Tên tuổi của nhà lãnh đạo Nga trên các phương tiện truyền thông ở Mỹ và châu Âu luôn bị rập khuôn đầy ác ý và họ xem ông như một nhân vật “độc đoán”.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo 65 tuổi được ví như "chàng tí hon David" khi một mình chống lại với "gã khổng lồ" Goliath - phương Tây. Tổng thống Putin vẫn thể hiện bản lĩnh của một người đứng đầu trong mọi hoàn cảnh.
Tầm nhìn toàn cầu
"Điều cần thiết là tạo điều kiện cho lao động sáng tạo và tăng trưởng kinh tế với nhịp độ có thể chấm dứt sự phân chia thế giới ra thành hai bên: Người thắng cuộc vĩnh viễn và những kẻ thua cuộc vĩnh viễn. Quy tắc phù hợp của trò chơi là cho phép các nền kinh tế đang phát triển ít nhất một cơ hội để bắt kịp với những nền kinh tế phát triển.
Chúng ta cần nỗ lực để tăng tốc phát triển kinh tế, giúp đỡ các nước và khu vực lạc hậu có điều kiện tăng trưởng kinh tế để tiếp cận tiến bộ công nghệ. Đặc biệt, điều này sẽ giúp chấm dứt tình trạng nghèo đói, một trong những vấn đề nan giải tồi tệ nhất", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai.
Tổng thống Putin muốn chấm dứt tình trạng đói nghèo? Ông muốn kích thích tăng trưởng kinh tế ở các nước đang phát triển? Và muốn xóa bỏ hệ thống phân chia thế giới thành "người thắng cuộc và kẻ thua cuộc vĩnh viễn"? Nhưng, vì sao phương Tây vẫn cố chấp gọi ông là "kẻ xấu xa"?
Cây bút Mike Whitney từ trang bình luận quốc tế độc lập UNZ Review đặt ra câu hỏi mâu thuẫn cho Mỹ và các quốc gia phương Tây - những nước đang thể hiện sự thù địch với Nga, cố tình “đổi trắng thay đen” và đặc biệt luôn mô tả hình ảnh Tổng thống Putin một cách tiêu cực.
Trên thực tế Whitney cho rằng, lẽ ra giới chính trị Mỹ cần phải cảm thấy xấu hổ khi biết rằng chính nhà lãnh đạo Nga đang hỗ trợ các vấn đề toàn cầu hiệu quả gấp nhiều lần so với những tuyên bố mị dân, sáo rỗng của Mỹ.
Ví dụ, Tổng thống Nga không chỉ cam kết nâng cao mức sống và chấm dứt tình trạng nghèo đói, ông còn ủng hộ hệ thống chăm sóc sức khoẻ miễn phí theo Hiến pháp Nga hiện nay.
Đương nhiên, hệ thống của Nga vẫn còn tồn tại những thiếu sót của nó, nhưng đã có những tiến bộ đáng kể dưới thời ông Putin về nguồn tăng đáng kể ngân sách, cải thiện điều trị và mở rộng khả năng tiếp cận.
Nhà lãnh đạo Nga từng không ít lần khẳng định rằng, chăm sóc sức khoẻ phải là một quyền phổ quát của con người.
"Một ưu tiên nữa là hệ thống chăm sóc sức khoẻ toàn cầu.... Tất cả mọi người trên thế giới, không chỉ giới tinh hoa, mà tất cả mọi người đều có quyền sống khỏe mạnh, lâu dài và đủ đầy. Đây là một mục tiêu cao quý.
Tóm lại, chúng ta nên xây dựng nền tảng cho thế giới tương lai ngày nay bằng cách đầu tư vào tất cả các lĩnh vực ưu tiên phát triển con người", Tổng thống Liên bang Nga nói tại Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai.
Có bao nhiêu chính trị gia "tự do" ở Mỹ sẽ ủng hộ lời kêu gọi như ông Putin? Không nhiều lắm, cây bút Mike Whitney nhận xét.
Thay vì nghĩ đến những mục tiêu cao cả, trên thực tế, các đảng viên Dân chủ liên tục bám víu vào chương trình chăm sóc y tế miễn phí Obamacare để đảm bảo được lợi ích cho các tập đoàn bảo hiểm khổng lồ và các công ty dược phẩm tham lam, mà chính bản thân họ cũng có phần.
Họ luôn ra rả những bài phát biểu cố gắng để thúc đẩy chăm sóc sức khoẻ toàn cầu như là một quyền cơ bản của con người, nhưng chỉ đơn giản là ủng hộ nó như một bình phong cho mục đích khác.
Không chỉ vậy, công chúng sẽ còn ngạc nhiên hơn khi nghe về quan điểm của Tổng thống Putin về biến đổi khí hậu. Đây là một đoạn trích từ bài phát biểu ở Valdai:
"Thưa quý vị, một vấn đề nữa sẽ ảnh hưởng đến tương lai của toàn thể nhân loại là biến đổi khí hậu. ... Tôi đề nghị chúng ta hãy xem xét vấn đề này một cách rộng rãi hơn ...
Điều chúng ta cần là một cách tiếp cận khác biệt cơ bản, một trong những cách này sẽ liên quan đến việc giới thiệu các công nghệ mới, đột phá, tự nhiên, không gây tổn hại cho môi trường, mà trở nên hài hòa hơn, cho phép chúng ta khôi phục sự cân bằng giữa những gì tự nhiên và hoạt động của con người…
Chúng tôi đề xuất triệu tập một diễn đàn đặc biệt dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề liên quan đến sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, hủy hoại môi trường sống và thay đổi khí hậu. Nga sẵn sàng đồng tài trợ cho một diễn đàn như vậy".
Hầu hết những người dân ở quốc gia phương Tây vốn quen với hình ảnh nhà lãnh đạo Nga bị bôi nhọ sẽ khó có thể nghĩ Tổng thống Putin lại ủng hộ một nỗ lực toàn cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu như thế.
Các phương tiện truyền thông phương Tây không muốn mọi người biết Tổng thống Putin là một người đàn ông luôn làm việc không mệt mỏi để giúp nước Nga và thế giới trở nên tốt hơn.
Ngược lại, phương Tây muốn người dân tin rằng, ông Putin là một nhân vật "nhiều mưu kế và ám ảnh với nước Mỹ; thực sự là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ".
Làm thay đổi nước Nga
Tổng thống Putin đã kéo Liên bang Nga trở lại từ bờ vực hủy diệt vào năm 2000 và đã có những quốc gia noi theo con đường tích cực này. Từ đó ảnh hưởng của ông đối với nền kinh tế Nga đặc biệt ấn tượng.
Theo Wikipedia: "Giữa năm 2000 và 2012 xuất khẩu năng lượng của Nga đã giúp thúc đẩy mức sống tăng nhanh, với thu nhập thực tế tăng lên 160%. Trong cùng thời kỳ, tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói giảm hơn một nửa và người Nga tự đánh giá sự hài lòng về cuộc sống của họ cũng tăng lên đáng kể”.
Bất bình đẳng là một vấn đề ở Nga giống như ở Mỹ, nhưng đa số người lao động đã được hưởng lợi rất lớn từ cải cách của ông Putin.
Kể từ khi ông Putin lên nắm quyền vào năm 2000, công nhân đã nhận được tiền lương, phúc lợi, chăm sóc sức khoẻ và lương hưu tốt hơn. Tỷ lệ đói nghèo và thất nghiệp đã giảm hơn một nửa trong khi đầu tư nước ngoài đã có sự tăng trưởng ổn định.
Các khoản vay lớn từ IMF đã được hoàn trả đầy đủ, hàng trăm tỷ đô la được tích lũy, thuế cá nhân và doanh nghiệp bị cắt giảm và ngành công nghệ đã trải qua một thời kỳ hồi phục chưa từng có.
Các đầu sỏ chính trị khét tiếng của Nga vẫn có siết chặt đối với nhiều ngành công nghiệp tư nhân, nhưng sự kìm kẹp này đã dần bị nới lỏng.
Dù không hoàn hảo, nhưng nền kinh tế Nga đã phát triển mạnh dưới thời Putin và nói chung, đều được người dân đánh giá cao. Điều này giúp giải thích tại sao các cuộc thăm dò uy tín của ông chủ Điện Kremlin luôn ở mức khá cao (70 - 80%).
Nói một cách đơn giản: Ông Putin là Tổng thống Nga nổi tiếng nhất mọi thời đại. Trên thực tế, ông thường đứng ở hàng đầu của hầu hết các cuộc thăm dò lãnh đạo toàn cầu như cuộc thăm dò gần đây của Gallup vào cuối năm, nơi ông đứng ở vị trí thứ ba (43%), thứ hai là Thủ tướng Đức Angela Merkel (49%) và dẫn đầu là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (45%).
Nơi duy nhất mà mọi người có quan điểm tiêu cực về Putin là ở Mỹ (14%) và châu Âu (28%), hai địa điểm mà ông bị các phương tiện truyền thông tấn công “tàn nhẫn” và bị giới chính trị chế nhạo.
Điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi cơ hội để tìm thấy một bài viết có sự khách quan đối với nhà lãnh đạo Nga không khác gì "tìm một đồng xu ở đáy Thái Bình Dương".
Chống phá
Các cuộc tấn công nhắm vào cá nhân ông Putin bắt đầu vào nhiệm kỳ thứ hai năm 2006, khi phương Tây nhận ra rằng, Nga nói chung và bản thân Tổng thống Putin nói riêng, đang dần trở thành mối đe dọa lớn, cản đường Mỹ khai thác lợi ích trên thế giới.
Đây là thời điểm Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) – một tổ chức chuyên về chính sách đối ngoại của Mỹ - mạnh mẽ tài trợ cho một báo cáo có tiêu đề "Hướng đi sai lầm của Nga".
John Edwards và Jack Kemp đã được chỉ định để lãnh đạo một “đội đặc nhiệm CFR” tạo ra cái cớ vô lý rằng ông Putin đang "lật đổ nền dân chủ".
Kemp và Edwards cung cấp nền tảng ý thức hệ mà dựa trên đó, toàn bộ chiến dịch truyền thông chống lại ông Putin đã được xây dựng.
12 năm sau, những cáo buộc tương tự vẫn tiếp tục chồng chồng lớp lớp đi kèm với những cáo buộc bổ sung rằng, ông Putin đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Dường như, điều mà Washington thực sự căm ghét Putin là ông đã từ chối đi theo đề nghị của họ và công khai bác bỏ mô hình về trật tự thế giới "đơn cực".
Sự can thiệp của Nga vào cuộc chiến tranh Syria trong tháng 9/2015 đã một lần nữa trở thành trở ngại cho tham vọng xây dựng đế chế toàn cầu của Washington.
Giới chính trị nước Mỹ hiểu rằng, cần phải triệt hạ "kẻ ngáng đường Putin" bằng mọi cách, để tiếp tục cho nhiều cuộc can thiệp ở nước ngoài, nhiều cuộc chiến thay đổi chế độ hơn nữa ở các quốc gia có chủ quyền.
Tổng thống Putin đã nhiều lần cảnh báo Washington, Nga sẽ không đứng im nhìn Mỹ hủy diệt một quốc gia để thỏa ước mơ thống trị toàn cầu.
Mỹ thường biểu hiện sự coi thường luật pháp quốc tế và "vượt qua biên giới quốc gia dưới mọi hình thức". Với hành vi hung hăng của Washington, niềm tin của công chúng đối với luật pháp quốc tế và an ninh toàn cầu đã bị xói mòn và: "Không ai cảm thấy an toàn. Tôi muốn nhấn mạnh điều này", ông Putin phát biểu ở Hội nghị An ninh Munich 2007. "Không ai cảm thấy an toàn".
Tổng thống Putin đổ lỗi cho Mỹ về sự gia tăng khủng bố toàn cầu. Ông cũng lên án chiến lược của Washington sử dụng các tổ chức khủng bố để đạt được những mục tiêu chiến lược hạn chế (thay đổi chế độ).
Quan trọng hơn, ông tự tin có mặt ở Liên Hợp Quốc để giải thích lý do tại sao triển khai Không quân Nga tới các căn cứ ở Syria, nơi lực lượng này sẽ tiến hành một cuộc chiến chống lại các phần tử Hồi giáo được cho là do Washington hậu thuẫn trên mặt đất.
"Chúng tôi không thể chịu đựng được tình trạng hiện tại trên thế giới", nhà lãnh đạo Nga tuyên bố.
Chưa đến 48 giờ sau khi những lời này được nói ra, máy bay chiến đấu của Nga bắt đầu đập nát các mục tiêu quân sự ở Syria.
"Các đồng nghiệp thân mến, ... dựa trên luật pháp quốc tế, chúng ta phải cùng nhau nỗ lực giải quyết những vấn đề mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt và tạo ra một liên minh quốc tế thật sự rộng lớn để chống khủng bố...
Nga tin tưởng vào tiềm năng to lớn của Liên Hợp Quốc. Cùng với các quốc gia khác, chúng tôi sẽ làm việc liên tục để củng cố vai trò điều phối trung tâm của Liên Hợp Quốc.
Tôi tin rằng bằng cách làm việc cùng nhau, chúng tôi sẽ làm cho thế giới ổn định và an toàn hơn, đồng thời tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự phát triển của tất cả các quốc gia và các dân tộc", Tổng thống Putin kêu gọi.
Với các quốc gia phương Tây, Putin là "người xấu" vì dám phản đối mọi âm mưu xâm lược các quốc gia khác của Mỹ; ngăn chặn sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố và từ chối ý tưởng rằng một cường quốc như Mỹ nghiễm nhiên phải thống trị thế giới.
Lý do nhà lãnh đạo Nga bị công kích là bởi vì ông muốn mang đến sự thịnh vượng cho thế giới mà không có tham vọng biến đất nước của mình trở thành bá chủ toàn cầu – điều giống như mục tiêu mà “người tốt” như Mỹ hướng tới.