Trong khi dư luận cả nước "nóng" lên với đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trị giá hơn 11.000 tỷ đồng, nhiều người chợt giật mình nhìn lại thực trạng èo uột, hoạt động kém hiệu quả kéo dài của cả hệ thống bảo tàng Việt Nam. Vì sao hơn 120 bảo tàng trên khắp cả nước, chẳng mấy bảo tàng thu hút được người dân? Để rộng đường dư luận, PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi thẳng thắn cùng PGS.TS Nguyễn Văn Huy (Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), đồng thời mong mỏi nhận được những kiến giải của các chuyên gia, những độc giả quan tâm đến hoạt động Bảo tàng nước nhà.
Công tác bảo tồn hiện vật tại nhiều bảo tàng chưa được thực hiện tốt
Cả một hệ thống mờ nhạt
Xin ông cho biết, hiện nay ước tính chúng ta có khoảng bao nhiêu bảo tàng trên cả nước và hiệu quả hoạt động của hệ thống này?
Trên cả nước hiện nay, chúng ta có khoảng hơn 120 bảo tàng, kể cả bảo tàng của các tỉnh, các bảo tàng chuyên ngành. Còn có khoảng 5-6 bảo tàng quy mô mang tầm cỡ quốc gia như: Bảo tàng Lịch sử quân sự, Bảo tàng lịch sử Quốc gia Việt Nam, Bảo tàng dân tộc học. Nếu được nhận xét chung về hoạt động của hệ thống Bảo tàng hiện nay thì tôi cho rằng: Rất đơn điệu, tẻ nhạt, thiếu sáng tạo, không hấp dẫn được người xem.
Vậy theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng đáng buồn trên?
Có thể lý giải bằng ba nguyên nhân: Thứ nhất là vốn đầu tư và kinh phí, trang thiết bị cho việc xây dựng bảo tàng chưa tốt. Thứ hai là quan niệm về bảo tàng của chúng ta còn làm theo kiểu cũ, chủ yếu là để tuyên truyền, trưng bày hiện vật rất tùy tiện, ý tưởng không rõ ràng. Còn nguyên nhân cuối cùng, đó chính là trình độ, tư duy của người làm bảo tàng hiện nay còn tồn tại quá nhiều hạn chế. Tất cả những điều trên đã làm nên bộ mặt của bảo tàng chúng ta hiện nay mờ nhạt .
Xây dựng bảo tàng không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu là lưu giữ hiện vật lịch sử mà còn cần phải đảm bảo được yếu tố kiến trúc và văn hóa. Theo ông, bảo tàng của chúng ta hiện nay chưa làm được điều đó?
Vấn đề ở đây là cách làm của những người quản lý bảo tàng, họ chưa nhận thức được hết vai trò và tầm quan trọng của hoạt động bảo tàng mang lại. Tư duy về làm bảo tàng còn nhiều vấn đề đáng bàn, chưa làm sống dậy được hồn của các hiện vật, bộ sưu tập, chưa biết cách làm cho chúng thêm hấp dẫn. Đặc biệt, điều quan trọng của người làm công tác bảo tàng là phải làm cho người dân hiểu được giá trị cốt lõi, hiểu sâu tầng văn hóa của hiện vật đó. Điều đó, phần lớn các bảo tàng của chúng ta chưa làm được.
Các chuyên gia đang tỏ ra khá lo lắng khi dự án bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam với số vốn đầu tư khủng đang được tiến hành triển khai. Theo ông, đề án đó nếu đi vào hoạt động trong thời điểm này đã hợp lý chưa?
Rất cần một Bảo tàng Lịch sử Quốc gia mới ra đời. Nhưng theo tôi, nhất thiết phải có sự thẩm định của các chuyên gia về bảo tàng, kinh tế để giúp tính đúng, tính đủ tránh tình trạng dư thừa. Cả không gian làm việc của 450 nhân viên cũng phải cân nhắc vị trí từng người, từng chỗ ngồi. Mỗi thứ tăng mỗi chút sẽ làm đội kinh phí lên sẽ gây lãng phí. Cũng không nên chạy theo tiêu chí kỷ lục, quan trọng nhất là phải tuân thủ yêu cầu chất lượng bảo tàng để đảm bảo công năng, hiệu quả hoạt động. Hiện, chúng ta có hơn 120 bảo tàng mà có mấy bảo tàng đông khách.
PSG.TS Nguyễn Văn Huy trăn trở về thực trạng của hệ thống bảo tàng Việt Nam
Không thể lạc hậu trước thế giới
Các nước có hệ thống bảo tàng tiên tiến khác, phải có con người, có hiện vật, có công nghệ vận hành rồi mới xây nhà bảo tàng. Còn chúng ta đang làm ngược lại. Cứ xây cái đã, trong ruột có gì tính sau? Ông nghĩ sao về nhận định này?
Thực sự, nói bảo tàng chúng ta thiếu hiện vật là không chính xác. Vì hiện nay, chúng ta sở hữu rất nhiều hiện vật, phong phú nữa là khác. Nhưng vấn đề là chúng ta chưa tổ chức trưng bày tốt, chưa phát huy hết giá trị của các hiện vật, bộ sưu tập, vô tình làm lãng phí chúng.
Một bảo tàng đạt chuẩn, cần bắt đầu từ những sưu tập và nghiên cứu lâu dài, có chiều sâu. Đến một mức độ nhất định của sự tích tụ hiện vật và kiến thức thì cần một không gian trưng bày. Có nhận định cho rằng, chúng ta đang quá chú trọng cái áo và quên đi cái ruột bên trong?
Văn hóa cần có tầm nhìn xa thì mới thấy được sự hữu ích, chứ đòi hỏi các công trình văn hóa phải phát huy được tác dụng ngay như việc xây một nhà máy, phải có sản phẩm ngay là không thể được. Còn việc xây dựng, quản lý có hiệu quả lại là chuyện khác. Chúng ta cần có sự đầu tư đúng đắn về cả hình thức lẫn nội dung thì bảo tàng mới có thể phát huy được tốt vai trò của mình.
Nếu được đưa ra hướng để giải quyết tình trạng ảm đạm của hệ thống bảo tàng nước ta hiện nay, ông có ý kiến như thế nào?
Muốn hệ thống bảo tàng ngày càng khởi sắc, vận hành hiệu quả thì theo tôi phải cập nhật được xu thế hoạt động chung của bảo tàng trên thế giới, đừng để chúng ta lạc hậu so với họ. Thứ hai, người làm bảo tàng phải thay đổi nhận thức trong cách làm việc. Điều quan trong nữa là cần có sự đầu tư thích đáng, có sự quan tâm cần thiết và đúng mực của các cấp quản lý để bộ máy bảo tàng hoạt động hợp lý hơn. Đầu tư cho văn hóa cần tính đến sự lâu dài. Mà bảo tàng nếu được xây và vận hành tốt, tổ chức nội dung khoa học, sáng tạo, hiệu quả thì sẽ góp phần phát triển kinh tế đất nước qua việc nâng cao hiểu biết của công chúng, thu hút khách trong và ngoài nước.
Xin cảm ơn ông!
Dự án bảo tàng Lịch sử Quốc gia với tổng mức đầu tư 11.277 tỉ đồng, chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện, dự kiến sẽ xây dựng từ tháng 11/2012 đến 2016. Nói về những tranh cãi quanh dự án khổng lồ này, PSG.TS Nguyễn Chi khẳng định: "11.000 tỷ đồng thì phải làm cho khách mặn mà, khách phải đứng xếp hàng "nóng ruột" để xem bảo tàng chứ. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nên tránh bài học đi trước của ngành bảo tàng lâu nay là khánh thành vỏ, vài năm sau mới khánh thành nội dung. Bên cạnh đó, chất lượng trưng bày là chuyện lớn và quan trọng nhất. Chuyện này cần phải có nhiều thời gian để bàn". |
Bảo Hằng (thực hiện)