Ngành khoa học nghiên cứu về gene di truyền đối với nhiều người dân nước ta còn khá mới mẻ. Việc nghiên cứu gene để có thể thay đổi giống nòi người Việt thì vẫn còn là một bài toán khó. Chính vì thế, Bộ Khoa học - Công nghệ và Viện Khoa học - Công nghệ đã xúc tiến thực hiện đề tài “Dự án khả thi giải trình tự và phân tích bộ gene người Việt Nam”.
Giải mã gene để cải tạo giống nòi là mong muốn bao đời nay của người Việt Nam. Ảnh minh họa
Tìm những gene tốt nhất để cải tạo nòi giống
Ở các nước đã phát triển như Anh, Mỹ và nhiều nước khác từ những năm 80 của thế kỷ trước đã có những dự án, chương trình giải mã gene do người Mỹ đứng đầu và 20 nước tham gia nghiên cứu. Kết quả trong vòng 15 năm đã bước đầu giải mã hệ gene của 5 cá thể đại diện cho 5 chủng tộc người trên thế giới.
Ở nước ta, do thiếu vốn đầu tư cũng như nguồn nhân lực trong lĩnh vực này nên cuộc trường chinh vĩ đại giải mã gene còn quá nhiều vướng bận. PGS.TS Nông Văn Hải, Viện Công nghệ sinh học cho biết, kết quả nghiên cứu từ các dự án, chương trình trên thế giới cho thấy, các chủng tộc, các cá thể người giống nhau đến 99,9% và chỉ khác nhau về một tỷ lệ rất nhỏ (0,1%) về cấu trúc hệ gene. Tuy nhiên, phần khác biệt rất nhỏ này lại có ý nghĩa hết sức quan trọng, quyết định đối với đặc điểm nhân chủng học, sức khỏe giống nòi của cả một dân tộc, là yếu tố di truyền liên quan đến sức khỏe của mỗi cá thể. Do đó, việc có một nghiên cứu lâu dài và chuyên sâu về giải mã hệ gene người Việt Nam là hành động có giá trị to lớn cho cả dân tộc.
Tại Việt Nam, Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ gene, Viện Công nghệ sinh học (Viện KH-CN Việt Nam) giải mã thành công hệ gene ty thể (thuật ngữ chỉ những cấu trúc năm trong tê bào gene) hoàn chỉnh người, đại diện cho 3 dân tộc đông dân là Kinh, Tày, Mường, mỗi dân tộc 3 cá thể. Ngoài ra, đã giải mã hàng chục gene khác của người, ứng dụng phân tích gene ty thể để giám định hài cốt liệt sỹ. “Việc giải mã, so sánh toàn bộ hệ gene biểu hiện của một số người mắc các bệnh khó hoặc không thể chữa trị như các bệnh di truyền, bệnh ung thư, tiểu đường, tim mạch… ở Việt Nam giúp phát hiện các chỉ thị phân tử cho chẩn đoán và điều trị bệnh. Bên cạnh đó, giải mã hệ gene của các cá thể có thể trạng tốt, tuổi thọ cao (trên 100 tuổi), hay các tài năng đặc biệt về thể thao, toán học, âm nhạc, khoa học, quản lý… sẽ tìm kiếm được các gene có liên quan nhằm cải tạo giống nòi”, PGS.TS Nông Văn Hải nói.
Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học, ông Trương Nam Hải cho rằng, việc nghiên cứu cấu trúc và chức năng toàn bộ các gene cơ thể là một vấn đề khoa học cơ bản có định hướng ứng dụng hết sức quan trọng. Đặc biệt, mỗi nước phải đầu tư giải mã hệ gene cho người của dân tộc mình và khó có thể nước nào làm hộ, làm thay.
Biểu đồ phát triển chiều cao của người Việt Nam
Phân tích gene để điều trị bệnh và phát hiện tài năng
Việc nghiên cứu hệ gene của người Việt để cải tạo nòi giống là điều hết sức quan trọng và cần được quan tâm đầu tư phát triển. Thế nhưng, đây là một bài toán rất khó khăn, bởi số người có thể đảm nhận việc này còn rất hạn chế. Hơn nữa, việc áp dụng kết quả nghiên cứu hệ gene để cải tạo nòi giống như thế nào hiện vẫn là một vấn đề đang còn gây tranh cãi.
Đối với nhiều người dân, khái niệm hệ gene vẫn là một khái niệm vẫn còn rất xa lạ, khái niệm cải tạo nòi giống càng làm cho người dân ngạc nhiên hơn. Việt Nam với dân số hiện nay xấp xỉ 87 triệu người (dự báo sẽ vượt 88 triệu người trong năm 2012), với 54 dân tộc anh em. Do đó, qua việc nghiên cứu, phân tích hệ gene, nếu có được một kết quả phân tích cụ thể về hệ gene của người Việt thì chuyện cải tạo nòi giống sẽ được áp dụng như thế nào vẫn là câu hỏi lớn.
Thể trạng của người dân châu Á nói chung và của người Việt Nam nói riêng có những đặc điểm riêng biệt, phù hợp với môi trường sống, điều kiện tự nhiên và phong tục, tập quán. Việc nghiên cứu hệ gene để phục vụ chữa trị những bệnh khó chữa, hiện trên thế giới chưa có nước nào dám khẳng định đã làm được điều này, riêng phát hiện tài năng về thể thao, hội họa, âm nhạc… chỉ có một phần rất nhỏ liên quan đến gene di truyền, phần lớn vẫn là do ý thức lĩnh hội và tập luyện.
Theo PGS.TS Nông Văn Hải, việc cải tạo giống nòi (về tầm vóc, thể lực và tuổi tho), theo ý kiến của nhiều người vẫn nên chú trọng vào chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày của người Việt. Nước ta là một nước đang phát triển nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề xã hội cần khắc phục. Bữa ăn hằng ngày của người Việt vẫn chưa đảm bảo dinh dưỡng cho sự phát triển về thể lực. Thực tế cho thấy, rất nhiều trẻ em vùng sâu, vùng xa đang trong tình trạng thiếu ăn và suy dinh dưỡng. Đó là thực trạng mà chúng ta cần giải quyết trước để đảm bảo sức khỏe cũng như sự phát triển trước khi nghiên cứu hệ gene để cải tạo giống nòi.
Nâng cao thể lực, trí lực con người Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ người mắc bệnh, tỷ lệ tử vong, nâng cao sức khỏe, tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe đồng bộ từ trung ương tới địa phương, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vận động người dân chủ động phòng bệnh... là những vấn đề cấp thiết hơn và có hiệu quả tích cực hơn lúc này.
So với nhiều nước châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, vấn đề tầm vóc và thể lực của người Việt Nam còn thua kém nhiều. Những nước phát triển đã có những chính sách phát triển tầm vóc và thể lực cho người dân từ rất lâu và đã có hiệu quả đáng kể. Điển hình như Nhật Bản, nơi người dân vốn nhỏ bé như người Việt ta nhưng nhờ có chính sách đúng đắn nên hiện tại chiều cao và thể lực của người dân Nhật Bản đã cải thiện đáng kể.
Cụ thể hơn, theo điều tra trong vòng 6 năm (2001-2007) với những người từ 20 đến 24 tuổi của Bộ Văn hóa và Giáo dục Nhật Bản thì chiều cao trung bình của nam là 172.1cm và của nữ là 158.8cm. Còn nước ta, chiều cao thân thể trung bình của nam 20 tuổi là 165,14cm, của nữ 20 tuổi là 153cm, rõ ràng có sự chênh lệch rất lớn. Tuổi thọ của người dân Nhật Bản cũng rất cao, tuổi thọ trung bình của người phụ nữ Nhật là 86,39 năm, còn đối với nam giới là 79,64 năm; còn tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam là 73 tuổi tính chung cho cả hai giới.
Nguyên Việt