Tại buổi tiếp Hiệp hội Linux Nhật tại Hà Nội chiều ngày 14/3, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Việt Nam và Nhật hiện có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. 10 năm trở lại đây, mối quan hệ song phương ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT.
Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, chuyến thăm mới đây của Nhật hoàng và Hoàng hậu tới Việt Nam đã để lại những ấn tượng rất tốt đẹp cho chính phủ và nhân dân Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy hơn nữa sự gắn kết giữa hai nước. Chuyến công du sắp tới của người đứng đầu ngành TT&TT của Việt Nam tới Nhật cũng nhằm phát triển hơn nữa mối quan hệ song phương, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT và viễn thông.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và đặc biệt trước ngưỡng cửa của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 này, Việt Nam luôn ưu tiên chọn CNTT là mũi nhọn, nền tảng để phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội đất nước.
Đáp từ Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, ông Gen Narui, Giám đốc Viện nghiên cứu và đào tạo LPI thuộc Hiệp hội Linux Nhật cho biết, báo chí Nhật cũng đưa tin đậm nét về chuyến thăm của Nhật hoàng và Hoàng hậu tới Việt Nam và đánh giá cao sự đón tiếp nồng hộ của chính phủ nhân dân Việt Nam. Nhân dân Nhật qua đó rất tin tưởng vào mối quan hệ hữu hảo giữa hai nước.
Theo ông Narui, Nhật hiện đang đối mặt với tình trạng suy giảm tỉ lệ sinh với tỉ lệ sinh thấp, tỉ lệ người già cao. Điều đó đồng nghĩa với việc tỉ lệ người trong độ tuổi lao động, kể cả trong lĩnh vực CNTT, thấp. Song, điều đáng mừng là trong chính sách đón chào du học sinh tới Nhật, đất nước mặt trời mọc đã được đón nhận đông đảo du học sinh Việt Nam với số lượng cao thứ 2 sau Trung Quốc.
Về thực trạng nền CNTT của Nhật, ông Narui nói, Nhật đang phải outsource (thuê gia công ở các nước khác) để bù đắp sự thiếu hụt nhân lực. Vì các lí do này, Nhật đang hướng về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác. Giám đốc LPI cũng bày tỏ cảm ơn đối với sự quan tâm của Việt Nam trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt đối với phần mềm mã nguồn mở.
Liên quan đến phần mềm mã nguồn mở, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, Việt Nam hiện đã ban hành Luật ATTT cùng danh mục các phần mềm mã nguồn mở. Lợi ích của phần mềm mã nguồn mở là rất rõ ràng, góp phần giảm chi phí, giảm phụ thuộc vào công nghệ của một đối tác và bảo đảm an toàn thông tin tốt hơn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhận thức rất rõ các nguy cơ ATTT gắn liền với phần mềm mã nguồn mở.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết thêm, Học viện Công nghệ BCVT, một đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT cũng đang làm nhiệm vụ đào tạo ra các kỹ sư ATTT cho Việt Nam, theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp VT-CNTT trong nước. "Với đội ngũ giảng viên, chuyên gia có kính nghiệm, trình độ cao và từng được đào tạo tại những nước phát triển về CNTT trên thế giới như Mỹ, Nga, Nhật, Học viện Công nghệ BCVT đang triển khai đào tạo theo chủ trương của Bộ là đào tạo cái người ta cần, chứ không phải đào tạo cái chúng ta có", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn hoan nghênh đề xuất của Hiệp hội Linux Nhật, tổ chức cung cấp giấy chứng nhận mã nguồn mở hàng đầu thế giới, về việc hỗ trợ Việt Nam đào tạo kỹ sư mã nguồn mở có cấp giấy chứng nhận, chứng chỉ đẳng cấp quốc tế. Ông đề nghị Hiệp hội Linux Nhật kết hợp cùng Đại học Đông Á (Đà Nẵng) và Học viện Công nghệ BCVT hiện thực hóa đề xuất này.
Theo Vietnamnet