Việt Nam tụt hạng về toán là “không bình thường”

Thứ 6, 28/12/2012 00:07

Toán học của Việt Nam tụt dốc thê thảm chỉ dành 6 huy chương đồng trong kỳ thi Olympic quốc tế vừa qua. Đây là thành tích kém nhất trong 31 năm qua.

Điều đáng nói sau sự kiện vinh danh của GS. Ngô Bảo Châu năm 2010, toán học của Việt Nam vẫn được chờ đợi gặt hái những thành công thì lại gây thất vọng lớn. Chúng ta đang có lỗ hổng lớn trong đào tạo nhân tài toán học, và điều này được dự báo cách đây 5 năm. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi xung quanh vấn đề này.

Học sinh lo thi tốt nghiệp, đại học hơn thi học sinh giỏi

Là nhà toán học, đã từng tham gia luyện thi cho học sinh giỏi toán tham gia các cuộc thi, cảm xúc của ông thế nào khi cập nhật kết quả của đội tuyển Olympic Toán Việt Nam vừa qua?

Thực sự, tôi thấy buồn vì thành tích của đoàn Việt Nam tham gia Olympic quốc tế, đặc biệt là môn Toán. Tham gia thi tài tại Olympic, hàng chục năm nay, chúng ta thường đứng trong top 10, có năm đứng ở top 3 và gần như không năm nào không có huy chương vàng. Trong khu vực, chỉ Việt Nam có tiếng tăm về thi Toán quốc tế, các nước hầu như không có, kể cả Singapore.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi. Ảnh: T.Long

Nhưng năm nay chúng ta "tụt dốc sâu" với bảng xếp hạng thứ 31?

Đúng vậy, đây là điều chưa từng thấy, nhất là trong toán học. Không chỉ năm nay mà mấy năm qua thành tích của chúng ta sụt giảm, trong khi các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan đang vươn lên và đạt thành tích rất tốt. Với tình trạng sụt giảm như thế này, ở tất cả các môn trong đó có Toán, những người làm trong ngành giáo dục, quản lý nhà nước cần phải suy nghĩ. Rõ ràng đây là hiện tượng không bình thường.

Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân khiến cho thành tích của Việt Nam đi xuống?

Nguyên nhân thì có nhiều, thứ nhất là sự hấp dẫn học sinh giỏi của chúng ta tham gia vào các chương trình đào tạo bồi dưỡng tài năng có phần giảm sút. Điều này là do chính sách, ví dụ trước chúng ta tuyển thẳng vào đại học những học sinh giỏi quốc gia, giờ không tuyển nữa nên học sinh, phụ huynh không quan tâm tới các kỳ thi học sinh giỏi. Người ta chỉ quan tâm lo cho con học để thi tốt nghiệp, thi đỗ đại học.

Thứ hai, nguyên nhân trực tiếp là các cơ sở đào tạo bồi dưỡng học sinh năng khiếu để tham gia thi học sinh giỏi, tạo nguồn cho các đội tuyển có vấn đề nên không cung cấp được nguồn tốt nhất cho đội tuyển.

Thứ ba là việc lựa chọn học sinh tham gia đội tuyển của chúng ta cũng có vấn đề. Tôi thấy có rất nhiều đơn vị đào tạo nổi tiếng như chuyên của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Sư phạm thì lần này vắng bóng. Có thể những cơ sở đào tạo ấy không có em giỏi tham gia, nhưng cá nhân tôi nghĩ khả năng nhiều hơn là do chọn không đúng.

"Tôi không nghĩ chỉ đến một Ngô Bảo Châu"...

Không ít người cho rằng, toán học Việt Nam chỉ có một Ngô Bảo Châu và hiện nay trình độ của học sinh Việt Nam mà rõ nhất là Toán, đang đi xuống?

Tôi không cho rằng trình độ của học sinh toàn quốc kém đi, vì nguồn học sinh tài năng của ta vẫn có, vấn đề chính là chúng ta chưa tổ chức phát hiện, bồi dưỡng đào tạo, hay nói cách khác là chọn mặt gửi vàng không đúng. Chúng ta điều chỉnh lại đúng đắn thì tôi tin rằng toán học sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh. Tôi không nghĩ Việt Nam đến Ngô Bảo Châu là dừng lại, mà còn có những người khác và không chỉ có Toán, cả những môn học khác.

Đội tuyển Olympic Toán Việt Nam tại IMO 2011

Có những thầy giáo từng có tiếng trong "lò luyện thi toán quốc tế" nhưng bỏ đi làm dự án vì mỗi năm thu nhập được vài trăm triệu đồng. Ông nói gì về thực tế này?

Chúng ta chưa có chế độ thỏa đáng đối với những thầy giáo bồi dưỡng đội tuyển để họ an tâm, dồn hết tâm huyết cho các em. Sự sụt giảm thành tích lần này báo động cho những người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài. Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải xem xét lại toàn bộ công tác này, cần có sự đầu tư cả về chính sách, nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí để giữ vững và phát huy truyền thống mình đã có.

Với tư cách là Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông có kiến nghị gì về việc này?

Phát triển, đào tạo bồi dưỡng nhân tài là một chính sách lớn của Đảng, trong thời điểm hiện nay lại càng phải được đầu tư, chú ý nhiều hơn. Bộ Giáo dục và Đào tạo với tư cách cơ quan quản lý nhà nước cần nghiêm túc xem xét chuyện này, những gì còn vướng mắc phải điều chỉnh, bổ sung. Ủy ban chúng tôi chỉ có ý kiến trao đổi để những nhà quản lý quan tâm xem xét trong thẩm quyền. Tôi tin rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhìn nhận được thực tế vấn đề này và chắc chắn có điều chỉnh, rút kinh nghiệm.

Xin cảm ơn ông!

Vương Hà

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.