Nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội Nguyễn Thị Huệ thẳng thắn bày tỏ như vậy khi trao đổi với phóng viên Người đưa tin.
Là cục trưởng đầu tiên của Cục phòng chống tệ nạn xã hội khi đơn vị này được thành lập năm 1994, bà Huệ nổi tiếng là người quyết liệt đấu tranh chống mại dâm. Nổi tiếng nhất là vụ triệt phá nhà nghỉ Công Dung (Nghi Tàm, Hà Nội) ổ mại dâm cao cấp khét tiếng một thời. Để có bằng chứng và thuyết phục được các lãnh đạo về sự trụy lạc của nhà nghỉ này, bà Huệ đã trang bị cho các chuyên viên cấp dưới camera mini – thứ hàng công nghệ cao cấp thuộc dạng hiếm lúc bấy giờ - nhiều lần vào nhà nghỉ này ghi hình lại. Không những thế, bà còn tổ chức cho nhiều cán bộ Bộ Tư pháp, Quốc hội… vào khảo sát thực tế “động” Công Dung để hiểu hơn về thực trạng mại dâm nhức nhối ra sao.
Một số vụ mại dâm bị bắt gần đây
Tuy nhiên, bà Huệ cũng là một trong những người có lối tư duy tương đối thoáng, cởi mở khi ngay từ những năm 1997 bà đã đề ra ý tưởng thử nghiệm lập các “khu đèn đỏ’ để quản lý chặt chẽ gái mại dâm.
Bà Huệ tâm sự, trước khi là người đứng đầu một cục quản lý nhà nước về phòng chống tệ nạn xã hội thì bà cũng là một người phụ nữ, một người vợ, một người mẹ, vì thế bà rất thấu hiểu và bức xúc trước nghịch cảnh của những cô gái chót sa chân vào con đường làm gái mại dâm. Và bà cũng bức xúc khi nhiều ý kiến nói rằng, tại sao càng chống mại dâm lại càng phát triển rầm rộ?
Bà Huệ kể, khi còn tại chức, Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại một hội nghị cũng đã hỏi “tại sao càng chống, mại dâm càng phát triển?”; bà thẳng thắn: “Báo cáo anh, người ta đầu tư đủ thứ tiền để chống đói nghèo, chống ốm đau, sốt rét mà còn chẳng chống nổi hướng gì là chống sung sướng!”. Theo bà, chống mại dâm không hiệu quả vì mại dâm nằm ngay trong lòng những người phòng chống mại dâm (sự bảo kê); Không phải càng làm càng phát triển mà vì càng làm thì mới moi ra được nhiều vụ, mới phản ánh đúng thực trạng mại dâm. Mặc khác, nó là nhu cầu thực tế của một bộ phận xã hội.
Ngoài ra, trong quá trình công tác, bà cũng đã đi tìm hiểu thực tế công tác phòng chống mại dâm ở nhiều quốc gia phát triển khác. Ngay khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Singapore cũng không đặt mại dâm ra “ngoài vòng pháp luật” như Việt Nam. Mặc dù lượng gái mại dâm rất đông nhưng Thái Lan vẫn quản lý được. Chính việc quản lý này đã đem lại nhiều điều lợi: Trước tiên là bảo vệ được đối tượng hành nghề mại dâm không bị ma cô, chủ chứa o ép, hành hạ; Họ cũng có điều kiện được bảo vệ tốt hơn về mặt y tế (được trang bị kiến thức về tình dục an toàn, có dụng cụ phòng tránh bệnh tật, định kỳ khám bệnh – chữa trị kịp thời…). Chưa kể là về lợi ích kinh tế, Thái Lan cũng đã thu hút được rất đông khách du lịch.
Ngược lại, ở Việt Nam, pháp luật về phòng chống mại dâm rất nghiêm minh nhưng thực hiện, quản lý lại lỏng lẻo, hình thức; Mại dâm, nhất là mại dâm trá hình vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức. Hàng năm, các lực lượng chức năng cũng bắt được kha khá gái mại dâm nhưng phần lớn họ chỉ là gái đứng đường – những đối tượng quá nghèo, quá bần cùng. Vì thế, để quản lý được họ, chỉ có thể thực hiện bằng cơ chế, chính sách, pháp luật; bảo vệ gái mại dâm bằng cách chính sách cụ thể, chứ không phải bằng khẩu hiệu, bằng các chính sách chung chung.
Từ những suy nghĩ và tìm hiểu thực tế kinh nghiệm các nước khác cũng như thực trạng mại dâm trong nước, Cục phòng chống tệ nạn xã hội đã có ý tưởng xây dựng đề án thành lập thí điểm một số “khu đèn đỏ”.
Ở thời điểm gần 20 năm trước, cả Cục cũng như cá nhân bà gặp phải cản trở rất lớn về quan niệm đạo đức, “thuần phong mỹ tục” và suy nghĩ về việc bảo vệ nhân phẩm phụ nữ.
Ý tưởng lập một số khu đèn đỏ cũng đã được một số vị lãnh đạo quan tâm, không phản đối và nói Cục phòng chống tệ nạn cứ xây dựng Đề án để trình lên xem xét. Tuy nhiên, bà Huệ cũng thẳng thắn nói rằng, nếu có trình lên thì cũng không ai dám duyệt. Ngay trong phạm vi Bộ LĐ-TB-XH, lãnh đạo Bộ còn không dám ký.
Mặc dù vậy, Cục phòng chống tệ nạn cũng đã tổ chức một số hội thảo để lấy ý kiến. Ý tưởng lập ‘khu đèn đỏ” đã bị một số tổ chức đoàn thể, nhất là phụ nữ phản ứng quyết liệt.
Tuy nhiên, đến nay các quan điểm, cách tư duy cũng đã thay đổi rất nhiều, thoáng hơn… Nhiều người phản đối việc thành lập khu đèn đỏ nhưng trong thâm tâm, chắc chắn họ nghĩ khác.
Quan hệ sản xuất thay đổi, sự giao lưu văn hóa, mở cửa đã thay đổi xã hội quá nhiều. Hiện lao động nước ngoài vào Việt Nam rất đông nhưng không phải ai cũng mang theo gia đình, khách du lịch cũng rất đông; tình dục là một nhu cầu thực tế và còn lớn hơn thập kỷ 1990 rất nhiều lần. Ngay trong nước, chuẩn mực đạo đức, tư duy cũng đã thay đổi nhiều. Nói một cách máy móc trên quan điểm “thuần phong mỹ tục”, đạo đức… thì ai cũng phản đối nhưng để bảo vệ đối tượng cần bảo vệ thì cần phải có cơ chế thích ứng.
Đây là thời cơ thuận lợi để thí điểm lập “khu đèn đỏ”.
Trước đây, cờ bạc bị coi là tệ nạn, bị xử lý triệt để nhưng hiện nay Chính phủ cũng đã cho thí điểm hoạt động dưới một số hình thức, một số đối tượng…
Bà Huệ đề xuất, việc ‘lập khu đèn đỏ” một cách công khai, đại trà còn rất nhiều trở lực thì cũng có thể thí điểm lập một vài khu như vậy ở một số khu du lịch, khu kinh tế mở. Sau một thời gian làm để rút kinh nghiệm, nếu tích cực thì cho triển khai tiếp còn nếu không thì dập bỏ đi.
Phong Dao