Tại hội thảo “Một số vấn đề về thuốc giả” do Sở Y tế TP.HCM vừa tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra nhận định đáng sợ: Viêt Nam là nước đứng thứ hai ở Đông Nam Á về các mẫu dược phẩm giả (406 mẫu). Tình trạng sản xuất và buôn bán dược phẩm giả ở Việt Nam đang diễn biến rất phức tạp. Những tháng gần đây, Bộ Y tế liên tục phát lệnh đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy hàng loạt thuốc rởm, thuốc không đúng chất lượng.
Theo Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương, trong số hơn 31.000 mẫu thuốc được kiểm tra gần đây thì đã có hơn 1.000 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng như nhiễm khuẩn, không đủ độ an toàn, không đủ định lương. Trong đó, đáng chú ý nhất là có nhiều loại thuốc chống ung thư kém chất lượng. Hơn nữa, các loại thuốc làm giả chủ yếu ăn theo các dược phẩm đã có thương hiệu mạnh trên thị trường.
Thuốc tây giả, nhái được bày bán công khai là thuốc độc cho người bệnh
Cũng theo thống kê của Bộ Y tế, bình quân mỗi năm một người dân nước ta bỏ ra gần 17 USD cho việc sử dụng thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, một phần không nhỏ trong số tiền này đã trở nên vô dụng, có hại cho sức khỏe vì mua phải thuốc kém chất lượng.
PGS-TS Trương Văn Tuấn, phó chủ tịch Hội Dược học TP.HCM, cho biết: Thuốc giả không chỉ đánh lừa người tiêu dùng, mà còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị cứu chữa bệnh nhân. Trong rất nhiều trường hợp, thuốc giả gây ra tác hại như phản ứng dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng cũng như làm bệnh nhân dễ kháng thuốc.
Thuốc giả có thể chia thành 6 nội dung có liên quan đến hình thức giả mạo và mức độ giả mạo của chúng như: Sản phẩm không có hoạt chất, sản phẩm có lượng hoạt chất không đúng, sản phẩm có hoạt chất sai, sản phẩm có chất lượng hoạt chất đúng nhưng có bao bì giả, nhái lại sản phẩm nguyên bản, sản phẩm có nồng độ hoạt chất không tinh khiết và có chất nhiễm bẩn cao. Vì thế, thuốc giả có nguy cơ ảnh hưởng tới cơ thể người, thậm chí ảnh hưởng tới cả tính mạng.
Chị Hồ Ngọc Liễu (37 tuổi, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) là một trường hợp cụ thể. Chị hay dùng thuốc tránh thai Postinor nhưng chị vô tình mua phải thuốc Postinor nhái nên vẫn mang thai. Hiện tại, chị Liễu dã có hai con, lại làm công chức Nhà nước giờ phá vỡ kế hoạch sợ bị kỷ luật nên đã đi đến quyết định bỏ đi giọt máu của mình.
Một trường hợp khác, ông Võ Lộc (50 tuổi, P.26, Q.Bình Thạnh) bị đau mắt, lại nghe quảng cáo có loại thuốc nhỏ mắt Naphoroton rất hiệu nghiệm, vội chay ra nhà thuốc gần nhà mua loại thuốc trên về nhỏ. Nhưng không ngờ, càng nhỏ thuốc hai mắt của ông càng đỏ và sưng tấy lên. Ông liền đến Bệnh Viện Mắt TP.HCM thăm khám kèm theo chai thuốc mình đã mua trước đó. Tới đây, ông mới ngã ngửa khi các bác sĩ cho biết, đôi mắt của ông đã bị viêm nặng do sử dụng một loại Naphoroton bị làm giả.
Hay trường hợp của chị Võ Thị Điển (40 tuổi, P.13, Q.Gò Vấp) cũng là một nạn nhân của thuốc giả. Chị được bạn bè giới thiệu mua một số loại thuốc về uống để giảm béo, nhưng sau khi dùng thuốc giảm béo không rõ nguồn gốc xuất xứ này chị đã bị suy thận cấp, suy gan, trụy tim mạch. Rất may, chị đã bến bệnh viện chữa trị kịp thời nên mới qua khỏi. Các bác sĩ cho biết, nếu để một thời gian nữa thì bệnh tình của chị khó mà qua khỏi.
Rất khó phát hiện thuốc giả Dược sĩ Nguyễn Văn Mô, Viện trưởng Viện Kiểm thuốc TP.HCM cho biết, phòng chống thuốc giả cực kỳ khó khăn vì rất khó xâm nhập nơi sản xuất. Thủ đoạn của chúng lại ngày càng tinh vi, khó phát hiện. Không chỉ những tổ chức nhỏ lẻ mới làm thuốc giả mà đã xuất hiện cả những tập đoàn lớn vì chạy theo lợi nhuận khổng lồ. Sự xuất hiện của thuốc giả khiến uy tín của nhà sản xuất bị giảm sút, doanh số bị thiệt hại. Còn người bệnh uống phải thuốc giả không hết bệnh mà còn nặng thêm, thậm chí có thể tử vong do tác dụng phụ của hoạt chất giả, không đủ hàm lượng. Vì vậy, khuyến cáo người tiêu dùng nên mua hàng từ công ty phân phối chính thức, có nguồn gốc rõ ràng |
Thế Quyết