VNEN “vỡ trận”, các tỉnh loay hoay việc dừng hay tiếp tục triển khai mô hình này. GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, đây là thất bại đau đớn của bộ GD&ĐT. PV báo Người Đưa Tin đã nhận được những chia sẻ thẳng thắn của ông về vấn đề này.
PV: Các địa phương đang “đau đầu” về việc có tiếp tục triển khai mô hình VNEN hay không. Theo ông, tại sao lại có tình trạng như vậy?
GS.TS Phạm Tất Dong: Khi khởi động mô hình giáo dục mới VNEN, các vị ở bộ GD&ĐT tâng bốc “lên mây xanh” và nói một cách nước đôi “nơi nào làm tốt thì làm”. Làm giáo dục mà nước đôi thì không thể thành công. Làm giáo dục là phải chỉ đạo thật chặt chứ không phải muốn là làm được.
Chúng ta “nhập” VNEN về trong nước nhưng thất bại đau đớn, vì sao vậy? Cách đây vài tháng, tôi có về Thái Bình làm việc, khảo sát tình hình thực hiện Chỉ thị 11, ngay cả lãnh đạo tỉnh cũng than vãn đang rất khổ vì nghe lời Bộ phát triển tất cả các trường ở Thái Bình theo mô hình giáo dục VNEN. Bây giờ không làm nữa biết trả lời dân ra sao?
Lãnh đạo một tỉnh cũng băn khoăn “bỏ thì thương, vương thì tội”. Cải cách không có đầu có đũa, bỏ dở giữa chừng sẽ vô cùng nguy hiểm. Mang một mô hình ở nước khác về áp dụng máy móc ở thực tiễn Việt Nam và dự án thất bại, hàng nghìn tỷ đồng đầu tư lãng phí là điều dễ hiểu.
PV: Bất kỳ một đề án nào cũng cần phải trưng cầu và lắng nghe ý kiến từ đối tượng bị tác động và dư luận. Dù VNEN từ đầu bị phản đối nhưng Bộ vẫn quyết làm, phải chăng Bộ đã lặp lại "điệp khúc" “thí điểm” học sinh, giáo viên hơn là hướng đến mục tiêu lâu dài, thưa ông?
GS.TS Phạm Tất Dong: Giáo dục không phải là thí điểm. Giáo dục là thực nghiệm, phải chắc chắn mới được làm. Theo tôi, Chính phủ cần đưa ra Quốc hội, chỉ đạo ngành giáo dục làm gì trong thời gian tới chứ không thể buông như hiện nay. Bộ cứ làm, Quốc hội chất vấn thì chưa giải quyết được những tồn tại.
Quốc hội cần lên tiếng dừng lại những cải cách chưa hợp lý. Hiện, chúng ta cần một hội đồng giải quyết vấn đề giáo dục để tìm ra hướng đi mới. Cần xem xét những chương trình Bộ cho thí điểm có đáp ứng thực tiễn, nếu không đạt được phải rút kinh nghiệm và tránh lặp lại sai lầm.
PV: Vậy, để những cải cách không gánh thêm "thất bại đau đớn" như ông nói, ngành giáo dục cần làm gì trong bối cảnh hiện nay?
GS.TS Phạm Tất Dong: Tôi cho rằng, bộ GD&ĐT nên dừng đổi mới, cải cách. Thay vào đó, Bộ cần mời các chuyên gia, kể cả chuyên gia nước ngoài để bàn tính xem giáo dục của chúng ta cần bắt đầu từ cái gì?
Theo tôi, cái chúng ta cần bắt đầu chính là mục tiêu. Chúng ta dự định đào tạo nguồn nhân lực phát triển theo hướng nào, giáo dục trẻ em giai đoạn này ra sao, cần có mục tiêu và xây dựng xã hội học tập trong cả nước; trên cơ sở đó định ra từng bước phát triển. Tôi cũng xin thẳng thắn nói rằng, chương trình phổ thông của chúng ta sẽ không làm được. Kể cả lui 1-2 năm sau, với cách làm như hiện tại cũng sẽ hỏng.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Lan Thơm