“Khi châu Á quay trở lại Việt Nam để bàn về kinh tế, Hà Nội đang chèo lái qua vùng biển kinh tế đầy chông gai của chính mình”, tạp chí The Diplomat tháng 11 đã mở đầu bài viết đặc biệt nói về Việt Nam – quốc gia năng động hàng đầu khu vực đang tích cực cho vai trò nước chủ nhà Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Trở lại Việt Nam năm 2017 sau 11 năm vắng bóng, mặc dù Việt Nam đã tiếp tục tốc độ phát triển kinh tế nhanh của mình kể từ hội nghị cấp cao APEC năm 2006 ở Hà Nội, môi trường khu vực và toàn cầu của Việt Nam thay đổi mạnh kể từ thời điểm đó.
“Vì thế, Hội nghị cấp cao APEC năm 2017 ở Đà Nẵng đem lại cho ban lãnh đạo Việt Nam một cơ hội để thể hiện khả năng của họ đối phó với những thay đổi này”, bài viết cho hay.
APEC 2006: Việt Nam thiết lập con đường ra thế giới
Sau quãng thời gian dài khắc phục hậu quả chiến tranh và bước đầu mở cửa nền kinh tế, Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1995.
Điều này cho phép Việt Nam hòa chung với luồng thương mại và đầu tư gia tăng với các nước láng giềng ASEAN thông qua Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và các thỏa thuận thương mại tự do của ASEAN (FTA) với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ thương mại với Mỹ vào năm 2000, nước đã chấm dứt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Việt Nam hồi năm 1994. Thành tựu lớn nhất của những nỗ lực phát triển kinh tế của Việt Nam là tư cách thành viên trong Tổ chức thương mại thế giới (WTO) vào đầu năm 2007.
Tờ The Diplomat của Nhật Bản đánh giá: "Hội nghị cấp cao APEC 2006 tại Hà Nội là bữa tiệc ra mắt của Việt Nam, màn xuất hiện đầu tiên của nước này trên sân khấu kinh tế thế giới”.
Theo Ngân hàng thế giới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi từ 25 tỷ USD vào năm 1996 lên 66 tỷ USD năm 2006.
Tổng thu nhập quốc dân (GNI) tính theo đầu người đã cải thiện từ 310 USD năm 1996 lên 760 USD năm 2006.
Đó là một trong những bước phát triển đáng nể, tuy nhiên, dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hàng năm vào thời kỳ này được coi là vẫn còn hạn chế.
Thiết lập con đường đến APEC 2017: Hội nhập sâu sắc hơn bao giờ hết
Việt Nam đã có nhiều thay đổi sau 11 năm, kể từ APEC 2006.
Kể từ APEC 2006, Việt Nam đã tiếp tục theo đuổi hội nhập kinh tế với các nước láng giềng liền kề và các đối tác thương mại ở xa hơn.
Việt Nam và các thành viên ASEAN đã mở rộng phạm vi của AFTA thành một Cộng đồng kinh tế ASEAN bao gồm hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.
ASEAN (gồm Việt Nam) đã bắt đầu đàm phán để củng cố các FTA của mình với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand thành Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Việt Nam cũng đã hoàn tất các FTA song phương với Liên minh châu ÂU (EU), Nhật Bản, Chile và Liên minh kinh tế Á-Âu (Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan).
Cuối cùng, Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và đã khởi động đàm phán FTA (thông qua ASEAN) với Hong Kong, Hiệp hội thương mại tự do châu Âu (Thụy Sĩ, Na Uy, Lichtenstein và Iceland) cũng như EU.
Là kết quả của sự hội nhập kinh tế gia tăng này, Việt Nam đã đa dạng hóa thành công các thị trường xuất khẩu của mình. Theo số liệu thương mại của Liên Hợp Quốc, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vượt quá 162 tỷ USD vào năm 2015.
20 năm sau khi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Việt Nam, Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, với ASEAN, Trung Quốc và Nhật Bản là các điểm đến xuất khẩu lớn khác.
Sự hội nhập kinh tế gia tăng cũng đã đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế. Dữ liệu của Ngân hàng thế giới cho thấy rằng GDP đã tăng thậm chí mạnh hơn lên 203 tỷ USD vào năm 2016, gấp 3 lần so với năm 2006.
GNI tính theo đầu người đã cải thiện lên đến 2.050 USD, cũng gấp gần 3 lần. FDI đã tăng hơn 4 lần từ năm 2006 lên 11,8 tỷ USD vào năm 2015, phản ánh sự quan tâm gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
APEC 202X: Vạch kế hoạch cho một tiến trình mới?
Việc cân bằng kinh tế giữa Trung Quốc với các bên tham gia quốc tế khác như Mỹ, châu Âu và ngay cả trong khối ASEAN sẽ là bài toán mà Hà Nội cần tìm ra phương án hợp lý.
“Mặc dù các vấn đề của năm 2017 không như các vấn đề trong quá khứ đối với Chính phủ Việt Nam, nhưng những vấn đề kinh tế này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định và phồn thịnh lâu dài của Việt Nam”, bài viết nhận định.
Vào thời điểm nào đó trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ lại đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC.
Dù bằng cách nào thì Việt Nam cũng sẽ phải có những sự điều chỉnh khi vạch kế hoạch cho một tiến trình mới.
Với sự thức thời đó, APEC 202X sẽ là diễn đàn chào mừng thành công kinh tế của Việt Nam thay vì một Hội nghị đi tìm giải pháp mới.