránh khỏi.

"Face new" khiến nhà cung ứng điêu đứng? 

Bên cạnh đó, một nguyên nhân nữa khiến nguồn thực phẩm tươi sống như thịt thiếu hụt ở các chợ, siêu thị đến từ nhà cung ứng. Theo thông tin Người Đưa Tin có được, trên địa bàn Tp. Đà Nẵng có nhiều nhà cung ứng lương thực, thực phẩm tươi sống lớn nhất nhì như Hai Thuyên, CP...

Nhà cung ứng Hai Thuyên là cái tên nổi bật nhất trong thời gian qua ở Đà Nẵng khi vừa có cả "tiếng vang" lẫn "tiếng tai". Hai Thuyên là đơn vị được "chọn mặt gửi vàng" khi được phép cung ứng thực phẩm đến các vùng cách ly y tế tại Tp. Đà Nẵng thời gian qua. Ngoài ra, họ cũng là nơi cung ứng thực phẩm đến các tổ dân phố cũng như được thiết lập 3 điểm bán hành lưu động tạo được tiếng vang tốt.

Đây là điều rất đáng ghi nhận, bởi thực tế, do dịch bệnh và lợi nhuận nhiều nhà cung cấp thực phẩm không mặn mà với công việc. Thêm nữa, thời gian qua lò mổ Đà Sơn đóng cửa, muốn có thịt tươi sống, nhà cung cấp phải vào tận tỉnh Quảng Nam lấy hàng. Từ đây chi phí leo thang, chưa kể rất nhiều khó khăn khác như vận chuyển, kiểm dịch, giấy tờ qua các chốt.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Người Đưa Tin, sau "tai tiếng" về việc cung cấp "thịt heo có mùi" ở phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, uy tín của nhà cung ứng Hai Thuyên đã bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, đáng buồn là uy tín nhà cung ứng bị ảnh hưởng không phải vì họ làm sai mà lại đến từ ... tin giả - "face new" trên mạng xã hội.

Cụ thể, ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm Tp. Đà Nẵng cùng UBND phường Hòa Khê đã xác minh "thịt heo có mùi" và trả lời rõ ràng ra dư luận. Theo đó, chỉ với 15/254 "combo" xảy ra sự cố cho thấy nguyên nhân là do khách quan, do thời gian luân chuyển của thịt kéo dài, gây mất chất lượng của thịt.

Cụ thể, thịt sau khi nhận từ nhà cung ứng có xe đông lạnh đảm bảo, nhưng sau đó, công tác luân chuyển đến tận tay người dân của các tổ dân phố còn chậm, tổ dân phố lại không có thiết bị chuyên dụng dẫn đến chất lượng thịt bị ảnh hưởng.

Dân sinh - Vì sao nguồn thịt phẩm tươi sống ở Đà Nẵng bị thiếu hụt? (Hình 2).

Hình ảnh về những kho thực phẩm bẩn không liên quan (ảnh nhỏ) nhưng được gán ghép vào vụ việc cung cấp "thịt heo có mùi" (ảnh lớn) đã gây nên tai tiếng không đáng có, khiến nhà cung ứng thực phẩm bị ảnh hưởng lớn đúng thời điểm người dân đang rất cần họ. 

Đại diện nhà cung ứng Hai Thuyên cho biết, dù cơ quan chức năng xác định rõ nguyên nhân nhưng không hiểu vì sao trên mạng xã hội, nhiều người vẫn cố tình "đánh lận con đen", bôi xấu hình ảnh của đơn vị.

Thậm chí, có những bài đăng hình ảnh, bài viết về các kho đông lạnh ôi thiu, thực phẩm bẩn không liên quan đến đơn vị nhưng gán ghép, tạo "face new" khiến người dân hiểu nhầm. Vấn đề này, nhà cung ứng đã báo cáo đến công an đề nghị xác minh, xử lý, làm rõ động cơ.

"Thông tin sai sự thật ảnh hưởng rất lớn đến công việc cung ứng thực phẩm của chúng tôi. Bộ phận người lao động buồn bã vì bị dị nghị, hiểu lầm. Chúng tôi động viên nhau làm việc, không chỉ ở Đà Nẵng, lao động sẵn sàng vào đến Quảng Nam để lấy thịt và nỗ lực cung ứng cho thành phố", vị này chia sẻ.

Đi tìm giải pháp?

Ông Phan Tuấn Anh, giám đốc công ty Chế biến thực phẩm Đà Nẵng, đơn vị quản lý lò mổ Đà Sơn cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu hụt thực phẩm tươi sống, đơn vị đang nghiên cứu mở dây thêm chuyền giết mổ, chế biến heo.

Theo ông Tuấn Anh, việc mở thêm này phải lên kế hoạch thật cụ thể để đề xuất lên UBND quận Liên Chiểu và các sở ngành quản lý.

"Thêm dây chuyền, thêm nhân công, phải thêm phương án phòng chống dịch”, ông Tuấn Anh nói.

Trong khi đó, trả lời Người Đưa Tin, phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Nguyễn Nhường cho biết, việc mở thêm dây chuyền giết mổ ở lò Đà Sơn phải được nghiên cứu kỹ lưỡng. Bởi khi mở thêm dây chuyền đòi hỏi phải tăng nhân lực, từ đó tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch trở lại.

Theo ông Nhường, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn thực phẩm tươi sống hiện tại, ngoài lấy thịt ở Đà Sơn, quận Liên Chiểu cũng đang liên hệ với phía Huế để gia tăng thêm nguồn cung thực phẩm tươi sống cho người dân.

"Hiện giờ phải linh động, áp dụng nhiều biện pháp như vậy", ông Nhường nói.

Bà Lê Thị Kim Phương, giám đốc sở Công Thương Tp. Đà Nẵng thông tin rằng, một số nhà cung ứng cũng phản ánh đến Sở về tình trạng thiếu hụt nguồn thực phẩm tươi sống. Sở Công thương đã chuyển ý kiến này đến sở NN&PTNT để nghiên cứu đưa ra giải pháp.

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc sở NN&PTNT Tp. Đà Nẵng cho biết, việc mở thêm dây chuyền sơ chế ở lò mổ Đà Sơn phải thật thận trọng. 

"Sở cho chủ trương mở thêm dây chuyền, còn việc mở thêm hay không phụ thuộc vào quận, phường. Địa phương phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh thì cho mở. Khâu nào kiểm soát được, kiểm soát chắc chắn thì làm lại, khâu nào chưa ổn thì chưa cho làm lại. Như cảng cá Thọ Quang đến giờ vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh nên chưa cho mở cửa. Giờ dịch bệnh nên chắc chắn nhu yếu phẩm sẽ không được như ngày thường, chúng ta cũng cần thông cảm", ông Ban chia sẻ.

Riêng về tình trạng xuất hiện thông tin đăng tải trên mạng xã hội thiếu kiểm chứng gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Mai Thị Thu cho biết vừa ký văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị chấn chỉnh.

Dân sinh - Vì sao nguồn thịt phẩm tươi sống ở Đà Nẵng bị thiếu hụt? (Hình 3).

Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đề nghị chấn chỉnh việc đăng tải, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội trong thời gian qua.

Theo đó ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng nhận thấy, thời gian qua, các nền tảng xã hội Facebook, Zalo... trên địa bàn thành phố hoạt động khá hiệu quả, kịp thời thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Trung ương và thành phố, lan tỏa, chia sẻ thông tin chính thống, tích cực đến cộng đồng mạng và người dân thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động của các trang, nhóm mạng xã hội vẫn còn hạn chế, nhất là vẫn còn tình trạng đăng tải thông tin thiếu chính xác, chưa qua kiểm duyệt, kiểm soát thông tin; thông tin đăng tải thiếu tính hệ thống và nhất quán, dẫn đến hiện tượng “loạn” thông tin; công tác kiểm duyệt và lọc bình luận tiêu cực, sai sự thật vẫn chưa hiệu quả...

Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các cơ quan chức năng chủ động nắm bắt dư luận xã hội, nhất là trên Internet, mạng xã hội; thường xuyên cung cấp thông tin chính xác, định hướng tuyên truyền; lan tỏa thông tin tích cực và kịp thời phát hiện những vấn đề, sự việc nổi cộm trên mạng xã hội liên quan đến lĩnh vực, địa bàn của mình để kịp thời kiểm tra xác minh, tham mưu, đề xuất biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời, thỏa đáng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.