Từ nhiều năm nay, đầu tư công được chỉ ra là lĩnh vực gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng lớn nhất ở nước ta. Nhiều công trình được đầu tư vốn hàng trăm tỷ rồi đắp chiếu, xây hoành tráng cuối cùng chỉ để làm cảnh. Nhiều tỉnh mở sân bay, hải cảng, cửa khẩu nhưng khi đi vào khai thác lại kém hiệu quả. Tình trạng này kéo dài, gây nhức nhối cho xã hội, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về những quyết định sai lầm. Các chuyên gia kinh tế hy vọng Luật Đầu tư công được ban hành sẽ là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn tình trạng trên.
Đầu tư công tràn lan vẫn tiếp diễn
Mặc dù kinh tế nước nhà vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng, nhưng vấn đề đầu tư công hiện nay tồn tại tình trạng gây thất thoát lãng phí lớn, gây bức xúc trong dư luận. Không khó để nhận ra những công trình nghìn tỷ hoành tráng được xây dựng trong khi những công trình thiết thực của người dân vẫn chưa được đáp ứng. Riêng ở Thủ đô Hà Nội, nhiều dự án đang triển khai được dư luận cho rằng là lãng phí không cần thiết trong thời điểm này, như dự án xây dựng đường xe buýt nhanh trên đường Lê Văn Lương. Nhiều người dân tỏ ra ngạc nhiên khi đường vẫn còn đẹp nhưng bị bóc ra đổ bê tông để dành cho xe buýt nhanh.
Điều mà người dân cho rằng không khả thi gây lãng phí, đó chính là tình trạng trên tuyến này rất nhiều đường cắt ngang và đường rẽ, vì thế có thiết kế cho xe buýt nhanh thì cũng không thể chạy nhanh được. Trong khi đó, đường Lê Văn Lương khi dành một làn đường cho xe buýt nhanh trở nên chật chội, nguy cơ tắc nghẽn giao thông trên tuyến đường này chắc chắn xảy ra, nên việc đầu tư này sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn. Theo tính toán, chỉ tính các điểm dừng đỗ của xe buýt với chiều dài 3km, việc bỏ nhựa để thảm bê tông cũng tiêu tốn của ngân sách khoảng 12 tỷ đồng.
Thực trạng đầu tư công (Ảnh minh hoạ)
Cũng mới đây, trong báo cáo trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Đầu tư công, Bộ trưởng bộ KHĐT Bùi Quang Vinh liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông qua dự luật vào thời điểm hiện nay, bởi nếu không sẽ "bó tay", không thể ngăn hiện trạng đầu tư công tràn lan, dàn trải. Vị Bộ trưởng này đã "chỉ mặt, điểm tên" những khâu gây lãng phí nhất chính là chủ trương đầu tư theo kiểu "cứ vẽ dự án ra rồi đi xin tiền". Nhiều dự án bất bình thường, như chợ, trung tâm thương mại, rồi đường miền núi rộng tới 60 - 70m, sử dụng không hết công năng. Ông Bùi Quang Vinh cho rằng: "Chủ trương này ai quyết định? Hay làm xong thì kệ không ai ở, không ai đến buôn bán. Không thể cứ đưa ra chủ trương đầu tư từ một cấp nào đó rồi phải lao theo. Đây là điều vô cùng lãng phí", vị Bộ trưởng này nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đưa ra ví dụ, một công trình thủy lợi ban đầu có quy mô tưới tiêu cho 1.000ha, có dự toán 1 tỷ đồng/ha. Nhưng sau khi làm xong thì dự án chỉ còn 500ha, khiến chi phí đội lên 2 tỷ đồng/ha, với đủ mọi lý do biện minh bởi thiết kế chưa đúng, rồi đổ tại nguồn nước hay do biến đổi khí hậu. Và ông tự đặt câu hỏi "mọi lý lẽ toàn là ngụy biện. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho việc đội giá công trình từ 1 tỷ đồng/ha lên 2 tỷ đồng/ha? Do vậy, phải có giám sát dự án và đánh giá hậu đầu tư. Dự luật này sẽ đảm bảo điều đó và phù hợp với hiện thực nước ta hiện nay là đầu tư công tràn lan, không ngăn nổi những lãng phí này".
Thực sự câu chuyện đầu tư công gây thất thoát lãng phí không phải là chuyện gì quá mới mẻ, vấn đề trước mắt làm sao để siết lại chủ trương đầu tư. Trao đổi với PV Người Đưa Tin về vấn đề này, PGS. TS kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, cần thiết phải có biện pháp mạnh, hữu hiệu nhằm chấn chỉnh lại tình trạng trên. Bởi từ trước đến nay chưa có trường hợp cá nhân nào đứng ra chịu trách nhiệm quyết định đầu tư của mình.
Ông Long nói: "Hiện tượng này được cho là gây thất thoát lãng phí nhiều nhất hiện nay, cần thiết phải có một bộ luật quy định cụ thể, để dựa vào đó làm căn cứ xem xét trách nhiệm cá nhân liên quan". Theo vị chuyên gia này, tình trạng các dự án trúng thầu 100 tỷ, thanh toán vài trăm tỷ đã được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng từng chỉ ra tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 23/9 vừa qua. Điều phi lý nhất, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Tất cả các nhà thầu đều mua bảo hiểm để bù trừ cho rủi ro, tại sao cứ phải tính lại giá và duyệt lại dự toán".
PGS.TS Ngô Trí Long trao đổi với PV Người Đưa Tin
Phải có biện pháp mạnh
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, hiện dự thảo Luật Đầu tư công đang được Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét và ông hy vọng, đây sẽ là bộ luật đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng lãng phí, thất thoát và tham nhũng trên lĩnh vực này. Đồng quan điểm với ông Ngô Trí Long, nhiều chuyên gia khi trả lời phỏng vấn đều cho rằng, tình trạng đổ lỗi cho nhau giữa các bộ, giữa bộ và địa phương khi để xảy ra sai phạm thất thoát gây lãng phí trong đầu tư công là vì chưa có một bộ luật riêng quy định. Và họ cho rằng, cơ chế xin cho chính là nguyên nhân dẫn đến kém hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công hiện nay.
Nguyên Thống đốc ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm từng phát biểu trong một hội nghị về đầu tư công đã cho rằng: "Để bịt những lỗ hổng trong đầu tư công, trước hết, cần gia tăng những hành động cụ thể vào đề án tái cơ cấu đầu tư công thông qua phối hợp thể chế, giám sát độc lập và cạnh tranh quốc tế đấu thầu. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu đầu tư công đòi hỏi phải có lộ trình và là sự kết hợp đồng bộ giữa tái cấu trúc cả nền kinh tế lẫn hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, chúng ta cần triển khai dự án Luật Đầu tư công nhằm đảm bảo cam kết tài chính đối với mỗi cơ quan, cá nhân nhận đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải".
Trong khi đó, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội lại có quan điểm: "Dự án Luật Đầu tư công cần nghiên cứu theo hướng chủ động giảm thiểu dần đầu tư công, tăng đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước, tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm. Trước mắt, chúng ta cần mạnh dạn cắt bỏ những dự án đầu tư kém hiệu quả và không đạt yêu cầu về thủ tục cũng như các dự án có vốn đầu tư quá lớn, chưa thật cấp bách; Siết lại thủ tục và rà soát những dự án đầu tư công kém hiệu quả để quy trách nhiệm cụ thể đến các cá nhân, tổ chức". Xung quanh những sai phạm gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư công, nhiều người cho rằng cần thiết phải có bộ luật đủ mạnh để răn đe những kẻ muốn lợi dụng đầu tư công nhằm trục lợi.
Được biết, hiện dự thảo Luật Đầu tư công đang được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Người dân đang hy vọng đây là một bước tiến lớn trong công cuộc chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí trong đầu tư công hiện nay.
Dự án nhiều hiệu quả thấp Theo tiến sĩ Vũ Tuấn Anh, viện Kinh tế Việt Nam, tỉnh nào cũng có sân bay, cảng biển, khu công nghiệp, sân golf, khu đô thị cao cấp, trường đại học là chưa phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia. Việc làm cấp bách là phải phân loại các dự án đầu tư công, sau đó lên kế hoạch loại bỏ những dự án không khả thi. Trong 10 năm qua, Việt Nam đã đầu tư công với 20 cảng biển quốc tế; 22 sân bay dân dụng (trong đó 8 sân bay quốc tế); 267 khu công nghiệp (trung bình 1 tỉnh có 4 khu công nghiệp); 18 khu kinh tế ven biển; 28 khu kinh tế cửa khẩu; 1.757 dự án trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi và di dân với tổng mức đầu tư lên tới gần 444.000 tỷ đồng. Cả nước có tới 440 trường đại học và cao đẳng (tính trung bình, 1 tháng thành lập hai trường đại học). |
Trinh Phúc - Thành Huế